Logo

Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, có hiệu lực từ 09/11/2010

25/07/2013
Ngày 21/9/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN). Nghị định gồm 05 chương, 39 điều quy định cụ thể về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm quy định về hoạt động SHCN; quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền SHCN; về đại diện SHCN; về giám định SHCN; về thanh tra, kiểm tra SHCN; xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực SHCN; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;…

Các hành vi vi phạm quy định trong Nghị định này được chia thành 3 nhóm chính:

 

- Nhóm các hành vi vi phạm quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, bao gồm các hành vi: vi phạm về thủ tục xác lập, thực hiện, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 20 triệu đồng; vi phạm về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng; vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp và vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp, về thanh tra, kiểm tra sở hữu công nghiệp thì bị phạt cảnh cáo hoặc tiền đến 20 triệu đồng.

 

- Nhóm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm các hành vi: xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thì tuỳ theo giá trị hàng hoá vi phạm mà bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500 triệu đồng; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

 

- Nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 70 triệu đồng tuỳ theo giá trị hàng hoá, dịch vụ vi phạm, bao gồm các hành vi: bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hoá, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng của hàng hoá, dịch vụ; sản xuất, nhập khẩu hàng hoá mang chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn hoặc đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn.

 

Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm: Thanh tra Khoa học và Công nghiệp, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Hải quan, Công an, Cục Quản lý cạnh tranh, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định quy định: Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ có quyền phạt cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2 triệu đồng. Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền phạt tiền đến 500 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Sở Thông tin và Truyền thông có quyền phạt cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2 triệu đồng. Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền phạt đến 70 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có quyền phạt đến 70 triệu đồng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường có quyền phạt đến 20 triệu đồng.

Cục trưởng thuộc Tổng cục Hải quan có quyền phạt đến 70 triệu đồng, Đội trưởng kiểm soát thuộc Cục Hải quan có quyền phạt đến 20 triệu đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền phạt đến 500 triệu đồng, Chủ tịch UBND huyện có quyền phạt đến 30 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2010 và thay thế Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Đối với vụ vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp được thụ lý từ ngày Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ có hiệu lực nhưng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì xử lý theo quy định của Nghị định số 106/2006/NĐ-CP; trường hợp hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp chưa xử lý mà Nghị định này quy định mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả nhẹ hơn thì áp dụng quy định của Nghị định này.

 

Tải Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại đây:

Nghịđịnh97CP.pdf (1543 KB)

 

 

Phạm và Liên danh

Các bài viết khác