Logo

Nhãn hiệu, Tên thương mại & Chỉ dẫn địa lý

08/07/2013

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (Điều 4.16 Luật Sở hữu trí tuệ). Các nhãn hiệu đặc thù bao gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng...


Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơ chủ thể kinh doanh có bạn hàng hoặc có danh tiếng (Điều 4.21 Luật Sở hữu trí tuệ).

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (Điều 4.22 Luật Sở hữu trí tuệ)

Các dịch vụ chính liên quan tới đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý của chúng tôi bao gồm:

1.  Đại diện và tư vấn cho khách hàng về các vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, gồm:

· Đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu;

· Tư vấn liên quan đến việc lựa chọn và sử dụng nhãn hiệu;

· Tra cứu và cung cấp thông tin về việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu;

· Nộp đơn và tiến hành các thủ tục pháp lý đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý;

· Tư vấn và tiến hành các thủ tục pháp lý ghi nhận chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu;

· Tư vấn và tiến hành các thủ tục pháp lý ghi nhận sửa đổi liên quan đến đơn xin đăng ký nhãn hiệu, ví dụ như: tên, địa chỉ của người nộp đơn, danh mục, dịch vụ và mẫu nhãn hiệu;

· Tư vấn và tiến hành các thủ tục pháp lý ghi nhận sửa đổi liên quan đến Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu trên cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu, sáp nhập công ty; ghi nhận đổi tên, địa chỉ của chủ Văn bằng bảo hộ.

2.  Đại diện và tư vấn cho khách hàng liên quan đến duy trì hiệu lực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao gồm:

· Tư vấn và tiến hành các thủ tục pháp lý gia hạn Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

· Tư vấn về việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký.

3.   Tư vấn và đại diện khách hàng đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo Thỏa ước Madrid; đăng ký nhãn hiệu ở các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Cộng đồng Châu Âu và Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Liên hệ:
Luật sư  Phạm Thị Phương
Phòng Nhãn hiệu và Kiểu dáng công nghiệp
Tel: (84-24) 38 244 852/Máy lẻ 339
Email: hanoi@pham.com.vn

 
 

 

 

Câu hỏi thường gặp

NH1. Nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu (NH) là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

NH giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn để mua đúng hàng hóa/dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh mà họ muốn.

NH2. Dấu hiệu nào có thể được bảo hộ là NH?

Một dấu hiệu, để có thể được bảo hộ là NH, cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;

- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.  Hay nói cách khác, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đang được bảo hộ.

NH3. Dấu hiệu nào bị coi là không có khả năng phân biệt?

Về nguyên tắc, dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt là các hình và hình hình học đơn giản, các chữ số, chữ cái, các chữ không có khả năng phát âm như một từ ngữ; chữ nước ngoài thuộc các ngôn ngữ không thông dụng…Tuy nhiên, một số (rất ít) dấu hiệu rơi vào trường hợp nói trên có thể được bảo hộ nếu chúng được biết đến rộng rãi qua quá trình sử dụng (ví dụ, dấu “Swoosh huyền” của hãng Nike…). Các luật sư, chuyên gia về nhãn hiệu có thể giúp làm rõ điều này khi bạn cần.

NH4. Có những loại NH nào được pháp luật bảo hộ?

Ngoài NH thông thường như đề cập ở trên, pháp luật Việt Nam còn bảo hộ các loại NH sau:

Nhãn hiệu tập thể là NH dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu NH đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó;

Nhãn hiệu chứng nhận là NH mà chủ sở hữu NH cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ, ISO 9000 là một nhãn hiệu chứng nhận được công nhận rộng rãi trên thế giới;

Nhãn hiệu liên kết là các NH do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

NH5.  Ai có quyền nộp đơn đăng ký NH?

Tổ chức hoặc cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá hoặc dịch vụ, do mình sản xuất hoặc cung cấp, ví dụ như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty liên doanh, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể…đều có quyền nộp đơn đăng ký NH.

Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp (ví dụ, hợp tác xã, hiệp hội, hoặc một tập hợp từ hai doanh nghiệp trở lên…) có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên thuộc tập thể của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Tổ chức có chức năng kiểm soát chất lượng, đặc tính, xuất xứ hàng hoá với điều kiện tổ chức này không tiến hành sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó (ví dụ, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Trung tâm chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn (QUACERT)…) có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.

NH6. Phạm vi và thời hạn bảo hộ của NH?

Phạm vi bảo hộ của một NH, được ghi trong Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (GCNĐKNH), chỉ giới hạn (i) trong lãnh thổ của quốc gia mà NH đó được bảo hộ (ví dụ, chỉ ở Việt Nam) và (ii) cho các sản phẩm/dịch vụ cụ thể đã đăng ký và được chấp nhận, được phân loại theo Bảng phân loại sản phẩm/dịch vụ Quốc tế Nice, bao gồm 34 Nhóm sản phẩm và 11 Nhóm dịch vụ.

Một NH đăng ký cho nhiều Nhóm hàng hoá/dịch vụ thì lệ phí đăng ký sẽ cao hơn so với đăng ký cho 01 Nhóm.

Một GCNĐKNH được cấp sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp.  Bởi vậy, một NH sẽ tồn tại chừng nào còn nộp đủ lệ phí gia hạn.

NH7. NH có thể sửa đổi sau khi đăng ký không?

NH và danh mục hàng hóa, dịch vụ không thể được sửa đổi sau khi đăng ký, trừ trường hợp sửa đổi để giới hạn [bớt] danh mục hàng hóa,dịch vụ.

NH8. Nếu không sử dụng, NH đã đăng ký có thể bị hủy bỏ không?

GCNĐKNH có thể bị yêu cầu hủy bỏ hiệu lực [bởi một bên thứ ba] nếu chủ GCNĐKNH không sử dụng NH mà không có lí do chính đáng trong 05 năm liên tục trước ngày yêu cầu hủy bỏ hiệu lực được nộp tới Cục SHTT. 

Bởi vậy, NH sau khi đăng ký cần được sử dụng. Việc sử dụng không nhất thiết đòi hỏi phải có sản phẩm/dịch vụ thực sự trên thị trường mà có thể là các hình thức quảng cáo, thư chào hàng, in và phân phát catalog sản phẩm gắn NH…

NH9. Thời gian cần thiết để đăng ký NH thường là bao lâu?

Nếu không gặp trở ngại (ví dụ, bị bên thứ ba phản đối...), GCNĐKNH sẽ được cấp trong khoảng thời gian từ 12 đến 15  tháng kể từ khi nộp đơn, và trải qua các giai đoạn, gồm (i) thẩm định đơn về hình thức xem có đúng các quy định hay không (1 tháng kể từ ngày nộp đơn), (ii) công bố đơn (2 tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ, để công chúng có thể có ý kiến, và (iii)  thẩm định đơn về nội dung và cấp văn bằng (9 tháng, kể từ ngày công bố đơn).

NH10. Có thể ngăn chặn người khác sử dụng một NH tương tự hoặc trùng với NH đã nộp đơn và đang trong giai đoạn thẩm định không?

Không. Ở Việt Nam, quyền đối với nhãn hiệu chỉ phát sinh trên cơ sở GCNĐKNH do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Vì vậy, khi chưa được cấp GCNĐKNH nhãn hiệu, khó có khả năng ngăn chặn người khác sử dụng một nhãn hiệu tương tự hay hoàn toàn giống với nhãn hiệu đang được thẩm định.

NH11. Có thể sửa NH đang trong giai đoạn thẩm định không?

Có. Người nộp đơn có thể sửa đổi NH và/hoặc các sản phẩm/dịch vụ đăng ký trong giai đoạn thẩm định với điều kiện là việc sửa đổi đó không làm thay đổi bản chất của NH so với khi nộp và/hoặc không mở rộng phạm vi bảo hộ của các sản phẩm/dịch vụ xin đăng ký.

NH12. Tại sao nên tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký NH?

Không bắt buộc, nhưng nên tra cứu để biết khả năng NH có thể được chấp nhận bảo hộ hay không.  Một NH bị cho là không có khả năng phân biệt, hoặc trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã đăng ký…có thể là lý do khiến đơn bị từ chối trong quá trình thẩm định.  Nếu điều đó xảy ra (và thường xảy ra khi không tra cứu trước nộp đơn!), không chỉ mất chi phí đăng ký mà còn tốn thời gian vô ích.

Các chuyên gia nhãn hiệu sẽ giúp bạn tra cứu NH với một chi phí hợp lý.

NH13. Có nên nộp đơn đăng ký NH sớm nhất có thể?

Rất nên. Giống như hầu hết các quốc gia khác là thành viên của Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, có nghĩa là trong trường hợp có 2 hay nhiều cá nhân hoặc tổ chức cùng nộp một đơn đăng ký NH cho (các) hàng hoá/dịch vụ giống nhau thì chỉ duy nhất cá nhân/tổ chức nộp đơn đầu tiên mới được xem xét bảo hộ.

NH14. Thế nào là NH nổi tiếng?

NH được coi là nổi tiếng khi đã và đang được sử dụng liên tục cho hàng hóa, dịch vụ có uy tín, được biết đến một cách rộng rãi. Theo Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (mà Việt Nam là một thành viên), NH nổi tiếng được đặc cách bảo hộ mà không cần thủ tục đăng ký xin bảo hộ. Vấn đề là có đủ bằng chứng thực tế và thuyết phục để chứng minh là NH nổi tiếng hay không.
 
Ở Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng sẽ do Cục SHTT xem xét và công công nhận trên cơ sở các chứng cứ pháp lý và thực tế sử dụng của NH đó, dựa trên Điều 75. Tiêu chí  đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Luật SHTT. 

 

Các bài viết khác