Logo

Sáng chế: Yêu cầu bảo hộ dạng “sử dụng” theo Hiệp ước TPP

11/01/2016
Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006.

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006. Tại Điều 4.12 Luật SHTT quy định: “sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Trong quá trình thực hiện Điều 4.12, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP) đã cho rằng các sáng chế liên quan tới việc sử dụng chất hoặc quy trình đã biết để thực hiện chức năng mới sẽ không được coi là đối tượng được bảo hộ theo Luật SHTT, với lập luận rằng “sử dụng” (use) không phải là “sản phẩm” (product) và cũng không phải là “quy trình” (process)”. Với cách diễn giải như vậy, NOIP đã từ chối, hoặc trì hoãn việc cấp bằng sáng chế, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm cho các đơn xin đăng ký sáng chế có yêu cầu bảo hộ (claims) dưới dạng sử dụng chất hoặc quy trình đã biết để thực hiện chức năng mới. Quan điểm nói trên của NOIP đã gây ra một cuộc tranh luận lớn giữa các chuyên gia, đến nay vẫn chưa kết thúc.

 

Khi trao đổi ý kiến với các thẩm định viên sáng chế của NOIP, các luật sư của Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng khi định nghĩa sáng chế là “sản phẩm” hoặc “quy trình”, các nhà làm luật không có ý định không bảo hộ đối tượng sáng chế “sử dụng [chất hoặc quy trình đã biết để thực hiện chức năng mới]”. Mà trái lại, “sử dụng”, tùy trường hợp, phải được coi là bao hàm hoặc sản phẩm hoặc quy trình. Trong thực tế không có chỗ nào, trong các văn bản luật hoặc dưới luật, quy định một cách rõ ràng rằng không bảo hộ đối tượng sáng chế dạng “sử dụng”. Hơn thế nữa, Điều 25.5.d.(i) Thông tư 01/2007/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, đã chỉ rõ “…chức năng, công dụng, cấu tạo, liên kết, thành phần... cùng với các dấu hiệu cơ bản khác” phải được coi là các yếu tố kỹ thuật cơ bản của một sáng chế. Vì vậy, những lý do phản đối nói trên của NOIP đối với sáng chế “sử dụng” bắt nguồn từ sự giải thích không đúng luật SHTT.

 

Việt Nam đã hoàn tất đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, với 13 nước ký kết, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Điều 18.37 TPP yêu cầu từng quốc gia thành viên “khẳng định rằng bằng độc quyền sáng chế được cấp cho các sáng chế được xác định bởi yêu cầu bảo hộ thuộc ít nhất một trong các dạng sau: các ứng dụng/sử dụng mới cho một chất đã biết, các phương pháp mới để sử dụng một sản phẩm đã biết, hoặc các quy trình mới để sử dụng một chất đã biết” (…each Party “confirm[s] that patents are available for inventions claimed as at least one of the following: new uses of a known product, new methods of using a known product, or new processes of using a known product.”). Hay nói cách khác, với Điều 18.37 Việt Nam có nghĩa vụ chấp nhận bảo hộ các sáng chế “sử dụng” được trình bày hoặc ở dạng yêu cầu bảo hộ “sản phẩm”  hoặc ở dạng  yêu cầu bảo hộ “quy trình”; điều này bác bỏ lập luận không đúng của NOIP cho rằng “sử dụng” không thể là đối tượng được bảo hộ theo luật SHTT vì không là “sản phẩm” hay “quy trình”.

 

Chúng tôi hy vọng rằng sau khi ký TPP, có thể là trong tháng tới đây, NOIP sẽ ban hành một hướng dẫn mới về thẩm định sáng chế phù hợp với những cam kết của Chính phủ Việt Nam khi gia nhập TPP, chấp nhận ít nhất một trong các loại yêu cầu bảo hộ cho các sáng chế “sử dụng”. Chúng tôi sẽ thông báo kịp thời khi có những thay đổi nói trên về bảo hộ sáng chế ở Việt Nam.

 

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Các bài viết khác