Logo

Nhãn hiệu gây nhầm lẫn về phát âm

29/05/2014

Công ty ABC đã đăng ký bảo hộ và sử dụng từ nhiều năm nay nhãn hiệu “TEAM” cho sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa” (nhóm 03- theo Bảng phân loại Ni-xơ) tại Việt Nam và được biết đến rộng rãi trên thị trường. Gần đây, Công ty An Sinh đã tung ra thị trường sản phẩm bột giặt mang nhãn hiệu “TIMY”. Công ty ABC cho rằng: bột giặt “TIMY” tuy không trùng về ký tự nhưng tương tự về phát âm với nhãn hiệu “TEAM” (phát âm tiếng Anh là “TIM”), nên khi nghe quảng cáo hoặc truyền khẩu người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty ABC khi cũng được sử dụng cho cùng sản phẩm là bột giặt. Vì vậy, đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ “TEAM” của Công ty ABC theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Nội dung vụ việc

Công ty ABC Chemical Co. (gọi tắt tà Công ty ABC) đã khiếu kiện với cơ quan chức năng Việt Nam việc Công ty hóa phẩm An Sinh (gọi tắt là Công ty An Sinh) tại thành phố Hồ Chí Minh vi phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của mình.

 

Công ty ABC đã đăng ký bảo hộ và sử dụng từ nhiều năm nay nhãn hiệu “TEAM” cho sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa” (nhóm 03- theo Bảng phân loại Ni-xơ) tại Việt Nam và được biết đến rộng rãi trên thị trường. Gần đây, Công ty An Sinh đã tung ra thị trường sản phẩm bột giặt mang nhãn hiệu “TIMY”. Công ty ABC cho rằng: bột giặt “TIMY” tuy không trùng về ký tự nhưng tương tự về phát âm với nhãn hiệu “TEAM” (phát âm tiếng Anh là “TIM”), nên khi nghe quảng cáo hoặc truyền khẩu người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty ABC khi cũng được sử dụng cho cùng sản phẩm là bột giặt. Vì vậy, đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ “TEAM” của Công ty ABC theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Sau khi xem xét vụ việc, bước đầu cơ quan chức năng đồng ý với nội dung khiếu kiện của Công ty ABC. Tuy vậy, trong công văn giải trình Công ty An Sinh đã đưa ra các chứng cứ và lập luận biện hộ cho việc sử dụng nhãn hiệu của mình. Theo đó, trước đây Công ty đã sản xuất và bán ra thị trường sản phẩm mang bột giặt mang nhãn hiệu “TIM - AN SINH” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tiếp đó, Công ty tiếp tục sản xuất bột giặt “TIMY-NEW” và bán ra thị trường, nhãn hiệu này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng ký cho 2 nhãn hiệu này chứng tỏ các nhãn hiệu trên không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “TEAM” của Công ty ABC đã đăng ký và bán ra thị trường trước đó. Trong thành phần các nhãn hiệu này đã có chữ “TIM” và “TIMY” nên chúng đã quen thuộc với người tiêu dùng. Vì vậy, việc Công ty An Sinh tiếp tục đưa ra thị trường bột giặt mang nhãn hiệu “TIMY” cũng chỉ là sự tiếp nối các nhãn hiệu trước đó, bằng cách bỏ chữ “NEW” (mới) là thành phần yếu của nhãn hiệu. Ngoài ra, chữ “TIMY” không trùng về các ký tự và có 2 âm tiết, chỉ trùng âm tiết đầu với nhãn hiệu “TEAM”. Với tất cả các chứng cứ và lập luận như trên Công ty An Sinh cho rằng việc Công ty sử dụng nhãn hiệu “TIMY” là không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty ABC và do đó không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty này. Lập luận của Công ty An Sinh đã ít nhiều gây bối rối cho cơ quan chức năng khi tiếp tục giải quyết vụ việc.

 

Ý kiến chuyên gia

Qua diễn biến sử dụng nhãn hiệu của các Công ty liên quan có thể nhận thấy như sau:

 

Công ty An Sinh nhận thấy sản phẩm bột giặt “TEAM” của Công ty ABC bán chạy trên thị trường từ trước nên đã có ý đồ sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm bột giặt mang một nhãn hiệu làm sao để người tiêu dùng có thể cho rằng nhãn hiệu có cùng nguồn gốc hoặc có quan hệ với nhãn hiệu của Công ty ABC. Tất nhiên, họ không thể sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc quá giống với nhãn hiệu “TEAM” ngay mà phải tiến hành theo cách tiệm cận dần đến nhãn hiệu này. Vì vậy trước tiên Công ty dùng chữ “TIM”- một chữ không trùng về ký tự nhưng trùng âm với nhãn hiệu cần tiến đến. Nhưng để có thể đăng ký bảo hộ được về pháp lý, cần phải thêm vào một thành phần khác là “AN SINH” vì theo Quy chế thẩm định của Cơ quan Sở hữu trí tuệ, thì một dấu hiệu trùng âm cũng là nguyên nhân gây nhầm lẫn đối với 2 nhãn hiệu do truyền đạt bằng thính giác. Do vậy nhãn hiệu phức hợp “TIM-AN SINH” đã được đăng ký do có cấu trúc và phát âm đa âm tiết phân biệt được với nhãn hiệu đối chứng.

 

Để tiến gần hơn đến nhãn hiệu của Công ty ABC, Công ty An Sinh lại đưa ra thị trường sản phẩm bột giặt “TIMY-NEW”, chứa thành tố “TIM” nhưng khác một chút là thêm “Y”, và phần kèm theo không phải là “AN SINH” mà là “NEW” (mới) - một từ vừa đơn giản hơn vừa như mô tả một sản phẩm mới. nhãn hiệu này cũng được chấp nhận đăng ký bảo hộ, do là một tập hợp chữ không tương tự về cấu trúc với nhãn hiệu “TEAM” của Công ty ABC, và về phát âm gồm 3 âm tiết cũng không dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng.

 

Tuy nhiên, khi Công ty An Sinh tung ra thị trường sản phẩm bột giặt với nhãn hiệu chỉ còn chữ “TIMY” thì ý đồ của Công ty này đã trở nên rõ ràng. Lúc đó người tiêu dùng bằng thị giác có thể không có sự liên tưởng giữa nhãn hiệu này và nhãn hiệu “TEAM” nhưng về phát âm 2 nhãn hiệu này trùng âm tiết chính là “TIM”, còn “Y” chỉ là nguyên âm đọc yếu đi sau. Vì vậy, người tiêu dùng được nghe qua quảng cáo hoặc truyền khẩu sẽ có cảm nhận ngay là hai nhãn hiệu tương tự  nhau hoặc có liên hệ với nhau về nguồn gốc. Điều đó sẽ gây nhầm lẫn cho họ khi chọn mua cùng loại hàng hóa là bột giặt.

Việc các nhãn hiệu “TIM-AN SINH” hay “TIMY-NEW” được sử dụng và được chấp nhận đăng ký bảo hộ trước đó, như phân tích ở trên, không thể biện hộ cho việc Công ty An Sinh sử dụng nhãn hiệu “TIMY” một cách riêng biệt. Việc Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận đăng ký hai nhãn hiệu trước đó không có nghĩa là thành phần “TIMY” cũng đương nhiên sẽ được chấp nhận bảo hộ khi được sử dụng như một nhãn hiệu riêng biệt. Việc loại bỏ thành phần “NEW” đã làm cho nhãn hiệu “TIMY” tiến sát nhãn hiệu “TEAM” và do đó gây nhầm lẫn trực tiếp cho người tiêu dùng về phát âm với nhãn hiệu “TEAM” đã được bảo hộ cho cùng sản phẩm.

 

Vì vậy, kết luận nhãn hiệu “TIMY” của Công ty An Sinh tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ “TEAM” do đó cấu thành hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn  hiệu của Công ty ABC là phù hợp.

 

Quý vị quan tâm đến bài viết này xin liên hệ qua email hanoi@pham.com.vn

 

TVH, Pham & Associates


Các bài viết khác