Logo

8 sai lầm các chủ nhãn hiệu đã phạm phải tại Trung Quốc (phần II)

20/07/2013
3) Không bảo hộ đủ rộng do không biết rõ hệ thống các nhóm phụ (trong phân loại Nice) của Trung Quốc và 4) không giám sát đúng mức các nhãn vi phạm.

Vậy là, bạn đã quyết định nộp đơn sớm và xây dựng một nhãn hiệu tiếng Hoa. Bây giờ mọi việc bắt đầu trở nên phức tạp (và tốn kém). Trung Quốc, mặc dù sử dụng Hệ thống Phân loại Ni-xơ (Nice Classification system) nhưng lại còn có hệ thống phân loại phụ và mở rộng cho từng nhóm đó. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các xét nghiệm viên nhãn hiệu Trung Quốc khi tra cứu để tìm các nhãn xung đột. Nhưng đồng thời nó cũng có nghĩa các nhãn hiệu giống hoặc tương tự có thể đăng ký trong cùng một nhóm. Để bảo vệ các nhãn hiệu của mình ở Trung Quốc các doanh nghiệp phải nộp đơn rộng. “ Nhiều nhãn hiệu được trưng bày vì họ đã đăng ký nhưng chúng chưa đầy đủ”, Ray Tai, tư vấn cấp cao về nhãn hiệu của Adidas Hong Kong nói.

Còn đây là sai sót của Apple. Kết quả tra cứu cơ sở dữ liệu nhãn hiệu Trung Quốc cho thấy Apple chưa nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu iPhone đầu tiên tại Trung Quốc. Năm 2002 Apple đã nộp đơn cho Nhóm 9, nhưng chỉ cho Nhóm phụ 0901 (máy tính và phần mềm máy tính). Năm 2004, một công ty tên là Hanwang Technology đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu iPhone và thiết bị cho Nhóm phụ 0907, bao gồm điện thoại và điện thoại di động. Năm 2006, khi nhãn hiệu của Hanwang được công bố, Apple đã nộp đơn phản đối tới CTMO, đồng thời nộp đơn đăng ký của họ (đã muộn) cho iPhone cho Nhómn phụ 0907.

Việc phản đối của Apple tới CTMO cũng như sau đó khiếu nại tới TRAB đều thất bại. Apple đã phải trả tiền cho đối thủ của mình để lấy lại nhãn hiệu. Apple không phải là nạn nhân duy nhất của hệ thống Nhóm phụ của Trung Quốc. Các luật sư khẳng định rằng các vụ tương tự như vậy tuần nào cũng xảy ra, vì nhiều chủ nhãn hiệu nước ngoài cứ tin rằng mình đã nộp đơn đúng Nhóm mà họ đã nghĩ. 

Hệ thống Nhóm phụ thậm chí còn làm một doanh nghiệp ở không xa Bắc Kinh phát điên: đó là Công ty Hong Kong fashion G2000. Vụ việc phức tạp nhưng chủ yếu liên quan tới việc G2000 để một kẽ hở trong hồ sơ nhãn hiệu đang ký tại Trung Quốc. Một doanh nghiệp sở tại đã nộp đơn với nhãn hiệu 2000 cho bit-tất, găng tay, khăn quàng cổ, caravat, dây đeo lưng, khăn quàng vai và mạng che mặt. G2000 đã thất bại trong các nỗ lực để huỷ bỏ nhãn này mà còn phải đương đầu với một vụ kiện xâm phạm quyền nhãn hiệu vì bán các hàng hoá nói trên gắn nhãn G2000. Tháng 10/2007 Toà án nhân dân tỉnh Hàng Châu đã phạt G2000 số tiền 20 triệu NDT (2.9 triệu USD) vì đã gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu 2000. Mức phạt đó là cao, đương sự khiếu nại và vụ việc đang được tiếp tục xem xét. Tuy nhiên, bài học thì đã rõ: để kẽ hở và có nguy cơ rất cao là một người nào đó sẽ tận dụng cơ hội đó.

Gắn với việc này còn có vấn đề là nhiều công ty không giám sát chặt chẽ các nhãn hiệu vi phạm. Mấu chốt ở đây là, phải có phương pháp và xác lập các được các thông số phù hợp để  bảo đảm rằng bạn hoặc luật sư của bạn tra cứu đúng cách các nhãn hiệu tiếng Hoa, kể cả khi nhìn (cách thể hiện) lẫn cách phát âm xem có giống hay tương tự với nhãn của bạn không.

Chờ đến khi một nhãn hiệu được công bố trong sổ đăng ký nhãn hiệu thường là quá muộn. ’”Kinh nghiệm cho thấy, phải xem những đơn đăng ký mới trong sổ đăng ký, ít nhất từ 3 đến 6 tháng một lần - qua đó có thể sẽ dễ dàng tóm được những kẻ giả mạo”, Joe Simone, luật sư của Baker & McKenzie tại Hong Kong nói.

Tra cứu rộng là rất quan trọng vì những kẻ chiếm đoạt nhãn hiệu thường tấn công vào các lĩnh vực ta không ngờ đến. Hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus đã phải phản đối một đơn xin bảo hộ nhãn hiệu Airbus và 空中客车 (từ dịch của Airbus) cho các sản phẩm cocoa và bánh sô-cô-la. Airbus đã kiện ra toà yêu cầu huỷ bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu đó nhưng không thành công.

Trường hợp Airbus làm nổi lên câu hỏi: chủ nhãn hiệu cần đăng ký rộng đến thế nào ở Trung Quốc?. Khác với ở Mỹ, ở Trung Quốc để đăng ký một nhãn hiệu chỉ cần bày tỏ ý định sử dụng. Điều này có nghĩa là, về mặt lý thuyết các công ty có thể đăng ký rất rộng.  Rembert Meyer-Rochow, luật sư cấp cao của Intel tại Hong Kong nói rằng Intel đăng ký ở Trung Quốc cho “hầu như tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ có thể nghĩ ra”. Ông còn nói thêm: " Chúng tôi không muốn nhìn thấy nhãn hiệu của chúng tôi được sử dụng, ví dụ, trên ôtô, quần áo, các sân bóng đá, TV, dược phẩm v.v… mà không có giấy phép”. Cách tiếp cận này có thể dẫn đến hậu quả nhãn hiệu bị huỷ vì không sử dụng, nhưng nó tạo điều kiện cho các công ty đàm phán từ thế mạnh. Nó cũng tốn kém. “Chả phải là thứ mà công ty nào cũng có thê làm” Meyer-Rochow nói thêm.

Nộp đơn rộng đến mức nào và giám sát nhãn hiệu chặt chẽ đến mức nào để tránh bị xâm phạm phụ thuộc vào có bao nhiêu kinh phí. Lời khuyên chung nhất là đăng ký cho các sản phẩm bạn sử dụng, các sản phẩm bạn có thể sử dụng và (trong khả năng kinh phí cho phép) các sản phẩm có thể bạn muốn ngăn chặn. Ở đây, thông tin trong nội bộ công ty có tầm quan trọng sống còn. "Trong nhiều trường hợp, người có trách nhiệm quyết định chuyện đó không có đủ kiến thức để hiểu công ty đang làm gì và có thể làm gì trong tương lai” , Stan Abrams, giáo sư về sở hữu trí tuệ tại trường Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Bắc Kinh, đồng thời là luật sư tại Công ty Luật Golden Gate nói.

Thậm chí cho dù việc giám sát phát hiện ra một nhãn hiệu bị nghi vấn có khả năng vi phạm bạn cũng phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi phản đối. Nichols nói rằng Nokia sử dụng cách tiếp cận “thực tế và thích hợp” với những thứ được mô tả là “những mạt giũa khó chịu”. Nếu chủ của một nhãn hiệu vi phạm là một kẻ “chiếm nhà vắng chủ”, chưa làm gì và cũng không gây hại gì cho Nokia thì nên thông báo cho họ biết cái trò gian lận đó đã bị lật tẩy. “ Còn nếu kết quả điều tra cho thấy nhãn hiệu đã bị một công ty đã thành danh sử dụng thì phải có biện pháp khẩn cấp ngay để tránh uy tín của Nokia bị huỷ hoại”, Nichols nói thêm.

Dường như những lời khuyên của các luật sư thường dẫn đến nhiều việc phải làm thêm, tốn thêm kinh phí. Nhưng nộp đơn rộng và giám sát chặt chẽ các vi phạm sẽ giúp công ty tiết kiệm nhiều công sức và tiền của trong tương lai.

5) Không thu thập đủ chứng cứ để chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng

Thường là, các chủ nhãn hiệu không nộp đơn đăng ký rộng ở Trung Quốc vì họ nghĩ rằng họ có thể phản đối các nhãn hiệu vi phạm trên cơ sở nhãn hiệu của họ nổi tiếng. Nhưng danh tiếng ở nước ngoài là chưa đủ. Ở đây chỉ có hai điều quan trọng nhất là: nhãn hiệu có nổi tiêng ở Trung Quốc không? và có chứng minh được điều đó không?. Câu trả lời thường gặp cho cả hai câu hỏi là không.

Trong cả hai ví dụ kể trên, cả Ferrari và Airbus đều biện luận trước toà rằng nhãn của họ là nổi tiếng. Nhưng cả hai đều thất bại. Trong trường hợp Airbus, toà cho ràng không có đủ chứng cứ để chứng minh Airbus đã nổi tiếng ở Trung Quốc khi công ty Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu của họ, và không có sự nhầm lẫn hay lừa dối trên khía cạnh những sự khác biệt rõ ràng về sản phẩm của các bên có liên quan.

Câu "khi công ty Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu của họ" là quan trọng. Bạn không những phải chứng minh nhãn hiệu của bạn là nổi tiếng mà còn phải chứng minh nó tại một thời điểm cụ thể. Để tránh sự đào bới tuyệt vọng trong các hồ sơ, kho chứa để tìm ra các hoá đơn, bản sao các quảng cáo… các công ty cần xây dựng một kho chứng cứ để có thể chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu của mình trước CMTO hoặc trước toà.

Chủ các công ty cần lưu giữ các chứng từ như sổ thanh toán lương, phiếu kho, hồ sơ hàng hoá thông quan, các tài liệu quảng cáo, tiếp thị sử dụng ở Trung Quốc, bằng chứng về thị phần và các tài liệu về điều tra, khảo sát khách hàng. Thiếu những bằng chứng này, khả năng thành công là rất thấp.

Luật sư Abrams nói rằng một công ty rất nổi tiếng của Mỹ đã yêu cầu ông nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng mà không cung cấp một bằng chứng nào. “Họ chẳng đưa gì cho tôi cả. Tôi không biết họ muốn đạt được cái gì.”

Còn tiếp tục....

Lưu ý: Máy của bạn phải có font chữ tiếng Trung mới có thể hiển thị được bài viết một cách đầy đủ)
                                                                              
                                                                                                                                                  Phòng Tư vấn, P&A

(Nguồn Managing IP, 1/2010)

Các bài viết khác