Logo

Hoa Kỳ: Thom Browne thắng kiện vụ tranh chấp nhãn hiệu sọc với  Adidas

30/01/2024
Luật sư của Thom Browne : “Adidas không sở hữu các nhãn hiệu sọc”.

1.  Các bên

Nhãn hiệu ba sọc của Adidas có từ năm 1952, khi người sáng lập Công ty là Adi Dassler mua lại nhãn hiệu này từ công ty thể thao Phần Lan Karhu với hai chai rượu whisky. Hiện nay nó là họa tiết được nhãn hiệu sử dụng trên mọi thứ, từ giày thể thao cho đến bộ đồ thể thao. Theo tài liệu của vụ kiện, Adidas đã đạt được hơn 200 thỏa thuận giải quyết tranh chấp và tham gia vào hơn 90 cuộc  tranh chấp tại tòa án liên quan đến nhãn hiệu của mình kể từ năm 2008.


Cuộc chiến giữa Thom Browne và Adidas về thiết kế nhãn hiệu sọc bắt đầu từ năm 2007. Trong hơn 20 năm, Thom Browne đã là một thế lực trong lĩnh vực thời trang xa xỉ, mang đến thẩm mỹ thiết kế độc đáo và khác biệt, kết hợp giữa kiểu may đo cổ điển với trang phục thể thao của Mỹ. Gã khổng lồ về đồ thể thao, Adidas  ban đầu phản đối việc nhà thiết kế Thom Browne sử dụng thiết kế ba vạch trên quần áo của mình vào năm 2007
nên nhà thiết kế đã đổi thành bốn sọc. Browne đã phát triển lớn mạnh hơn kể từ đó, với các cửa hàng tại hơn 300 địa điểm và thậm chí còn bổ sung thêm quần áo thể thao vào các dòng sản phẩm của mình,  điều này càng khiến Adidas khó chịu hơn.Nhãn hiệu bốn sọc của nhà thiết kế Browne được sử dụng xung quanh mép tất hoặc trên tay áo blazer.

Vào năm 2018, khi Thom Browne đăng ký nhãn hiệu Grosgrain Signature – logo sọc đỏ, trắng và xanh – ở châu Âu và mở rộng sang lĩnh vực trang phục thể thao, Adidas đã tiếp cận nhãn  hiệu này để đạt được thỏa thuận.

2.  Vụ kiện

2.1 Nguyên đơn

Sau những nỗ lực giải quyết vấn đề không thành công, năm 2021 Adidas đã khởi kiện Thom Browne lên Tòa án quận phía Nam Manhattan cáo buộc các họa tiết sọc bốn vạch của Thom Browne trên giày và quần áo năng động cao cấp đã vi phạm quyền  nhãn hiệu ba sọc của hãng.

Đặc biệt, Adidas  tuyên bố rằng Thom Browne đang "bán quần áo và giày dép kiểu thể thao có hai, ba hoặc bốn sọc song song theo cách tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu ba sọc của Adidas" và yêu cầu bồi thường thiệt hại 867.225 USD cũng như 7.011.961 USD tiền bồi thường lợi nhuận.Lập luận chính của Adidas là việc Thom Browne sử dụng bốn sọc có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vì nhãn hiệu có vẻ giống với nhãn hiệu của sản phẩm khi hiển thị trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử, kệ cửa hàng, hoặc thậm chí trước công chúng.

Adidas không cáo buộc rằng khách hàng chi 3.000 USD cho chiếc áo len cashmere Thom Browne có sọc ở bên hông nhất thiết phải tin rằng họ đang mua sản phẩm của Adidas. Tuy nhiên, họ lập luận rằng nếu sản phẩm đó không được xác định rõ ràng là Thom Browne trên mạng xã hội hoặc khi được mặc ở nơi công cộng, có nguy cơ gây nhầm lẫn (lu mờ nhãn hiệu/dilution).

Adidas chỉ ra một cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy 26,9% người tham gia tin rằng Adidas là nhà sản xuất một số sản phẩm liên quan đến thể thao của Thom Browne với bốn sọc song song. Adidas lập luận thêm rằng việc Thom Browne gần đây chuyển sang kinh doanh quần áo thể thao, chẳng hạn như hợp tác với các hãng thể thao các đội như câu lạc bộ bóng đá FC Barcelona và vận động viên ngôi sao của câu lạc bộ, Lionel Messi (hình dưới – bên trái), người trước đây từng là đại sứ được Adidas tài trợ trong 15 năm, cũng như Cleveland Cavaliers, đội mà Adidas đã có mối quan hệ lâu dài, là bằng chứng về sự đăng ký nhãn hiệu không trung thực (bad faith) của Thom Browne. Tuy nhiên, những lập luận như vậy tỏ ra không có căn cứ.

2.2   Bị đơn

Thom Browne lập luận rằng các nhãn hiệu của họ có số lượng sọc khác nhau, và người tiêu dùng khó có thể liên  kết  hai nhãn hiệu này với nhau, đồng thời luật sư của nhà thiết kế cho biết sọc là yếu tố thiết kế phổ biến cho quần áo, Adidas không sở hữu các nhãn hiệu sọc.

Thom Browne đã lập luận thành công trước Tòa rằng khó có thể nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu  của các bên vì họ “hoạt động ở các thị trường khác nhau, phục vụ các khách hàng khác nhau, và cung cấp sản phẩm của họ ở những mức giá khác nhau đáng kinh ngạc.”- một chiếc áo đan len Thom Browne có bốn sọc có giá 1.300 bảng trong khi một chiếc áo thể thao của Adidas có ba sọc có giá 36 bảng.

Thom Browne bán các sản phẩm thời trang cao cấp  với các bộ sưu tập trên sàn catwalk và khách hàng nổi tiếng, được bán với giá cao hơn đáng kể so với quần áo thể thao của Adidas - có xu hướng hướng tới tầng lớp người tiêu dùng nói chung bao gồm chủ yếu là những người hâm mộ thể thao.

Thom Browne cũng  lập luận rằng Adidas cố tình giữ im lặng về vấn đề này trong một thập kỷ sau khi Thom Browne thay đổi từ nhãn hiệu  ba sọc sang nhãn hiệu bốn sọc, trong thời gian đó kinh nghiệm của Thom Browne đã có sự phát triển đáng kể.

2.3 Bản án  

Sau chưa đầy ba giờ cân nhắc, bồi thẩm đoàn gồm tám người nhận nhận thấy Thom Browne Inc. không chịu trách nhiệm về những thiệt hại hoặc lợi nhuận thu được từ việc bán các sản phẩm có thiết kế bốn sọc, cũng như họa tiết ruy băng grosgrain màu đỏ-trắng-xanh đặc trưng của nó, Thom Browne không  xâm phạm  nhãn hiệu  ba sọc của Adidas và có thể tiếp tục sử dụng phần hình bốn sọc trong các thiết kế của mình.

3.  Nhận xét

- Kết quả của vụ kiện này có thể mở rộng quyền lực của các công ty nhỏ hơn trong việc thực thi quyền nhãn hiệu; là dấu hiệu cho thấy các nhãn hiệu có thể tồn tại trong cùng một ngành hàng rộng lớn, miễn là chúng ở các phân khúc khác nhau trong ngành hàng đó. Điều này cho thấy sở hữu nhãn hiệu  và sự độc quyền nhãn hiệu luôn có thể bị thách thức. Tuy nhiên tranh chấp có thể vẫn chưa kết thúc vì Adidas vẫn có thể nộp đơn kháng cáo.

- Đối với các trường hợp tranh chấp với nhãn hiệu 3 sọc của ADIDAS, có thể thấy:

+ Phán quyết liên quan đến Thom Browne nêu trên cũng cũng phần nào khẳng định quan điểm mà luật sư của Browne đã nêu trong phiên Tòa rằng Công ty Adidas không sở hữu các nhãn hiệu sọc không chỉ ở Hoa Kỳ, ví dụ:

. Năm 2014 Công ty này đã đăng ký tại châu Âu nhãn hiệu hình với mô tả “nhãn hiệu bao gồm ba sọc song song với chiều rộng khoảng cách giống hệt nhau, được áp dụng trên sản phẩm theo bất kỳ hướng nào” cho các sản phẩm thuộc Nhóm 25

Nhãn hiệu đã được bảo hộ vào tháng 5/2014. Vào tháng 12/2014 Shoe Branding Europe đã nộp đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực và được chấp nhận. Khi xét xử Tòa án chung châu Âu cho rằng :...nhãn hiệu của Adidas rất đơn giản và ngay cả những khác biệt nhỏ về hình thức cũng có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể về đặc điểm của nhãn hiệu…

-Tại Nhật Bản, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã bác bỏ  đơn phản đối nộp ngày 21/12/2018 của Công ty Adidas AG đối với đơn đăng ký nhãn hiệu số 6085087 cho hình ba sọc ngang[1] (Hình bên) cho các sản phẩm/dịch vụ “Quần áo, mũ nón, giày dép” thuộc Nhóm 25; “Quảng cáo và khuyến mại lễ hội âm nhạc, buổi hòa nhạc” thuộc Nhóm 35 và “Sắp xếp và chỉ huy các buổi biểu diễn âm nhạc, lễ hội âm nhạc, buổi hòa nhạc” thuộc Nhóm 41.

JPO cũng nhận xét : Ngay cả khi nhãn hiệu hình ba sọc của Adidas đã đạt được danh tiếng đáng kể, thì do mức độ thấp về tính phân biệt và sự độc đáo, những người tiêu dùng có liên quan khi nhìn thấy nhãn hiệu bị phản đối sẽ không ngần ngại cho rằng nguồn gốc nhãn hiệu bị phản đối không liên quan đến Adidas.

+ Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng các tranh chấp với kết quả bất lợi cho ADIDAS nêu  trên xảy ra khi nhãn hiệu ba sọc được áp dụng cho quần áo, đối với sản phẩm giày thì nhãn hiệu ba sọc của Adiadas có hiệu lực mạnh hơn nhiều, ví dụ: trong vụ việc tranh chấp giữa ADIDAS và Công ty BVBA[2]  vào năm 2016, Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu cuối cùng đã chấp nhận đề nghị của ADIDAS về việc  hủy bỏ nhãn hiệu  của Công ty BVBA được bảo hộ tại châu Âu (H.1)  cho hai sọc song song vì cho rằng giống nhãn  nhãn hiệu của ADIDAS  (H.2,3) đã bảo hộ từ trước (hình dưới)

, https://pham.com.vn/uploaded/2022_08_01%20Adidas.png trong phán quyết của mình Tòa án Công lý đã nêu rõ: “Sự khác biệt giữa hai và ba sọc trên một chiếc giày là không đủ để tác động đến các điểm tương tự từ cấu hình của các dấu hiệu được đề cập và từ vị trí của chúng trên mặt giày để sự khác biệt đó không ảnh hưởng đến diện mạo tổng thế của sản phẩm ”.

Qua phán quyết trên, có thể thấy sức mạnh của nhãn hiệu 3 sọc của Adidas trên sản phẩm giầy còn phụ thuộc vào vị trí mà nhãn hiệu 3 sọc xuất hiện; các nhãn hiệu bị coi là vi phạm cũng được trình bày trên cùng vị trí đó và làm tăng khả năng gây nhầm lẫn , điều này là tiên quyết để dẫn đến việc bảo hộ nhãn hiệu vị trí của Châu Âu vào năm 2018[3] ./.

Nguồn: (i) https://www.linkedin.com/pulse/adidas-loses-4-stripe-trademark-battle-thom-browne-tanishk-biswas
(ii) https://www.ndtv.com/feature/adidas-loses-stripe-trademark-battle-to-luxury-designer-thom-browne-3690735
(iii) https://www.theguardian.com/fashion/2023/jan/13/adidas-loses-four-stripes-court-battle-designer-thom-browne

(+++)

 

Các bài viết khác