Logo

Từ hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ Mỹ - Việt: Quá ít vụ vi phạm được xử tại tòa

18/07/2013
"Tại sao ở VN rất ít vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được mang ra xử tại tòa?" - câu hỏi mà một thẩm phán dày dạn kinh nghiệm ở Mỹ đặt ra cho cử tọa tại hội thảo về "Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp thực thi tại biên giới" ngày 20.10, tại TPHCM khiến không ít người giật mình.

Một thẩm phán ở Bình Dương trả lời rằng, khác với luật SHTT ở Mỹ, luật ở VN quy định việc điều tra phải được tiến hành sau khi đã báo trước cho chủ vi phạm và thường thì họ có thời gian để xóa chứng cứ hoặc tìm cách đối phó, "chạy cửa". Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản hơn cả là các cơ quan tố tụng có quá nhiều việc để làm, quá thiếu thẩm phán, nên ngại xử các vụ vi phạm SHTT vốn mất nhiều thời gian, công tác giám định vi phạm lại rất đình trệ.

Nhiều người lo ngại, nếu có quan tâm thì cũng rất ít thẩm phán chuyên sâu về vấn đề SHTT. Chừng nào toà án chưa đủ mạnh thì sẽ còn là một khó khăn lớn cho việc thực thi quyền SHTT. Từ trước tới nay, vi phạm SHTT ở VN chủ yếu được xử lý hành chính nhưng mỗi năm cũng chỉ có không quá 10 trường hợp được xử tại toà dân sự. Do đó, tính răn đe kém và khả năng bồi hoàn thiệt hại là rất thấp, do vậy tình trạng vi phạm quyền SHTT ở VN ngày một tăng cao.

Ông Ronald Lew - thẩm phán cao cấp Toà án liên bang, Trung tâm California - nhấn mạnh: "Ngày nay, các vụ việc xâm phạm luật SHTT càng đa dạng, có những thách thức lớn hơn. Chính vì thế, đôi khi người thẩm phán buộc phải sử dụng trí tuệ thông thường để không quá nệ vào câu chữ trong luật, tìm ra cách xử lý công bằng nhất. Chỉ có biện pháp chế tài mạnh mẽ thì mới ngăn chặn những vụ xâm phạm SHTT".
 
Ông đưa ra ví dụ chia sẻ với cử tọa: Bộ phim về Elvis Presley chưa phát hành, nhưng trên thị trường đã xuất hiện 10 CD tuyển tập của ông vua nhạc rock này. Khi ra tòa, ông Lew xác định mức bồi thường thiệt hại là 30.000-50.000USD (nếu vi phạm có chủ đích, cố ý thì mức phạt là 150.000USD/lần vi phạm). Căn cứ vào số lượng vi phạm, ông buộc chủ vi phạm phải bồi thường 2,5 triệu USD và như thế, họ gần như phá sản.

Ngoài việc bồi thường, với chi phí đóng phạt cao, bên bị đơn còn phải trả tiền phí luật sư và chuyên gia cao ngất ngưởng. Quan trọng là ngăn được bên bị đơn không còn in đĩa lậu nữa. Cũng có không ít trường hợp khó phát hiện ra hai bài nhạc giống nhau cỡ nào, hay kịch bản phim giống nhau bao nhiêu phần trăm...

"Luật SHTT VN khá tốt, nhưng thường thì phải chờ các văn bản dưới luật để cụ thể hóa điều luật. Tôi học thêm một điều ở VN là các bạn ngồi chờ sửa luật, nếu luật không phù hợp thực tế. Còn ở Mỹ, khi phát hiện ra một điều luật vi hiến, thì chữ ký của một thẩm phán như tôi có thể làm điều luật đó biến mất. Tôi làm điều này không sợ bị mất chức, mà là phục vụ luật pháp một cách tự nguyện" - ông Lew nói.

(Lao Động số 239 Ngày 22/10/2009)

Các bài viết khác