Logo

Nhiều bất cập trong quản lý vốn Doanh nghiệp nhà nước

19/08/2013

(CATP) Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), sau khi điều chỉnh kết quả kiểm toán, báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã phản ánh trung thực tình hình tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và nigh vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN). Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những bất cập trong thực trạng tài chính và công tác quản lý vốn, tài sản của các DNNN.

(CATP) Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), sau khi điều chỉnh kết quả kiểm toán, báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đã phản ánh trung thực tình hình tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kết quả kinh doanh và nigh vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN). Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra những bất cập trong thực trạng tài chính và công tác quản lý vốn, tài sản của các DNNN.

 

Kết quả kiểm toán tại 27 TĐ, TCT đã điều chỉnh giảm tổng tài sản - nguồn vốn 1.477 tỷ đồng, tổng doanh thu - thu nhập thuần 1.015 tỷ đồng, tổng chi phí 2.347 tỷ đồng và tăng lợi nhuận trước thuế 1.305 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, tổng nợ phải thu của 27 TĐ, TCT là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%. KTNN đánh giá, cơ bản các doanh nghiệp đã quản lý các khoản nợ phải thu theo quy định. Tuy nhiên, một số đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ để khách hàng chiếm dụng vốn lớn. Bằng chứng là tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản của Công ty CP Xây lắp và Sản xuất công nghiệp là 40%, Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 thuộc TCT CP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) 59,8%, Công ty CP Xây lắp Công trình Tây Nguyên 31,2%, Công ty CP Cẩm Hà 31%, Công ty CP Sản xuất và XNK Lâm sản Sài Gòn thuộc TCT Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) 39,1%; Tỷ lệ nợ phải thu ngắn hạn trên tổng tài sản Công ty E&C 53,39%, Công ty VC 15 là 50,06%, Công ty Vimeco thuộc Vinaconex 44,63%. Đi liền với vấn đề này là sự gia tăng của nợ xấu. Cụ thể, nợ phải thu quá hạn trên 6 tháng của Vinafor là 64,16 tỷ đồng, nợ phải thu trên một năm của công ty mẹ - PVC 36 tỷ đồng. Tại Cienco8, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Việt Lào nợ quá hạn 44,08 tỷ đồng, chiếm 43,8% nợ phải thu, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 874 là 25,81 tỷ đồng, chiếm 23,7%... Bên cạnh đó, theo KTNN, việc ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn. Chẳng hạn tại Vinafood 1, một số công ty ứng trước 90% giá trị hợp đồng nhưng khách hàng chưa hoặc không giao hàng. Vinafood 2 ứng trước 80 - 90%  giá trị hợp đồng nhưng chưa ban hành quy chế về ứng vốn cho người bán hàng. Tại một số đơn vị khác, vệc phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng cũng chưa được thực hiện hoặc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định.

 

Kiểm toán nhà nước chỉ ra rằng việc quản lý nợ tạm ứng tại một số đơn vị không chặt chẽ đã dẫn đến nợ quá hạn tồn đọng lớn. Điển hình, tại Cienco8 con số này là 67,65 tỷ đồng, Vinacco 23,99 tỷ đồng; Vinaconex: Công ty Vimeco 2,82 tỷ đồng, Công ty VC 15 là 26,52 tỷ đồng; Công ty Cung ứng lao động và Dịch vụ lâm nghiệp, Công ty CP Xây lắp công trình Tây Nguyên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Bắc thuộc Vinafor.

 

Trong khi các khoản nợ khó đòi chưa giải quyết được, nhiều DNNN lại ồ ạt đầu tư ngoài ngành dù không thật sự hiệu quả. Nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, như PVC đầu tư vào công ty liên kết PVC- SG lỗ 85,8 tỷ đồng; PVC-Land lỗ 66,4 tỷ đồng; Công ty Sopewaco lỗ 48,5 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Hạ Long lỗ lũy kế đến 31-12-2011 là 1.090 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỷ đồng. Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định đầu tư 1,2 tỷ đồng vào Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Bình Định không có khả năng thu hồi vốn do bị thua lỗ kéo dài, đang thực hiện giải thể; Công ty mẹ - Habeco đầu tư vào các doanh nghiệp khác năm 2011 lỗ 195,42 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Công nghiệp Sài Gòn các khoản đầu tư tài chính dài hạn tổn thất phải trích lập dự phòng là 162,3 tỷ đồng, bằng 13,64% giá trị đầu tư... Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. Một loạt “điển hình” lần lượt được KTNN nêu tên như: Công ty mẹ - Vinafood1 đầu tư 118,53 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 42,23 tỷ đồng; Công ty mẹ - Vinachem góp vốn vào Công ty CP chứng khoán VICS 22 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 18,5 tỷ đồng và mua cổ phần của TCT CP Bảo Minh 16 tỷ đồng, phải trích lập dự phòng 5,6 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Bến Thành và Công ty Văn hóa tổng hợp Bến Thành lỗ kinh doanh chứng khoán ngắn hạn; Công ty CP Nhựa Sài Gòn thuộc TCT Công nghiệp Sài Gòn phải trích lập dự phòng 8,057 tỷ đồng cho các đầu tư chứng khoán bị tổn thất, bằng 52,45% giá trị đầu tư; Vinafood2 đầu tư chứng khoán của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam 59,5 tỷ đồng phải trích lập dự phòng 47,7 tỷ đồng và mua cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) 52,57 tỷ đồng, giá niêm yết còn 16,64 tỷ đồng.

 

Bên cạnh những bất cập trên, con số nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Thậm chí, có những đơn vị nợ phải trả quá hạn cao như Cienco8 là 73,18 tỷ đồng; PVC 1.369,1 tỷ đồng; CC1: Dự án Nhà máy thủy điện Đăkr tin 1.668,4 tỷ đồng và 17 triệu USD, lãi vay quá hạn năm 2011 là 30,31 tỷ đồng; Công ty Mê Kông 109,81 tỷ đồng. Một số đơn vị thuộc các TĐ, TCT còn chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp. Việc giao đơn giá tiền lương và phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong TĐ, TCT và giữa các bộ phận trong đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất kinh doanh như tại Petrolimex: Công ty mẹ và các công ty con 100% vốn xây dựng đơn giá tiền lương chung cho khối kinh doanh xăng dầu, sau đó Tập đoàn giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị trên cơ sở đơn giá tiền lương tổng hợp, không xây dựng, quyết toán đơn giá tiền lương riêng. Saigontourist căn cứ doanh thu trừ chi phí chưa có khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) để giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị phụ thuộc, dẫn đến những đơn vị được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp có số khấu hao TSCĐ lớn, kinh doanh có thể lỗ nhưng vẫn được hưởng quỹ lương cao.

 

Cũng theo KTNN, thu nhập bình quân của các chức danh quản lý thuộc khối văn phòng tại một số TĐ, TCT hiện cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của các đơn vị thành viên trong TĐ, TCT. Chẳng hạn tại Vinafood1: Thu nhập bình quân của lãnh đạo TCT năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng TCT là 28,4 triệu đồng/người/tháng, trong khi Công ty CP Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 6,5 triệu đồng/ người/tháng. Tại Vinafood2 lãnh đạo TCT là 79,749 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng TCT là 32,9 triệu đồng/người/tháng, trong khi Công ty Lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên được kiểm toán là 11,175 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigonpetro), viên chức quản lý công ty là 35,483 triệu đồng/người/tháng, trong khi công ty mẹ là 8,733 triệu đồng/người/tháng; Cienco4: HĐTV và các phó tổng giám đốc là 39,9 triệu đồng/người/tháng, người lao động là 5,49 triệu đồng/người/tháng.   

 

(Nguồn: www.congan.com.vn)

Các bài viết khác