Logo

Giải quyết xung đột quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án Trung quốc

06/05/2014

Xung đột quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là một vấn đề xảy ra không chỉ tại một vài quốc gia hạn hẹp mà là vấn đề chung của thế giới, trong đó không ngoại trừ ở quốc gia đông dân nhất và cũng là thị trường lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc.

Xung đột quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là một vấn đề xảy ra không chỉ tại một vài quốc gia hạn hẹp mà là vấn đề chung của thế giới, trong đó không ngoại trừ ở quốc gia đông dân nhất và cũng là thị trường lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc.

 

Xung đột quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc thường xảy ra giữa nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả; nhãn hiệu và tên thương mại của doanh nghiệp; nhãn hiệu và tên miền…

 

Xung đột quyền chủ yếu phát sinh do thiếu quy chế hóa trong hệ thống luật pháp bảo hộ các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ, nơi mà mỗi đối tượng lại được điều chỉnh bằng một bộ quy tắc khác nhau cả về xác lập quyền cũng như bảo hộ chúng. Ví dụ, một quyền tác giả sẽ tự động được hình thành ngay khi tác phẩm được hoàn thành, trong khi đó quyền đối với nhãn hiệu, sáng chế hoặc tên thương mại chỉ được xác lập khi đăng ký với các cơ quan hành chính khác nhau. Các cơ quan đó được quản lý và điều phối bởi các bộ, ngành cấp trung ương khác nhau, nhiều lúc xung đột nhau về quyền lợi. Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn vì quyền sở hữu trí tuệ lại thường bị chồng chéo lên nhau: khi một sản phẩm mới được tạo ra lại được bảo hộ bởi các dạng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại có thể được sở hữu bằng các chủ thể khác nhau.

 

Khi xung đột quyền xảy ra tại Trung Quốc, chủ thể quyền có hai lựa chọn để giải quyết vấn đề.

 

Thứ nhất, các cơ quan thẩm quyền liên quan có thể được yêu cầu giải quyết xung đột đó bằng cách áp dụng thủ tục hủy bỏ hiệu lực quyền.

Thứ hai, chủ thể quyền có thể khởi kiện tại tòa nhằm yêu cầu chuyển trả lại hoặc hủy bỏ quyền. Tuy nhiên trong thực tế, các tòa án thường không sẵn sàng tham gia vào việc xử các vụ kiện liên quan đến các quyền sở hữu trí tuệ đã chính thức được các cơ quan hành chính có thẩm quyền cấp đăng ký. Vậy có nên bắt buộc phải thực hiện các biện pháp hành chính trước khi đưa vụ kiện ra tòa nhằm khẳng định cơ sở pháp lý của vụ kiện hay không? Tuy nhiên, do các vụ xung đột quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng, đã buộc Tòa án tối cao phải xác định rõ ràng hơn thẩm quyền của tòa án cũng như hướng dẫn thủ tục tiến hành xét xử các vụ án liên quan đến xung đột quyền sở hữu trí tuệ. Thông tư hướng dẫn của Tòa án tối cao Trung Quốc ban hành ngày 01/03/2008 liên quan đến xét xử các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến xung đột quyền sở hữu trí tuệ có các nội dung chính sau đây:

 

• Vụ kiện có thể được nộp trực tiếp cho tòa án đối với bất kỳ xung đột nào giữa một nhãn hiệu đã được đăng ký với một quyền có trước, như một quyền tác giả, một kiểu dáng công nghiệp, một tên thương mại của doanh nghiệp…

Theo Điều 1(1) Thông tư hướng dẫn thì một vụ kiện liên quan đến một nhãn hiệu đã đăng ký xâm phạm một quyền tác giả, một quyền về kiểu dáng công nghiệp hoặc tên thương mại của doanh nghiệp hoặc các quyền có trước khác của bên khiếu kiện, nếu vụ kiện phù hợp với quy định của Điều 108 của Bộ Luật Tố tụng dân sự, thì tòa sẽ tiếp nhận thụ lý. Ưu tiên của tòa là xét xử xung đột quyền tuy nhiên tòa cũng không cấm các thủ tục khắc phục bằng con đường hành chính nhằm giải quyết vụ việc. Do đó, khi có xung đột giữa nhãn hiệu đăng ký và một quyền tác giả, một kiểu dáng công nghiệp hoặc một tên thương mại của doanh nghiệp thì bên nguyên có thể khởi kiện tại tòa và cũng có thể chọn việc nộp đơn khiếu nại đến Hội đồng Xem xét và Giải quyết Khiếu nại Nhãn hiệu (TRAB) thuộc Tổng cục Công thương Trung Quốc (SAIC) yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu đã đăng ký theo Luật nhãn hiệu.

• Xung đột quyền giữa các nhãn hiệu đã đăng ký sẽ được giải quyết bởi Cơ quan Đăng ký Nhãn hiệu (STMO) hoặc TRAB, Tòa án nhân dân không tiếp nhận trực tiếp các vụ kiện này.

Theo Điều 1(2) Thông tư hướng dẫn, thì một vụ kiện liên quan đến một nhãn hiệu được cấp đăng ký nhưng đã được sử dụng bởi người khác cho sản phẩm hoặc đối với nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đã được người khiếu nại đăng ký trước đó thì tòa án sẽ thông báo để người khiếu kiện đến cơ quan hành chính có thẩm quyền tương ứng giải quyết theo Điều 111 (3) của Luật Tố tụng dân sự. Lý do chủ yếu là:

1. Luật Nhãn hiệu Trung Quốc quy định xử lý các khiếu kiện về xung đột các nhãn hiệu như vậy. Nếu một bên không đồng ý với phán quyết của TRAB thì có thể khởi kiện hành chính đối với quyết định đó.

2. Quy định đó khẳng định nguyên tắc cơ bản của hệ thống nhãn hiệu Trung Quốc là thống nhất hóa và tập trung hóa việc đăng ký và quản lý nhãn hiệu trên phạm vi toàn quốc.

 

Các tranh chấp dân sự liên quan đến sử dụng trái phép nhãn hiệu sẽ được tòa tiếp nhận thụ lý trực tiếp. Theo Điều 1 (2) của Thông tư hướng dẫn thì tòa án nhân dân cũng sẽ thụ lý vụ kiện trong các trường hợp sau đây đối với một nhãn hiệu đã được đăng ký:

 

1. Người khác sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký trên sản phẩm, dịch vụ nằm ngoài danh mục sản phẩm, dịch vụ của nhãn hiệu đã đăng ký.

2. Người khác đã thay đổi một cách dễ nhận thấy các đặc điểm của nhãn hiệu, làm cho nhãn hiệu thay đổi toàn diện.

3. Một số nhãn hiệu được đăng ký một cách không phù hợp cho cùng một sản phẩm/dịch vụ nhưng chúng khác nhau do làm yếu thành phần này nhưng lại làm nổi bật hơn thành phần kia và do đó gây nhầm lẫn nhãn hiệu này với nhãn hiệu kia.

 

Cả 3 tình huống trên tạo nên sự thay đổi cơ bản nằm ngoài phạm vi các quyền của nhãn hiệu, và do đó các thay đổi đó cần được coi như là một nhãn hiệu mới hoàn toàn và chưa được đăng ký. Tòa án sẽ tiếp nhận xem xét các tranh chấp liên quan đến các vụ việc trên.

 

Nếu tên thương mại của doanh nghiệp trùng hoặc tương tự với tên của doanh nghiệp khác, và sự tương tự đó đủ để gây nhầm lẫn cho công chúng liên quan, thì vụ kiện sẽ được giải quyết theo Luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

 

Theo Điều 2 của Thông tư hướng dẫn, một vụ kiện của một doanh nghiệp kiện một doanh nghiệp khác dùng tên trùng hoặc tương tự với tên của doanh nghiệp mình đã sử dụng trước, gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm cho giới công chúng liên quan và do đó vi phạm Điều 5 (3) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh, thì tòa sẽ tiếp nhận thụ lý nếu vụ kiện phù hợp với quy định của Điều 108 Luật Tố tụng dân sự.

 

Điều 5 (3) Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh quy định “việc sử dụng tên của một doanh nghiệp hoặc cá nhân khác mà không được phép, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm của hai doanh nghiệp” là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thông tư nêu rõ rằng việc sử dụng tên gọi hay thương hiệu của một doanh nghiệp khác mà không được phép của chủ là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tòa có thể tiếp nhận vụ kiện trực tiếp mà không cần quan tâm đến các thủ tục hành chính và không được tạm dừng vụ kiện vì bất kỳ một thủ tục hành chính nào được thông qua.

 

Ngoài ra, tên doanh nghiệp có được từ nước ngoài đang sử dụng tại Trung Quốc kể cả việc chúng đã được đăng ký hoặc đáp ứng các quy định ở nước ngoài thì cũng không được xung đột với tên doanh nghiệp hoặc thương hiệu đã được sử dụng và đã có uy tín xác định tại Trung Quốc. Vì điều đó có thể bị coi là cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm phương hại nhãn hiệu theo đúng nguyên tắc về sự phù hợp và độc lập về vùng lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ.

 

Một doanh nghiệp có tên thương mại xâm phạm độc quyền nhãn hiệu của người khác hoặc hành vi của doanh nghiệp đó cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì phải chịu trách nhiệm dân sự bao gồm việc phải chấm dứt  sử dụng nhãn hiệu không phù hợp với quy định pháp luật…

 

Trong việc xét xử các vụ kiện này, tòa có thể lệnh cho bên vi phạm sửa chữa hoặc thay đổi tên thương mại hoặc thương hiệu của mình cùng với việc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến “chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu xâm phạm, và điều chỉnh việc sử dụng phù hợp với luật pháp”. Quyết định của tòa có thể bao gồm cả việc bồi thường các thiệt hại về kinh tế.

 

TVH (tổng hợp)


Các bài viết khác