Logo

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

27/05/2019
Những vướng mắc, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ khi triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP đang được Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ  đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ...

Những vướng mắc, bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ khi triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP đang được Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ  đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ theo tinh thần của Nghị quyết số 684/2019/UBTVQH14 ngày 19/4/2019 điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến, những sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV,  từ ngày 20/5 đến 14/6/2019.

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ tại cuộc họp ngày 10/4/2019 của UBTVQH. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc ngồi ở bìa phải.



Những nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung:

Về sáng chế, dự thảo Sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ), cụ thể như sau:

 “3. Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này hoặc người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người đó bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày bộc lộ.

4. Quy định tại khoản 3 Điều này không áp dụng đối với trường hợp sáng chế được bộc lộ trong các đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hoặc văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan sở hữu trí tuệ công khai cho công chúng tiếp cận trừ trường hợp việc này được thực hiện do sai sót của cơ quan sở hữu trí tuệ hoặc đơn được người thứ ba có được thông tin một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này nộp nhưng không được sự đồng ý của người có quyền đăng ký đó.”

Về nhãn hiệu: Bổ sung vào Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 36A của Chính phủ về cải cách hành chính, Cục Sở hữu trí tuệ đã xây dựng hệ thống nộp đơn điện tử trực tuyến đối với các đối tượng SHCN, trong đó có nhãn hiệu và hệ thống này đã hoạt động từ năm 2017.

Sửa đổi khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu và sửa đổi khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định của Hiệp định CPTPP về việc không được yêu cầu phải đăng ký để xác định hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu và phải coi việc sử dụng nhãn hiệu của bên được chuyển quyền được coi là sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu liên quan đến các thủ tục xác lập, duy trì và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu.

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Sửa đổi khoản 1 Điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng bổ sung quy định về cách tính giá trị trong việc quyết định bồi thường thiệt hại; sửa đổi, bổ sung Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng quy định Toà án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện, bao gồm cả chi phí thuê luật sư; và bổ sung quy định bồi thường thiệt hại do lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công Thương cũng cho rằng Luật Sở hữu trí tuệ hoàn toàn chưa có quy định pháp luật như yêu cầu của Hiệp định CPTPP. Cụ thể: Nghĩa vụ nếu bảo hộ hoặc công nhận dạng dịch nghĩa hoặc phiên tự của chỉ dẫn địa lý theo thủ tục hành chính thì thủ tục đó và cơ sở về việc bảo hộ/hủy bỏ phải tương đương/trùng với thủ tục và các cơ sở áp dụng cho chỉ dẫn địa lý thông thường (Điều 18.32.5); nghĩa vụ quy định mức phí nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát và tạm dừng thủ tục hải quan, phí lưu kho và phí tiêu hủy không cản trở một cách bất hợp lý việc áp dụng các thủ tục liên quan tới các biện pháp tại biên giới (Điều 18.76.8); nghĩa vụ quy định Toà án có thẩm quyền yêu cầu một bên bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại thực tế (có thể bao gồm cả phí luật sư hợp lý) do việc lạm dụng thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ của bên đó gây ra (Điều 18.74.15).

Bên cạnh đó, còn có vướng mắc, bất cập về nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành Luật: Nghĩa vụ cho phép nộp đơn đăng ký và duy trì hiệu lực nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử; và có một hệ thống thông tin điện tử có thể truy cập công cộng, bao gồm cơ sở dữ liệu trực tuyến (gồm các đơn đăng ký nhãn hiệu và nhãn hiệu đã được đăng ký) đòi hỏi Cục Sở hữu trí tuệ phải nâng cấp, vận hành hệ thống nộp đơn trực tuyến một cách đồng bộ, ổn định. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn lực hiện nay của Cục Sở hữu trí tuệ chưa thể đáp ứng đầy đủ việc thực hiện các cam kết. Do đó, đòi hỏi nhà nước cần đầu tư các nguồn lực thỏa đáng (xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu…).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Công Tạc cho biết, những sửa đổi bổ sung nói trên chủ yếu để nhằm đáp ứng kịp thời hạn một số cam kết theo CPTPP mà Quốc hội  đã yêu cầu theo Nghị định số 72 ngày 12/11/2018. Những nội dung khác liên quan đến CPTPP nhưng thời hạn thi hành kéo dài hơn, trong vòng 3-5 năm tới, và những bất hợp lí trong Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được đề xuất trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, dự định sẽ trình Quốc hội vào năm 2021./.

 

Các bài viết khác