Logo

Sáng chế/Giải pháp hữu ích

19/07/2013

Phạm và Liên danh tự hào vì đã có 30 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ sở hữu công nghiệp liên quan tới sáng chế và giải pháp hữu ích cho các khách hàng Việt Nam và nước ngoài.

Những dịch vụ chính của chúng tôi bao gồm:

  •  Tư vấn khả năng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích;
  •  Tra cứu và cung cấp các thông tin sáng chế/giải pháp hữu ích ở Việt Nam và nước ngoài;
  •   Hoàn thiện hồ sơ xin cấp Bằng, gồm dịch và/hoặc viết bản mô tả sáng chế; tiến hành các thủ tục nộp đơn và theo đuổi đơn;  
  •  Tư vấn về hiệu lực của Bằng độc quyền;
  •  Tư vấn và đại diện cho khách hàng trong việc đăng ký sáng chế ở các nước thành viên của Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT);  
  •  Duy trì hiệu lực Bằng độc quyền.
     Liên hệ:   

     Luật sư Dương Tử Giang
  
  Phòng Sáng chế và Giải pháp hữu ích
     Điện thoại: (024) 38 244 852 - Máy lẻ 111
     Email: hanoi@pham.com.vn

    

 

 

 

 

 

 

Câu hỏi thường gặp

1. Những gì có thể được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích?

Giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm (dụng cụ, máy móc, thiết bị, vật liệu, chất liệu…) hoặc quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý...) đều có thể được bảo hộ là sáng chế/giải pháp hữu ích (GPHI).

2. Những gì không được bảo hộ là sáng chế/GPHI?

 

– Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;

–  Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;

– Cách thức thể hiện thông tin;

– Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;

– Giống thực vật, giống động vật;

– Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

– Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

3. Bằng Độc quyền sáng chế/GPHI là gì?

3.  Bằng Độc quyền sáng chế/GPHI là gì?

Bằng độc quyền sáng chế/GPHI là văn bằng nhà nước cấp cho chủ sở hữu sáng chế/GPHI xác nhận sáng chế/GPHI được bảo hộ và quyền độc quyền sử dụng hoặc định đoạt sáng chế/GPHI trong thời gian hiệu lực của bằng.

4.  Điều kiện để sáng chế/GPHI được bảo hộ

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện: (i) có tính mới, (ii) có trình độ sáng tạo, và (iii) có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền GPHI nếu đáp ứng các điều kiện: (i) có tính mới, (ii) không phải là hiểu biết thông thường, và (iii) có khả năng áp dụng công nghiệp.

Dễ nhận thấy là điều kiện bảo hộ của sáng chế cao hơn so với giải pháp hữu ích. Bởi vậy, nhiều quốc gia gọi GPHI với thuật ngữ sáng chế nhỏ, mẫu hữu ích …

5.  Đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chê/GPHI gồm những gì?

Đơn gồm Tờ khai đăng ký sáng chế/GPHI và Bản mô tả sáng chế (theo mẫu của Cục SHTT). Đây vừa là tài liệu pháp lý vừa là tài liệu kỹ thuật, nội dung gồm tóm tắt, mô tả ngắn gọn về lĩnh vực sử dụng, tình trạng kỹ thuật, bản chất kỹ thuật của sáng chế/GPHI, mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/GPHI, các hình vẽ kèm theo (nếu có), những lợi ích (hiệu quả) mà sáng chế/GPHI có thể mang lại…Về nguyên tắc, sáng chế/GPHI nêu trong đơn phải được mô tả đầy đủ và chi tiết đến mức mà một người có kỹ năng bình thường trong lĩnh vực kỹ thuật đó có thể chế tạo và sử dụng nó. Phần quan trọng nhất của đơn là “Yêu cầu bảo hộ” được tách riêng sau phần mô tả, dùng để xác định phạm vi quyền đối với sáng chế/GPHI.

6. Ngày ưu tiên của đơn là gì và dùng cho mục đích gì?

Ngày ưu tiên là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục SHTT Việt Nam hoặc là ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris trong khoảng thời gian theo quy định.

Ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục SHTT là ngày mà Cục SHTT công nhận người nộp đơn đã đáp ứng được các điều kiện về hình thức của đơn. Nó có thể là ngày nộp đơn đầu tiên trong trường hợp đơn không phải sửa chữa, bổ sung gì, hoặc là ngày sửa chữa bổ sung đơn lần cuối cùng tại Cục SHTT (nếu đơn chưa chính xác phải sửa chữa, bổ sung thêm các giấy tờ, tài liệu,…)

Ngày nộp đơn hợp lệ tại một quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris là ngày nộp đơn trước khi nộp đơn tại Cục SHTT Việt Nam nhưng quá 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế/GPHI.

Ngày ưu tiên là cơ sở quan trọng để xác định tính mới của sáng chế/GPHI và xác định chủ thể nộp đơn sớm nhất.
7.  Đơn được xử lý như thế nào?

Đơn sau khi nộp sẽ được:

– Thẩm định hình thức, trong vòng 1 tháng kể từ ngày hoàn tất toàn bộ các tài liệu yêu cầu. Nếu đáp ứng được tất cả các các yêu cầu về mặt hình thức, quyết định chấp nhận đơn hợp lệ sẽ được gửi đến người nộp đơn và đơn được công bố;

– Thẩm định nội dung: Trong vòng 42 tháng kể từ ngày ưu tiên đối với đơn sáng chế và 36 tháng kể từ ngày ưu tiên đối với đơn GPHI. Để được thẩm định nội dung, người nộp đơn phải nộp yêu cầu thẩm định nội dung tới Cục SHTT. Nếu không, đơn sẽ bị coi như rút. Thời hạn thẩm định nội dung là 12 tháng tính từ ngày nộp yêu cầu thẩm định nội dung hoặc ngày công bố đơn, tùy theo ngày nào muộn hơn.

Nếu đáp ứng được tất cả các yêu cầu về thầm định nội dung, thông báo dự định cấp bằng sẽ được gửi đến người nộp đơn. Người nộp đơn sẽ có 01 tháng để nộp lệ phí đăng bạ và công bố. Văn bằng bảo hộ sẽ được cấp sau khi toàn bộ các lệ phí đã được nộp.

8.  Có quyền khiếu nại về việc xử lý đơn không?

Người nộp đơn và mọi tổ chức/cá nhân có quyền/lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước liên quan hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật SHTT và pháp luật có liên quan.  Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng 90 ngày (với Cục SHTT), kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo của Cục SHTT về việc xử lý đơn.Khiếu nại lần thứ hai, thường với Bộ trưởng Bộ KH-CN, là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ KH-CN thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại toà án.

9. Thời hạn hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế/GPHI

Bằng độc quyền sáng chế có thời hạn hiệu lực 20 năm, Bằng độc quyền GPHI có thời hạn hiệu lực 10 năm, tính từ ngày nộp đơn, và không được gia hạn.

10. Đăng ký sáng chế/GPHI ở nước ngoài

Để bảo hộ sáng chế ở nước ngoài, cần phải nộp đơn đăng ký sáng chế tại quốc gia muốn được bảo hộ. Hoặc nếu quốc gia đó, như Việt Nam, là thành viên của Hiệp ước Hợp tác Sáng chế (PCT), thì có thể nộp một đơn quốc tế theo PCT, trong đó chỉ định (các) quốc gia cần bảo hộ

11. Có thể nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài trước khi nộp ở Việt Nam không?

Không. Vì lý do an ninh quốc gia, sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và sáng chế được tạo ra tại Việt Nam không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ nếu đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ở nước ngoài trái với quy định sau:

(i) Chỉ được nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế ở nước ngoài khi đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và đã kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đó; và

(ii) Không được nộp đơn yêu cầu bảo hộ ở nước ngoài khi sáng chế được xác định là sáng chế mật theo pháp luật về bảo hộ bí mật nhà nước và đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

12. Có nên nộp đơn đăng ký sáng chế/GPHI sớm nhất có thể?

Nên. Cũng như hầu hết các quốc gia trên thé giới, Luật SHTT Việt Nam áp dụng nguyên tắc "nộp đơn đầu tiên". Theo đó, nếu hai nhà sáng chế độc lập tạo ra cùng một sáng chế/GPHI và cả hai đều nộp đơn đăng ký thì Cục SHTT sẽ trao bằng độc quyền sáng chế/GPHI cho người nộp đơn đầu tiên, bất kể ai là người tạo ra sáng chế/GPHI trước.

Đội ngũ luật sư

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn
Giám đốc Công ty
Công ty luật TNHH Phạm và Liên danh
Luật sư Dương Tử Giang
Trưởng phòng
Phòng Sáng chế/Giải pháp hữu ích

Các bài viết khác