Logo

Về các thủ tục phản đối theo quy định của Luật SHTT sau khi sửa đổi

20/09/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực vào ngày 01/01/2023.

Một thủ tục gọi là “phản đối” được coi là đặc thù của luật sở hữu công nghiệp (SHCN) Việt Nam, qua tìm hiểu không thấy xuất hiện tại các quy định pháp luật khác. Ở hầu hết các quốc gia, thủ tục phản đối trong quá trình xác lập quyền SHCN được quy định chặt chẽ. Bài viết này đề cập đến quy định về phản đối trong Luật số 07/2022//QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (gọi tắt là Luật SHTT sửa đổi 2022) có hiệu lực vào ngày 01/01/2023.

1. Quy định về thủ tục phản đối

Luật SHTT sửa đổi 2022 bổ sung Điều 112a – Phản đối đơn đăng ký SHCN. Với sự bổ sung này, sẽ có các điều khoản dưới đây liên quan tới thủ tục phản đối:

(i) Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký SHCN

1. Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;

b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;

c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.

2. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

.....

(ii) Điều 117. Từ chối cấp văn bằng bảo hộ

.....

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN thực hiện các thủ tục sau đây:

a) Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;

...

d) Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.”.

4. Trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký SHCN tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.

(iii) Điều 118. Cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ

2. Trong trường hợp có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung, đơn đăng ký SHCN tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.”.

2. Nhận xét và bình luận

2.1  Hình thức thể hiện

Có thể nói các quy định  được thể hiện khá rời rạc, không có sự liên kết  và không rõ ràng, nhất quán,  cụ thể như sau:

- Điều 112.a quy định đầy đủ về điều kiện, thời hạn nộp đơn phản đối của người thứ ba nhưng không quy định cơ sở pháp luật làm căn cứ cho việc phản đối, điều này có thể dẫn đến những ý kiến tự phát, cảm tính gây khó khăn cho Cơ quan thụ lý.

- Điều 117.3. Quy định về việc người nộp đơn đăng ký SHCN phản đối thông báo dự định từ chối cấp VBBH, tuy nhiên không đề cập đến nội dung cần phải có của đơn phản đối, do vậy không rõ lý do để Cơ quan có thẩm quyền có thể nhận định rằng người phản đối đã có  “ý kiến không xác đáng” để có thể từ chối cấp VBBH như đã nêu tại Điều 117.3.d.

- Điều 117.4  Đề cập đến  việc phản đối thông báo dự định  cấp VBBH, tuy nhiên quy định còn thiếu rõ ràng hơn cả điều 117.3, vì chỉ  đề cập đến trường  hợp thẩm định lại  các vấn đề bị phản đối, không quy định rõ chủ thể phản đối thông báo dự định cấp VBBH, có thể đoán rằng nhiều phần đó là người nộp đơn đăng ký SHCN vì chỉ họ mới nhận được thông báo này,  tuy nhiên cũng không loại trừ được các chủ thể khác cũng có  thể nộp đơn phản đối .

- Điều 118.2 Quy định về việc thẩm định lại khi có “ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung”, tuy nhiên tất cả các điều trước đó đều không đề cập đến việc phản đối kết quả thẩm định nội dung và cũng không rõ việc thẩm định lại  tại Điều 118.2 thì khác gì với thẩm định lại “về những vấn đề bị phản đối” tại Điều 117.4

2.2  Nội dung giữa các thủ tục phản đối

2.2.1  Sự khác biệt của các thủ tục.

- Từ ngày 01/01/2023 Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực khi đó thủ tục phản đối có thêm được trường hợp “Phản đối đơn đăng ký xác lập quyền SHCN” của người thứ ba nêu tại Điều 112a.

Cũng phải nói thêm rằng trước đó tại Điểm 6.6 - Xử lý ý kiến của người thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ được quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (gọi tắt là “Thông tư 01”) ban hành ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006  có nhắc đến từ “phản đối”  khi xử lý ý kiến của người thứ ba, như sau :

Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người thứ ba không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên đây chỉ là cách gọi trong trình tự xử lý ý kiến của người thứ ba, chưa phải là một trình tự chính thức được ghi nhận trong Luật (trong Luật SHTT và các văn bản hướng dẫn vẫn quy định đây là ý kiến của người thứ ba) và cũng chưa được quy định  là trình tự phản đối trong Luật SHTT 2005 và các lần sửa đổi trước năm 2022.

- Như vậy sau ngày 01/01/2023 theo Luật SHTT sẽ tồn tại hai thủ tục có nội dung khác nhau nhưng cùng tên gọi là phản đối, đó là :

Phản đối của người thứ ba khi không đồng ý đối với việc nộp đơn đăng ký SHCN của người khác được quy định tại Điều 112a, sau đây tạm gọi là phản đối của người thứ ba; và

Phản đối của người nộp đơn đối với dự định của Cục SHTT trong việc xử lý đơn đăng ký của họ (từ chối hoặc cấp VBBH) được đề cập tại Điều 117 và 118 của Luật SHTT, sau đây tạm gọi là phản đối của người nộp đơn.

2.2.2  Về sự bất cập

Tên gọi thủ tục như trên  khác với tất cả các thủ tục khác được biết trong quá trình bảo hộ quyền SHCN tại Việt Nam  (nộp đơn đăng ký, đề nghị hủy bỏ hiệu lực VBBH, khiếu nại…)  khi mà mỗi thủ tục đều chỉ một nội dung và theo tên gọi của thủ tục là hoàn toàn có thể xác định  được các đối tượng tham gia cũng như vấn đề có liên quan. Việc đặt tên thủ tục phản đối có nội dung khác nhau như trong Luật SHTT rất khó để xây dựng khái niệm về phản đối nếu chỉ dựa vào chủ thể nộp đơn để phân biệt và dễ gây nhầm lẫn, chẳng hạn nhầm lẫn với thủ tục khiếu nại khi mà người nộp đơn cho rằng ý kiến chống lại quan điểm của Cơ quan quản lý SHCN là khiếu nại (cũng cần lưu ý rằng đây chỉ là khiếu nại/nêu ý kiến về một dự định chứ chưa phải là quyết định của cơ quan quản lý SHCN). Ngay người nộp đơn cũng có thể tham gia các thủ tục “phản đối” với các vai trò khác nhau: Phản đối ý kiến của Cơ quan quản lý đối với đơn đăng ký của mình với tư cách  là người nộp đơn và phản đối đơn đăng ký của người khác với tư cách là người thứ ba. Thực chất thì việc người nộp đơn có ý kiến trả lời các thông báo của Cơ quan là hành vi thuộc các thủ tục nộp đơn đăng ký, thẩm định, họ đã nộp phí/lệ phí cho các thủ tục đó do vậy khi “phản đối” các thông báo của Cơ quan quản lý người nộp đơn không phải nộp lệ phí như khi bắt đầu thủ tục phản đối của người thứ ba cũng như các thủ tục khác về SHCN.

Quy định về bảo hộ SHCN của rất nhiều nước trên thế giới, cũng như tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới*[1] đều nêu rõ trình tự  phản đối (“oppositon”) là trình tự thể hiện ý kiến của người thứ ba đối với việc nộp đơn đăng ký SHCN sau khi đơn đăng ký SHCN được công bố (“pre-grant opposition”, như Việt Nam) hoặc sau khi quyết định cấp VBBH được công bố (“post-grant opposition”).

Các nước khác cũng không gi ý kiến của người nộp đơn khi không đồng ý với các ý kiến (chưa phải là quyết định) của Cơ quan xác lập quyền là phản đối. Thông thường, trong các thông báo liên quan đến xác lập quyền, Cơ quan SHCN yêu cầu người nộp đơn phản hồi/trả lời ý kiến của thẩm định viên trong một thời hạn quy định (như trường hợp USPTO từ chối đơn 9103840 cho nhãn hiệu “ST25)[2].

Quy định về bảo hộ quyền SHCN của Việt Nam cũng nên theo hướng này./.

 

Các bài viết khác