Logo

Số liệu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam trong những năm gần đây

16/08/2013
Mặc dù đã có đủ các quy định, biện pháp chế tài, thủ tục xử lý (hành chính, dân sự, hình sự, kiểm soát biên giới) đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng cho đến nay tình hình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp.

Mặc dù đã có đủ các quy định, biện pháp chế tài, thủ tục xử lý (hành chính, dân sự, hình sự, kiểm soát biên giới) đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng cho đến nay tình hình xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Dưới đây là các số liệu thống kê (chưa đầy đủ) về kết quả xử lý vi phạm quyền sở hữu của các cơ quan có thẩm quyền trong những năm gần đây:

1. Cơ quan Thanh tra chuyên ngành khoa học và công nghệ

 

Năm 2006-2008, Cơ quan thanh tra khoa học và công nghệ đã tiến hành thanh tra 3.574 cơ sở, phát hiện và xử lý 459 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã xử phạt cảnh cáo 152 cơ sở, phạt tiền 307 cơ sở với số tiền 1.847.988.200 đồng, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm ra khỏi nhiều loại sản phẩm, hàng hóa.

 

Năm 2009,  Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 61 vụ, xử lý 38 vụ xâm phạm về nhãn hiệu, 02  vụ xâm phạm về kiểu dáng và 05 vụ xâm phạm giải pháp hữu ích, đã xử phạt cảnh cáo 01 vụ, phạt tiền 45 vụ với tổng số tiền phạt 697.356.000 đồng và xử lý 156.426 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

 

Theo số liệu tổng hợp được từ 55 báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/thành phố năm 2009, các Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 7453 cơ sở, đã xử lý 1.012 cơ sở vi phạm hành chính bằng các hình thức: cảnh cáo 146 cơ sở, phạt tiền 866 cơ sở với số tiền 3.175.469.500 đồng, tịch thu, xử lý và tiêu hủy nhiều tang vật vi phạm hành chính.

 

Năm 2012, Thanh tra Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thanh tra 69 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt 36 trường hợp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với số tiền 859 triệu đồng. Thanh tra Khoa học và Công nghệ đã buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên 25.703 sản phẩm, buộc tiêu hủy và tịch thu tiêu hủy 7.462 sản phẩm chứa đựng các dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Riêng Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành 38 cuộc thanh tra trong lĩnh vực này, đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt lên tới 831 triệu đồng và đã thực thu cho ngân sách. Thanh tra Bộ đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường xử lý 01 trường hợp và với lực lượng cảnh sát điều tra xử lý 36 trường hợp.

 

2. Cơ quan Quản lý thị trường

 

Năm 2008, Cơ quan Quản lý thị trường đã thụ lý 2.697 vụ (415 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 7 vụ xâm phạm chỉ dẫn địa lý, 3 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh), trong đó xử lý 2.506 vụ (389 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, 2.105 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 6 vụ xâm phạm chỉ dẫn địa lý, 2 vụ xâm phạm tên thương mại, 4 vụ cạnh tranh không lành mạnh) với tổng số tiền phạt lên tới hơn 7.000.000.000  đồng (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ năm 2008 của Cục Sở hữu Trí tuệ).

 

Năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế… đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn, nhiều vụ bị phát hiện tại Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng…) (Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ năm 2009 của Cục Sở hữu Trí tuệ).

 

Năm 2012, Cơ quan quản lý thị trường các địa phương và trung ương đã tiến hành xử lý 9556 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có 61 vụ xâm phạm quyền tác giả/quyền liên quan, 8999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, 422 vụ sử dụng tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả mạo và 07 vụ vi phạm giống cây trồng. Tổng số tiền xử phạt 5,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm bị phát hiện và xử lý là 3,8 tỷ đồng.  

 

3. Cơ quan Hải quan

 

Năm 2006-2008, Cơ quan Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 53 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cơ quan Hải quan đã ra thông báo tạm thời dừng làm thủ tục hải quan và xử lý 31 trường hợp, trong đó hầu hết là các trường hợp được xác định là có giả mạo về sở hữu trí tuệ (điện thoại và linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi xách…). Cơ quan Hải quan đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng 1,3 tỷ đồng (Theo báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

 

Năm 2009, Cơ quan Hải quan tập trung nhiều vào công tác chống hàng giả, đã xử lý nhiều vụ xâm phạm nhãn hiệu, tịch thu và tiêu hủy số lượng lớn hàng giả, số tiền phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Tổng Cục Hải quan đã tham gia với hải quan các nước trong khu vực (Thái Lan, Cambodia, Lào, Myanmar, Indonesia, Trung Quốc)  triển khai chuyên án Storm (2009-2011) do Tổ chức Y tế Thế giới kết hợp với Interpol chủ trì với mục đích là đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán và vận chuyển các loại thuốc giả trong khu vực. Lực lượng hải quan đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với đại diện một số doanh nghiệp (Puma, Tyco…) để thảo luận xây dựng những biện pháp phối hợp đấu tranh chống hàng giả.

 

Năm 2012, Cơ quan Hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý gần 100 yêu cầu của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đề nghị kiểm tra, giám sát tại biên giới. Tính đến thời điểm năm 2012 ngành hải quan có tất cả 106 đơn yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới với khoảng gần 300 nhãn hiệu hàng hóa các loại. Cơ quan Hải quan đã xử lý 101 vụ, xử phạt với số tiền khoảng 300 triệu đồng, đồng thời đã tịch thu xử lý hàng chục ngàn sản phẩm vi phạm các loại (như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, quần áo, điện thoại di động… xâm phạm các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam).

 

4. Cơ quan Công an

 

Năm 2006-2009, Cơ quan cảnh sát điều tra về trật tự và quản lý kinh tế chức vụ thuộc Bộ Công an đã phát hiện và bắt giữ 76 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với mặt hàng thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tân dược, và chỉ đạo Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế địa phương tập trung đấu tranh các đối tượng chuyên sản xuất hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát còn phối hợp với các cơ quan thực thi kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bản quyền phần mềm, tiêu hủy hàng hóa xâm phạm (Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động 168).

 

Lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã điều tra phát hiện và bắt giữ 156 vụ và khởi tố nhiều đối tượng có các hành vi sản xuất buôn bán các hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ như: thực phẩm, quần áo, mỹ phẩm, tân dược, rượu, linh kiện.  Điển hình là vụ triệt phá đường dây buôn bán thuốc giả Viagra và Cialis từ Trung Quốc vào Việt Nam, với tang vật thu giữ là 13.600 viên thuốc giả, đã khởi tố 02 đối tượng; vụ thu giữ 85 tấn phân NPK giả do Công ty Tân Trường Sinh (Hoài Đức, Hà Nội) sản xuất, vụ việc đã được khởi tố và tiếp tục điều tra các đối tượng liên quan.

 

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), riêng năm 2012, lực lượng cảnh sát kinh tế của 44 tỉnh/thành phố đã phát hiện 276 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất buôn bán hàng giả, trong đó đã khởi tố 66 vụ, 74 bị can (có 26 vụ xâm phạm nhãn hiệu), phạt tiền hơn 2,4 tỷ đồng. So với năm 2011, số vụ phát hiện đã tăng 107 vụ, số vụ khởi tố tăng 48 vụ (năm 2011, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện 169 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả, 214 đối tượng, trong đó đã khởi tố 18 vụ, 30 bị can).

 

Qua các số liệu nêu trên, có thể thấy rằng trong số bốn biện pháp đảm bảo thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự và biện pháp kiểm soát tại biên giới) thì biện pháp hành chính được sử dụng phổ biến hơn cả. Điều này được lý giải bởi biện pháp này có ưu thế là thủ tục đơn giản, xử lý nhanh chóng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, đảm bảo không chỉ có tác dụng ngăn chặn mà còn có tác dụng phòng ngừa, răn đe thông qua việc trừng phạt đối với hành vi xâm phạm quyền. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu công nghiệp bằng biện pháp hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm góp phần tăng cường hiệu lực của hệ thống thực thi quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

(Nguồn: Báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tại “Hội thảo sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia” diễn ra ngày 4-5/6/2013 tại Hà Nội)

Các bài viết khác