Logo

ACTA - Hiệp ước bí mật về quản lý Internet trên thế giới

20/07/2013
39 quốc gia trên thế giới đang bí mật đàm phán về một hiệp ước cho phép tăng cường quản lý tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ trên internet. Một số nguồn tin rò rỉ cho biết khi hiệp ước này được áp dụng, việc chặn và lọc nội dung thông tin những trang web sẽ vô cùng khắt khe và những bí mật về các địa chỉ IP sẽ chấm hết.

Nếu ACTA được thông qua, việc quản lý Internet sẽ vô cùng chặt chẽ

"Điều luật Hadopi toàn cầu"; "Hiệp ước bí mật sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo của Internet thế giới"; "Internet sẽ sớm bị kiểm duyệt trên phạm vi toàn thế giới"... đó là vài dòng tít lớn trong số vô vàn dòng tít khác đang xuất hiện trên khắp các nhật ký trang mạng (blog) để nói về những hậu quả tiềm năng của ACTA. Đây là ký hiệu viết tắt của một hiệp ước bí mật, đang được thảo luận kín giữa rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Ủy ban châu Âu, về tác quyền, quyền sở hữu trí tuệ trên mạng Internet.

ACTA (Anti-Counterfeiting Trade Agreement), tạm dịch là Hiệp ước Thương mại chống làm giả, được soạn thảo từ năm 2006. Vòng đàm phán thứ 7 của hiệp ước này vừa diễn ra tại Mexico hôm 26-1 vừa qua. Dự án này tập hợp tổng cộng 39 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và EU, đề cập tới nhiều lĩnh vực từ dược phẩm tới âm nhạc nhưng chỉ với một mục đích duy nhất: Tăng cường bảo vệ tác quyền và các văn bằng sáng chế.

ACTA là sự kế thừa của Hiệp ước ADPIC, có hiệu lực từ năm 1995. Hiệp ước  thay thế này sẽ củng cố và phát huy ADPIC nhờ vào sự liên minh của những quốc gia quyết tâm tăng cường bảo vệ tác quyền. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhóm này tập hợp trên tinh thần tự nguyện lại đang cản trở những cuộc đàm phán về tác quyền trong những cơ quan hiện hữu trong lĩnh vực này, đó là Tổ chức Thương mại thế giới và tổ chức quyền sở hữu trí tuệ thế giới.

Những bế tắc này đã khiến một số quốc gia, vì bị giới công nghiệp thúc ép, phải bắt tay với nhau bên ngoài khuôn khổ hai tổ chức trên. Trở lại Hiệp ước ACTA, một trong những ưu tiên hàng đầu của văn bản đang được thảo luận này là vấn đề xâm phạm bản quyền trên Internet.Chính điều này đang khiến những các nhà cung cấp dịch vụ Internet lo ngại.

Theo Quadrature du Net, tổ chức đấu tranh vì tự do trên Internet, từng huy động đông đảo cộng đồng mạng phản đối điều luật Hadopi (dự án chống lại tình trạng chia sẻ thông tin bất hợp pháp ở trên mạng của Pháp), thì Acta đơn giản là nhằm áp đặt một hiệp ước giữa các nhà cung cấp dịch vụ Internet và những người nắm quyền bản quyền để chống lại nạn xâm phạm bản quyền bằng cách chặn, lọc hoặc thậm chí tự động xóa thông tin vi phạm bản quyền trên các trang web.

Cụ thể là thay vì yêu cầu các nước soạn thảo một điều luật kiểu như Hadopi để chống lại nạn xâm phạm bản quyền, ACTA buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải có trách nhiệm với tình trạng bản quyền và phải thiết lập các hệ thống chặn và lọc thông tin đối với những khách hàng của mình.

Google tổ chức cuộc thảo luận về ACTA.

Điều đáng nói là hiệp ước này được thảo luận trong bí mật tuyệt đối và chỉ đến khi trang Wikileaks, trang mạng chuyên về những tiết lộ mật, đưa lên mạng hồi cuối năm 2008 nội dung của bản thỏa hiệp trên thì mọi người lúc đó mới được biết đến. Trong số những tài liệu được Wikileaks tiết lộ có một biên bản làm việc của Liên minh châu Âu, trong đó ghi rõ: các nhà cung cấp dịch vụ Internet buộc phải tiết lộ nhân thân của các khách hàng, từ các địa chỉ IP (Internet Protocol - đây là số nhận dạng của từng máy tính khi có kết nối Internet) cho bất cứ cơ quan thẩm quyền nào khi có yêu cầu.

Ngoài ra, các cơ quan thuế cũng có quyền kiểm tra các thiết bị chứa dữ liệu như ổ cứng máy tính, máy nghe nhạc MP3... để tìm kiếm những file dữ liệu vi phạm bản quyền và có quyền tịch thu tất cả những thiết bị có chứa dữ liệu vi phạm.

Trước tiết lộ này, cộng đồng mạng và giới bảo vệ tự do Internet đã tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu lại phủ nhận nội dung của văn bản trên và cho rằng, nó không đúng với nội dung của Hiệp ước ACTA, nhưng đồng thời cũng không nói rõ hiệp ước này chứa cái gì. Sự mập mờ về thông tin đã khiến một số nghị sĩ châu Âu yêu cầu Ủy ban châu Âu và Nhà Trắng cần tôn trọng sự minh bạch của thông tin và công bố dư luận về nội dung các cuộc đàm phán xoay quanh ACTA.

Tờ Le Point của Pháp mới đây đã phỏng vấn được một nhân vật trong đoàn đàm phán của châu Âu. Theo người này, các cuộc thảo luận chưa bao giờ bí mật mặc dù nội dung bản hiệp ước chưa từng được tiết lộ và rất có thể bản thảo của ACTA sẽ được công bố trước khi trình các nước thành viên phê chuẩn.

Cuối cùng, Tổ chức Các nhà báo không biên giới cũng đã bày tỏ sự lo ngại của mình về hiệp ước trên. Theo các nhà quan sát, một tác nhân có thể làm thay đổi cục diện này, đó là Google. Nhà khổng lồ về cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng đang có sáng kiến tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ Internet và giới bảo vệ quyền tự do báo chí để chống lại ACTA. Cuộc họp đầu tiên của nhóm này đã bắt đầu tại New York, Mỹ, hồi cuối tháng 1/2010.

Vòng đàm phán cuối cùng về ACTA sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. Nếu 39 quốc gia đồng ý với bản hiệp ước này thì nó vẫn cần phải được nghị viện châu Âu thông qua

 

(Nguồn: Giang Khuê, An Ninh Thế giới tháng 3/2010) 

Các bài viết khác