Logo

Vận dụng luật cạnh tranh để xử lý hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thuốc gốc

11/12/2018
...mục tiêu cơ bản của luật cạnh tranh là nhằm để bảo vệ tính minh bạch của thị trường cạnh tranh chống lại các hành vi lạm dụng và cuối cùng là nhằm để bảo vệ người tiêu dùng

 
Tại cuộc họp Ủy ban TRIPS (WTO) diễn ra gần đây ở Geneva, Thụy Sĩ, một số quốc gia trong đó có Ấn Độ, Nam Phi, Bra-xin và Trung Quốc kêu gọi các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng luật và chính sách cạnh tranh để xử lý hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thuốc.

Các quốc gia này cho rằng có thể xem xét xử lý hành vi lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ thông qua pháp luật cạnh tranh và rằng các thành viên cần phải thảo luận, chia sẻ với nhau kinh nghiệm áp dụng. Cụ thể, các thành viên của WTO thảo luận tìm hiểu cách thức tiếp cận, áp dụng luật và chính sách cạnh tranh quốc gia để ngăn cản các hành vi thỏa thuận giá hoặc áp dụng điều khoản về lạm dụng đối với các thỏa thuận bằng sáng chế gây tác động hạn chế một cách bất hợp lý việc tiếp cận công nghệ mới, ngăn cản việc gia nhập thị trường của thuốc gốc và do đó có thể dẫn tới việc làm tăng giá thuốc.

Thêm nữa, đại diện Nam Phi chỉ ra rằng mục tiêu cơ bản của luật cạnh tranh là nhằm để bảo vệ tính minh bạch của thị trường cạnh tranh chống lại các hành vi lạm dụng và cuối cùng là nhằm để bảo vệ người tiêu dùng.

 
Tuy nhiên, một số quốc gia như Hoa Kỳ, EU và Thụy Sỹ lại bày tỏ quan ngại đối với vấn đề này. Đại diện EU cho rằng các thành viên cần thận trọng xem xét việc sử dụng luật và chính sách cạnh tranh như là một công cụ đối với các thỏa thuận về TRIPS. Muốn áp dụng được thì biện pháp sử dụng trong chính sách cạnh tranh cần phải thống nhất với điều khoản của thỏa thuận TRIPS và không được sử dụng những biện pháp này như là công cụ để trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ của thỏa thuận.

Cùng chung quan điểm đó, đại diện Hoa Kỳ nhấn mạnh một trong những tác động tiêu cực tiềm ẩn trong vấn đề này có thể dẫn tới việc ngăn cản các thành viên triển khai và duy trì các chính sách/chế độ về sở hữu trí tuệ cứng rắn của mình, kết quả là trong dài hạn có thể làm giảm động lực nghiên cứu tạo ra sáng chế quan trọng hữu ích cho cộng đồng.

Ngoài ra, đại diện của Thụy Sỹ đưa ra ý tưởng về việc tìm cách ngăn chặn hành vi tăng giá trên cơ sở tự nguyện (chẳng hạn thông qua hoạt động của tổ chức Medicines Patent Pool) thay vì phải tìm cách dỡ bỏ hệ thống quy định sẵn có về sở hữu trí tuệ.

*
MPP là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng do Liên hợp quốc hỗ trợ. MPP đàm phán/thương lượng với những người có bằng sáng chế thuốc (chữa bệnh HIV, viêm gan siêu vi C và lao phổi) để họ cho phép các nhà sản xuất khác nhau sản xuất và phân phối các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế liên quan tới ba loại bệnh trên tại các nước đang phát triển. Điều này góp phần tăng cường cạnh tranh trên thị trường và giúp cho người tiêu dùng ở các nước đang phát triển được hưởng giá tốt và có thêm cơ hội tiếp cận với những loại thuốc mới có chất lượng.
 
(Nguồn: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng- Bộ Công Thương)

Các bài viết khác