Logo

Tìm hiểu về quy định chống làm loãng nhãn hiệu

21/03/2016

Sự làm loãng nhãn hiệu (Trademark dilution) là một quan điểm luật được các nước phát triển và một số nước khác áp dụng, cho phép chủ nhãn hiệu nổi tiếng hay có uy tín dựa vào đó có thể thực hiện việc ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu theo cách có thể làm giảm tính duy nhất của nhãn hiệu đó.

Sự làm loãng nhãn hiệu (Trademark dilution) là một quan điểm luật được các nước phát triển và một số nước khác áp dụng, cho phép chủ nhãn hiệu nổi tiếng hay có uy tín dựa vào đó có thể thực hiện việc ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu theo cách có thể làm giảm tính duy nhất của nhãn hiệu đó.

 

Trong đa số trường hợp, hành vi làm loãng nhãn hiệu bao gồm việc tự ý sử dụng một nhãn hiệu của người khác cho các sản phẩm không trực tiếp cạnh tranh hoặc ít có liên quan đến các sản phẩm của chủ nhãn hiệu. Ví dụ, một nhãn hiệu nổi tiếng của một công ty thời trang có thể bị làm loãng nếu một công ty khác sử dụng một nhãn hiệu tương tự cho các sản phẩm bánh kẹo hoặc dụng cụ gia đình.

 

Sự làm loãng được áp dụng làm cơ sở cho việc xác định xâm phạm quyền chỉ trong trường hợp liên quan đến các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc có tính phân biệt mạnh. Đối với các nhãn hiệu không nổi tiếng, hành vi xâm phạm quyền chỉ được khẳng định khi một một người khác sử dụng một nhãn hiệu tương tự cho sản phẩm trùng hay tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ. Trong thực tế, đối với các nhãn hiệu không nổi tiếng rất khó có sự nhầm lẫn giữa các hàng hóa/dịch vụ không có mối liên quan đến nhau. Còn đối với nhãn hiệu nổi tiếng, bất kỳ việc sử dụng nhãn hiệu đó do người khác thực hiện sẽ có nhiều khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hay dịch vụ. Trong trường hợp đó cộng đồng người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng hàng hóa/dịch vụ là cùng chủ mặc dù chúng có bản chất khác nhau hoặc không liên quan đến nhau.

 

Cơ sở pháp lý :

Luật nhãn hiệu theo truyền thống chỉ quan tâm giải quyết các tình huống khi một bên không phải là chủ nhãn hiệu lại bán các sản phẩm cùng loại cạnh tranh trực tiếp hoặc ít nhất là có liên quan đến hàng hóa của chủ nhãn hiệu, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Còn một nhãn hiệu được coi là bị làm loãng khi việc người khác sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự cho các mặt hàng không cạnh tranh khác sẽ làm cho nó mất khả năng chỉ ra một nguồn gốc duy nhất. Nói một cách khác, khác với luật nhãn hiệu thông thường, việc chống làm loãng nhãn hiệu mở rộng đến các trường hợp sử dụng nhãn hiệu không làm nhầm lẫn người tiêu dùng về người sản xuất ra sản phẩm. Thay vào đó, quy định chống làm loãng nhãn hiệu nhằm bảo hộ một cách đầy đủ các nhãn hiệu mạnh để chúng không bị mất sự ảnh hưởng duy nhất trong tiềm thức của công chúng đối với một sản phẩm cụ thể khi nhãn hiệu có thể được sử dụng trên bất kỳ một loại sản phẩm nào khác.

 

Điều kiện nhãn hiệu được bảo hộ chống làm loãng

Các điều kiện để có thể đạt được sự bảo hộ chống làm loãng nhãn hiệu phụ thuộc vào từng thể chế luật pháp, tuy nhiên những quy định chung bao gồm các yêu cầu chứng minh về sự nổi tiếng hoặc tính duy nhất của nhãn hiệu. Những nhãn hiệu như vậy có thể kể ra như:  COCA - COLA, HONDA hay MERCEDES… hoặc là các từ có tính duy nhất do tự tạo ví dụ: EXXON, KODAK, XEROX… hay nhãn hiệu là tên họ người như FORD, PIERE CARDIN ... Luật một số nước còn quy định chủ nhãn hiệu có thể đăng ký bổ sung nhãn hiệu của mình cho các nhóm hàng hóa/dịch vụ khác như các nhãn hiệu bảo vệ  (Defensive mark) nhằm mục đích bảo hộ chống bị làm loãng.

 

Một ví dụ cụ thể: Một doanh nghiệp tại Hoa Kỳ đã sử dụng nhãn hiệu MICROSOFT cho sản phẩm “chăn đệm”, tuy không kinh doanh mặt hàng này song  Công ty Microsoft đã kiện lên Tòa sơ thẩm. Trả lời trước Tòa bên bị đã lập luận việc họ dùng nhãn hiệu đó không phải muốn dựa dẫm uy tín của nhãn hiệu MICROSOFT nổi tiếng mà muốn thể hiện rằng chăn, đệm của họ là dạng siêu mềm. Tuy nhiên Tòa cho rằng tuy công ty Microsoft chỉ tập trung kinh doanh các sản phẩm công nghệ thông tin, nhưng nhãn hiệu này đã được biết đến rộng rãi và nổi tiếng trong công chúng không chỉ ở Hoa Kỳ mà toàn thế giới, vì vậy nhãn hiệu đáp ứng tiêu chí để áp dụng quy định về bảo hộ chống làm loãng nhãn hiệu. Hành vi của bên bị sử dụng nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu nổi tiếng tuy cho sản phẩm không cạnh tranh và không liên quan đến sản phẩm của Microsoft, nhưng đã tác động đến tính phân biệt của nhãn hiệu đối với người tiêu dùng và do đó làm loãng sức mạnh của nhãn hiệu này.

 

Hành vi làm loãng nhãn hiệu có thể bao gồm 2 loại:

i) Làm mờ (blurring): hoặc làm loãng về bản chất đó là làm mờ một nhãn hiệu khi dùng sự liên tưởng đối với chỉ một sản phẩm để chỉ các sản phẩm khác trong một thị trường khác (ví dụ: giày KODAK, kẹo HONDA …) đây là dạng chính của hành vi làm loãng nhãn hiệu.

ii) Làm xỉn (tanishment): là làm yếu một nhãn hiệu thông qua việc làm liên tưởng với dụng ý không ngay tình ví dụ một hãng đối thủ sử dụng nhãn hiệu “Coke” của Coca-Cola để quảng cáo trên thị trường kẹo là “Coke dùng là thành nghiện ngay” để làm xấu uy tín sản phẩm của đối thủ. Tuy nhiên không phải tất cả các nước có quy định về chống làm loãng nhãn hiệu công nhận hành vi này là một hình thức làm loãng nhãn hiệu.

Tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định trực tiếp việc bảo hộ chống lại hành vi làm loãng nhãn hiệu, nhưng với việc áp dụng các quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng phù hợp với Khuyến cáo của WIPO về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cho thấy luật pháp Việt Nam cũng áp dụng các nguyên tắc tương tự các quy định về chống hành vi làm loãng nhãn hiệu. Các nguyên tắc chính đó là: chấp nhận bảo hộ các nhãn hiệu nổi tiếng kể cả khi chúng chưa được đăng ký; có thể từ chối đăng ký hoặc hủy bỏ hiệu lực của một nhãn hiệu đã đăng ký nếu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng; nhãn hiệu nổi tiếng có thể được bảo hộ vượt nhóm sản phẩm/dịch vụ, nghĩa là đối với các sản phẩm/dịch vụ không trùng hay tương tự, miễn là có nguy cơ gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của sản phẩm/dịch vụ.

 

TVH (tổng hợp)

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các bài viết khác