Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã bác bỏ đơn phản đối của Công ty Adidas AG đối với đơn đăng ký nhãn hiệu số 6085087 cho hình ba sọc ngang .
1. Nhãn hiệu bị phản đối
Nhãn hiệu theo đơn số 6085087- (“Nhãn hiệu bị phản đối”), Hình 1, đã được Ultra Enterprises Inc., nộp tại JPO vào ngày 10/10/2017, công bố ngày 23/10/2018 cho các sản phẩm/dịch vụ “Quần áo, mũ nón, giày dép” thuộc Nhóm 25; “Quảng cáo và khuyến mại lễ hội âm nhạc, buổi hòa nhạc” thuộc Nhóm 35 và “Sắp xếp và chỉ huy các buổi biểu diễn âm nhạc, lễ hội âm nhạc, buổi hòa nhạc” thuộc Nhóm 41.
Công ty này cũng đã tổ chức sự kiện âm nhạc điện tử ngoài trời “ULTRA MUSIC FESTIVAL (UML)”có sử dụng nhãn hiệu bị phản đối làm biểu tượng cho bộ RESISTANCE của Ultra Music Festival (Hình 2).
2. Đơn phản đối
Ngày 21/12/2018, Công ty Adidas AG (“Adidas”) nộp đơn phản đối lên JPO cho rằng nhãn hiệu bị phản đối phải bị từ chối theo Điều 4 (1) (vii) và 4 (1) (xv) của Luật Nhãn hiệu Nhật Bản do liên quan đến nhãn hiệu hình ba sọc nổi tiếng của Adidas (Hình 3).
Cụ thể, Adidas lập luận như sau:
Về Điều 4 (1) (vii): Nghiêm cấm đăng ký bất kỳ nhãn hiệu nào có khả năng xâm phạm đến trật tự công cộng và đạo đức.
Bên phản đối khẳng định người nộp đơn đã biết đến mức độ nổi tiếng và sử dụng rộng rãi đáng kể của nhãn hiệu hình ba sọc của Adidas và đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu bị phản đối với mục đích thu lợi từ danh tiếng và tín nhiệm của nhãn hiệu đã nổi tiếng của bên phản đối và làm thiệt hại đến nhãn hiệu đó.
Về Điều 4 (1) (xv): Nghiêm cấm đăng ký nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp khác.
Adidas lập luận rằng, từ hình thức và ý tưởng, nhãn hiệu bị phản đối rõ ràng tạo ra ấn tượng tương tự với Adidas ba sọc vì mỗi sọc của nhãn hiệu được mô tả theo cùng một hướng, chiều rộng và hình dạng, bên cạnh đó một khoảng trống giữa các sọc cũng có cùng chiều rộng với sọc.
Người tiêu dùng bình thường có quan tâm hàng hóa/dịch vụ , những người đã khá quen thuộc với Adidas có khả năng liên tưởng nhãn hiệu bị phản đối với nhãn hiệu hình ba sọc của Adidas.
Đương nhiên khi nhãn hiệu bị phản đối được sử dụng trên hàng may mặc có thiết kế nhỏ hơn và được in ở một điểm - được gọi là “dấu hiệu một điểm” (“one-point mark”), người tiêu dùng có liên quan càng khó phân biệt nhãn hiệu bị phản đối với nhãn hiệu ba sọc của Adidas vì sự giống nhau của nó.
Đồng thời, hàng hóa/dịch vụ được mà nhãn hiệu bị phản đối áp dụng (Quần áo, mũ nón, giày dép...thuộc Nhóm 25…) có liên quan mật thiết đến hoạt động kinh doanh của Adidas, cụ thể là quần áo thể thao, giày thể thao, sự kiện thể thao. Nếu vậy, rất có thể người tiêu dùng có liên quan sẽ nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm do các nhãn hiệu nêu trên áp dụng.
3. Quyết định của JPO
(i) Về sự nổi tiếng
Hội đồng giải quyết phản đối của JPO (Hội đồng) đã thừa nhận mức độ nổi tiếng và mức độ phổ biến đối với nhãn hiệu ba sọc của Adidas liên quan đến giày thể thao, quần áo thể thao, dụng cụ thể thao… tại thời điểm nộp đơn và đăng ký nhãn hiệu bị phản đối.
(ii) Về tính tương tự
Hội đồng, trong khi đó, lại nhận thấy có mức độ thấp về sự độc đáo và tính tương tự của các nhãn hiệu hình ba sọc nếu xét từ góc độ hình ảnh, ngữ âm và khái niệm. Theo đó :
- Nhãn hiệu bị phản đối có thể được coi là hình “ba sọc” [được] bố trí trong một hình chữ nhật dài theo chiều dọc.
- Dấu hiệu của của Adidas bao gồm hình 'ba sọc' [được] bố trí trong các hình khác nhau, như hình tam giác hoặc hình bình hành...
Ngay cả khi nhãn hiệu hình ba sọc của Adidas đã đạt được danh tiếng đáng kể, thì do mức độ thấp về tính tương tự và sự độc đáo, những người tiêu dùng có liên quan khi nhìn thấy nhãn hiệu bị phản đối sẽ không ngần ngại cho rằng nguồn gốc nhãn hiệu bị phản đối không liên quan đến Adidas.
Do đó, Hội đồng cho rằng không có khả năng người tiêu dùng có liên quan nhầm lẫn hoặc liên tưởng nhãn hiệu bị phản đối với Adidas.
Hội đồng cũng phủ nhận lập luận của Adiadas về “dấu hiệu một điểm” bằng cách tuyên bố rằng ngay cả khi người tiêu dùng bình thường có xu hướng ít chú ý hơn đến các chi tiết của dấu hiệu khi được sử dụng trên hàng may mặc có thiết kế nhỏ hơn, do ấn tượng không giống nhau bởi đường viền khác nhau: hình chữ nhật dài theo chiều dọc đối với nhãn hiệu bị phản đối; hình tam giác và hình bình hành đối với nhãn hiệu hình ba sọc của Adidas, nhãn hiệu bị phản đối chắc chắn sẽ được người tiêu dùng có liên quan coi là hình ba sọc đặc biệt không liên quan đến Adidas.
iii. Về trật tự công cộng
Bên cạnh đó, từ những bằng chứng được đưa ra, Hội đồng không nhận thấy việc đăng ký nhãn hiệu bị phản đối gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng và đạo đức.
Dựa trên những điều đã nói ở trên, Hội đồng kết luận nhãn hiệu bị phản đối sẽ không thể bị hủy bỏ theo Điều 4 (1) (vii) cũng như (xv) của Luật Nhãn hiệu .
Nguồn: https://blog.marks-iplaw.jp/2020/03/21/three-stripes/