Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022 - Vai trò của người thứ ba trong quá trình xác lập quyền SHCN

22/07/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung 102/222 điều của Luật SHTT hiện hành

Trong quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), Cơ quan xác lập quyền, cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ, sẽ dựa vào nhiều nguồn thông tin, trong đó một nguồn thông tin quan trọng là ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) để đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng có liên quan.

1. Ý kiến của người thứ ba tại Luật SHTT hiện hành

Nội dung này được quy định tại Điều 112 của Luật SHTT hiện hành như sau:

Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp (SHCN) đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ (VBBH), bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo các tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Điểm 6. Xử lý ý kiến của người thứ ba trước khi ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (gọi tắt là “Thông tư 01”) ban hành ngày 14/02/2007 của Bộ trưởng Bộ KH-CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp[1] đã nói đến nội hàm của  thuật ngữ “ý kiến”, theo đó “ý kiến” bao hàm “...ý kiến về quyền đăng ký, quyền ưu tiên, điều kiện bảo hộ và về những vấn đề khác liên quan đến đơn đăng ký SHCN”. 

Tới nay hầu như tất cả các ý kiến của người thứ ba gửi tới Cục SHTT đều ở dạng văn bản (đơn) với tiêu đề  là “phản đối đơn xin đăng ký...” hoặc “đề nghị không cấp, hoặc từ chối cấp VBBH...” cho các đối tượng SHCN tương ứng nêu trong đơn.  

Thực tiễn tới nay cho thấy, trong không ít trường hợp, việc xử lý ý kiến của người thứ ba đã kéo dài hàng năm vì vụ việc phức tạp hoặc có bên liên quan không đồng ý với quyết định của cơ quan SHTT nên khởi kiện ra Tòa và vụ việc chỉ có thể  kết thúc sau khi được giải quyết ở cấp cao nhất. Ví dụ, ở Việt Nam, đơn phản đối đăng ký nhãn hiệu “AARDWOLF” đã kéo dài từ 2005 đến đến 2019 và chỉ kết thức khi có bản án của Tòa án phúc thẩm thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tượng này cũng phổ biến ở nhiều quốc gia khác, ví dụ, vụ chủ nhãn hiệu Massi (Tây Ban Nha) phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu Messi cũng kéo dài 10 năm cho đến khi Tòa án Công lý châu Âu ban hành phán quyết cuối cùng[2].

Không thể phủ nhận rằng ý kiến của người thứ ba là cần thiết để bảo đảm việc xác lập quyền được chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không ít những ý kiến không xác đáng đã gây ra các tác động tiêu cực, kéo dài thời gian thẩm định đơn đăng ký SHCN và không loại trừ khả năng người thứ ba lạm dụng quyền để gây khó khăn cho việc xử lý đơn đăng ký SHCN của đối thủ cạnh tranh.

2. Ý kiến của người thứ ba tại Luật SHTT sửa đổi năm 2022

Điều 39 của Luật SHTT sửa đổi 2022[3] sửa đổi và bổ sung quy định về ý kiến của người thứ ba như sau:

(i) Điều 112 được bổ sung một đoạn (câu được gạch dưới) trở thành như sau:

“Điều 112. Ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo SHCN đến trước ngày ra quyết định cấp VBBH, bất kỳ Người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN về việc cấp hoặc không cấp VBBH đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Văn bản nêu ý kiến của Người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký SHCN.

(ii) bổ sung Điều 112a, như sau:

Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký SHCN.

1. Trước ngày ra quyết định cấp VBBH, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ Người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp VBBH:

a) Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;

b) Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;

c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

d) Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.

2. Ý kiến phản đối quy định tại khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”.

3.  Bình luận về các sửa đổi bổ sung tại Luật SHTT sửa đổi năm 2022

Từ những sủa đổi bổ sung nêu trên có thể nhận ra một số điểm mới sau:

(i) Có sự phân loại ý kiến của người thứ ba

Theo đó, ý kiến của người thứ ba được chia làm hai loại:

-  Ý kiến về việc cấp VBBH, nêu tại Điều 112;  và

-  Phản đối đơn đăng ký SHCN, nêu tại Điều 112a.

(ii) Có sự khác biệt trong việc xử lý ý kiến

Việc phân chia như trên sẽ dẫn đến cách xử lý khác nhau của Cục SHTT và cơ quan có liên quan.

Hiểu một cách đơn giản, nếu ý kiến của người thứ ba không phải là “Phản đối đơn đăng ký SHCN’ quy định tại Điều 112a mà chỉ là “ý kiến về việc cấp hoặc không cấp VBBH đối với đơn đó” thì sẽ được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký SHCN. Nếu đã là thông tin tham khảo thì trách nhiệm của cả bên cung cấp cũng như bên thụ lý sẽ ít ràng buộc về mặt pháp lý. Đương nhiên, người cung cấp ý kiến sẽ không phải nộp lệ phí cho việc cung cấp ý kiến đó.

Nếu là “Phản đối đơn đăng ký SHCN” thì phải tuân thủ các quy định về thời hạn, phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí. Và việc xử lý ý kiến phản đối phải theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ KH-CN quy định.

Việc phân loại nêu trên một mặt sẽ nâng cao trách nhiệm của người thứ ba khi có ý kiến, giảm bớt những ý kiến thiếu căn cứ xác đáng, đồng thời tăng nguồn thu và đi kèm với nó là nâng cao trách nhiệm của Cục SHTT trong việc xử lý ý kiến của người thứ ba trong quá trình xác lập quyền SHCN.

(iii)  Xu hướng lựa chọn của người thứ ba

Với Điều 112a có thể dự đoán rằng ý kiến phản đối sẽ có hiệu lực mạnh mẽ hơn so với ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH nêu tại Điều 112. Bởi vậy, trong trường hợp có chứng cứ chắc chắn và quyền lợi có thể bị ảnh hưởng do việc nộp đơn đăng ký thì việc lựa chọn trình tự phản đối đơn đăng ký nêu tại Điều 112a sẽ là ưu tiên. Ngược lại, khi không thể đảm bảo tính chính xác của các thông tin có được thì có thể vận dụng Điều 112 để Cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, tham khảo.

(iv) Về một số bất cập

Có thể nhận thấy rằng cả hai Điều 112 và 112a đều đề cập đến ý kiến hoặc phản đối của người thư ba đối với việc cấp văn bằng bảo hộ, mặc dầu tiêu đề của  Điều 112a là phản đối đơn đơn đăng ký SHCN. Như vậy là không chính xác vì vào thời điểm mà người thứ ba thực hiện các trình tự nêu tại hai điều nói trên  thì quyết định về việc cấp VBBH chưa được Cơ quan nhà nước về SHCN ban hành, tức là “việc cấp văn bằng bảo hộ” chưa diễn ra. Đề cập tới VBBH có thể gây nhầm lẫn về vai trò cuả các bên và tính khách quan của Cơ quan có trách nhiệm xử lý vụ việc và nhầm lẫn với trình tự khiếu nại đối với các quyết định cấp VBBH của Cơ quan có thẩm quyền.

Nếu sử dụng cụm từ “nộp đơn đăng ký SHCN” thay cho cụm từ “cấp văn bằng bảo hộ” sẽ là phù hợp xét theo các quan hệ.

Cũng có thể trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật SHTT sửa đổi năm 2022 sẽ có sự điều chỉnh nhất định đối với các nội dung nêu trên./.

 

[1] Thông tư này đã được được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30 tháng 7 năm 2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22 tháng 7 năm 2011, Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20 tháng 02 năm 2013 và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016;
[2] Vụ kiện “MESSI, hình” chống lại “massi, hình”, ngày 11/7/2022, tại https://pham.com.vn/tin-tuc-su-kien/vu-kien-messi-hinh-chong-lai-massi-hinh.html;
[3]  Luật số 07/2022/QH15 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, gọi tắt là Luật SHTT sửa đổi 2022, đã được QH thông qua ngày 16/6/2022. Trước đó Luật SHTT cũng đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào các năm 2009 và 2019. Luật SHTT sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Các bài viết khác