Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022: Về một số quy định đối với KDCN và sáng chế.

25/10/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Bài viết đề cập một số sửa đổi nổi bật liên quan tới kiểu dáng công nghiêp (KDCN) và sáng chế, trừ những nội dung chung về sở hữu công nghiệp đã được đăng tại một số bài trước đây[1].

Có thể những vấn đề nêu ở đây sẽ được giải thích hoặc làm rõ tại Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư của Bộ KH-CN (“Thông tư 01”) hướng dẫn thi hành Luật, hy vọng sớm được ban hành. Bởi vậy, bài viết, như một đóng góp giúp hiểu thêm, hoặc có những tranh luận cần thiết nhằm làm rõ những vấn đề được nêu.

(Dưới đây, khi đề cập tới Luật mà không nêu cụ thể thì được hiểu là Luật Sở SHTT sửa đổi 2022, trong đó các câu bị gạch ngang là hủy bỏ, viết nghiêng là sửa đổi, bổ sung so với Luật SHTT hiện hành)

I. Kiểu dáng công nghiệp (KDCN)

(i) Điều 4.13 được sửa đổi như sau:

....

13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.”;

Nhận xét :

Việc bổ sung các cụm từ “bộ phận sản phẩm”, “sản phẩm phức hợp”, “trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm” cũng như cũng như thay đổi kết cấu của điều khoản khiến khái niệm về KDCN được bảo hộ thay đổi nhiều so với Luật SHTT hiện hành. Mục đích của sự thay đổi có lẽ là để phù hợp với Điều 12.35.2 – KDCN[2] (2) của Hiệp định Hiệp định thương mại Việt Nam- châu Âu (AVFTA), theo đó:

Một kiểu dáng áp dụng cho hoặc chứa đựng trong một sản phẩm là bộ phận của một sản phẩm phức hợp chỉ được xem là mới và nguyên gốc khi:

(a) Bộ phận đó, nếu được lắp vào sản phẩm phức hợp, vẫn nhìn thấy được trong quá trình sử dụng thông thường của sản phẩm phức hợp đó; và

(b) Khi chính những đặc điểm nhìn thấy được của bộ phận đó đáp ứng điều kiện về tính mới và nguyên gốc.

Tuy nhiên, Điều 4.13 cũng làm nảy sinh một số vấn đề, cụ thể như sau:

- Về bảo hộ KDCN đối với sản phẩm phức hợp :

Căn cứ vào nội dung và thể hiện của khoản 13 nêu trên thì KDCN có thể chỉ bao gồm hai đối tượng là  “sản phẩm” và “bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp”, vậy đối tượng được gọi là “sản phẩm phức hợp” là gì?, khác biệt thể nào với “sản phẩm” và liệu có thể là một kiểu dáng và được bảo hộ là KDCN?. Phải chăng “sản phẩm phức hợp” cũng là sản phẩm nhưng do cách thể hiện của khoản 13 như trên khiến nó trở nên không rõ ràng?

Đồng thời điều 12.35.2 – KDCN  của Hiệp định EVFTA cũng quy định rất rõ điều kiện bảo hộ đối với các bộ phận của sản phẩm phức hợp, đó là “đặc điểm nhìn thấy được của bộ phận đó đáp ứng điều kiện bảo hộ”, tuy nhiên các quy định về điều kiện bảo hộ của KDCN  lại không thể hiện nội dung này.

(ii)  Sửa đổi, bổ sung Điều 103 như sau:

“Điều 103. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

1. Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bản mô tả kiểu dáng công nghiệp và bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ. gồm phần mô tả kiểu dáng công nghiệp và phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

2. Bộ ảnh chụp, bản vẽ Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các  đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Bộc lộ đầy đủ tất cả các đặc điểm tạo dáng thể hiện bản chất của kiểu dáng công nghiệp và nêu rõ các đặc điểm tạo dáng của mới, khác biệt so với kiểu dáng công nghiệp ít khác biệt nhất đã biết, phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ; yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.

b) Trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm nhiều phương án thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ các phương án và chỉ rõ các đặc điểm khác biệt giữa phương án cơ bản với các phương án còn lại;

c) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn đăng ký là kiểu dáng của bộ sản phẩm thì phần mô tả phải thể hiện đầy đủ kiểu dáng của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.

3. Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải nêu rõ các đặc điểm tạo dáng cần được bảo hộ, bao gồm các đặc điểm mới, khác biệt với các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

4. Bộ ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

3. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

Nhận xét :

Việc bỏ hoàn toàn phần “Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp”  khỏi đơn đăng ký KDCN là mạo hiểm vì lúc đó người nộp đơn không còn chịu trách nhiệm giải trình  về các đặc trưng của KDCN nêu trong đơn (mặc dù KDCN là loại đối tượng SHCN có tác giả), mọi trách nhiệm xác định điều kiện bảo hộ của KDCN trong đơn đăng ký thuộc về Cơ quan cấp văn bằng. Các vụ việc  tranh chấp về KDCN được nêu tại Trung Quốc và châu Âu[3] cho thấy sự phức tạp của các tranh chấp phần lớn đều liên quan đến việc xác định phạm vi bảo hộ của KDCN có liên quan, đòi hỏi phải làm rõ bối cảnh, chi tiết của sản phẩm được bảo hộ là KDCN, ví dụ trong vụ tranh chấp kiểu dáng xe ô tô Porsche 911 , Tòa án châu Âu đã nhận xét như sau:

“..quyền tự do sáng tạo của nhà thiết kế - phải được tòa xem xét khi đánh giá đặc điểm riêng của KDCN - luôn bị giới hạn bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như chức năng của sản phẩm hoặc các luật hiện hành. Do đó, sự tự do này càng bị hạn chế, thì sự khác biệt nhỏ giữa các mẫu xe cùng loại có thể đủ để khơi dậy cho người tiêu dùng một ấn tượng tổng thể khác...”

Do vây,  nếu  phạm vi bảo hộ không được nêu rõ mà chỉ mô tả đặc điểm sản phẩm theo hình vẽ trong  đơn đăng ký, thì  sẽ rất khó khăn cho các Cơ quan có thẩm quyền khi xử lý các hành vi xâm phạm quyền, giải quyết các khiếu nại ... liên quan đến KDCN cũng như đối với công chúng trong việc nhận biết về phạm vi bảo hộ KDCN.

Tại Hoa Kỳ , đơn đăng ký bảo hộ KDCN vẫn phải bao gồm một yêu cầu bảo hộ theo mẫu thống nhất (single claim), KDCN nêu trong đơn được mô tả bằng hình, trong hình đó phần không được đề nghị bảo hộ phải được làm rõ bằng đường đứt đoạn (broken line)[4] (4).Bằng hình thức này kiểu dáng công nghiệp được mô tả bằng hình trong đơn đăng ký vẫn thề hiện rõ phạm vi bảo hộ.

(iii)  Điều 4. Quy định chuyển tiếp

......

5. Quyền và nghĩa vụ đối với KDCN là bộ phận của sản phẩm lắp ráp thành sản phẩm phức hợp theo văn bằng bảo hộ đã được cấp trên cơ sở đơn đăng ký trước ngày 01 tháng 8 năm 2020 được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Nhận xét :

Quy định này nhằm thực hiện việc tiếp tục bảo hộ cho các KDCN không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo điều khoản về KDCN tại Hiệp định EVFTA nhưng đã được cấp Văn bằng bảo hộ từ trước ngày Hiệp định này có hiệu lực (01/8/2020) do đáp ứng các quy định bảo hộ KDCN của Luật SHTT hiên hành .

Nhưng nếu quy định cụ thể rằng các Văn bằng bảo hộ đó vẫn có thể tiếp tục được gia hạn hiệu lực thì sẽ rõ ràng hơn.

II. Sáng chế

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 60 như sau:

Điều 60. Tính mới của sáng chế

1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

b) Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.”.

Nhận xét :

Sửa đổi như trên không tạo ra điều gì khác liên quan tới tính mới của sáng chế vì quy định tại Điều 90. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên của Luật SHTT hiện hành cũng đủ để xử lý các trường hợp nêu trên.

Hơn nữa  việc áp dụng tính mới theo quy định bổ sung nêu trên có lẽ chưa đưa ra  phương án giải quyết đối với trường hợp đơn sáng chế có ngày ưu tiên sớm hơn mà chưa công bố đã được sử dụng làm đối chứng về tính mới lại bị rút đơn,  khi đó đơn đã rút được coi là chưa nộp và tất nhiên không thể sử dụng làm đối chứng về tính mới  đối với các đơn đăng ký sáng chế khác, nội dung này được quy định tại Điều 116. Rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, như sau ;

“....

3. Mọi đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa công bố và mọi đơn đăng ký nhãn hiệu đã rút đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp đơn được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.”

(ii) Bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào sau khoản 2 Điều 114 như sau:

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.

4. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết việc sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế quy định tại khoản 3 Điều này.”.

Đây là một quy định có tác dụng giảm tải cho hoạt động thẩm định đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam.Chi tiết sẽ được Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ quy định trong văn bản hướng dẫn, chắc cũng cần cân nhắc đến trường hợp xử lý đối với VBBH sáng chế tại Việt Nam nếu kết quả thẩm định sáng chế đó Tại  nước ngoài mà Cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã sử dụng bị hủy bỏ trong quá trình phản đối , đề nghị hủy bỏ hiệu lực VBBH tại nước ngoài có liên quan./.

 


 

 

Các bài viết khác