Logo

Căn cứ tính tiền bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật Việt Nam và nước ngoài

22/04/2015
Để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, một trong những biện pháp mà Tòa án áp dụng là buộc bồi thường thiệt hại cho chủ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Căn cứ và cách tính mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  tại Việt Nam được thực hiện theo Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và Khoản 2, mục 1, Phần 8 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 3/4/2008

Để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, một trong những biện pháp mà Tòa án áp dụng là buộc bồi thường thiệt hại cho chủ các đối tượng sở hữu trí tuệ. Căn cứ và cách tính mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  tại Việt Nam được thực hiện theo Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ và Khoản 2, mục 1, Phần 8 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 3/4/2008. Cụ thể như sau:

 

Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình, thì có quyền yêu cầu Toà án quyết định mức bồi thường thiệt hại theo một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.

b) Giá trị chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện.

c) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại điểm a) và điểm b) nêu trên thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

 

Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đống đến năm mươi triệu đồng tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

 

Ngoài khoản bồi thường thiệt hại như trên chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

 

Các lưu ý khi thực hiện việc tính toán thiệt hại

Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền nêu ở điểm a) trên bao gồm thiệt hại về doanh thu, hàng tồn kho, giảm sút lợi nhuận và các thiệt hại vật chất khác mà chủ đối tượng sở hữu trí tuệ chứng minh được.

 

Trong trường hợp khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại thì nguyên đơn có thể cộng thêm vào đó khoản lợi nhuận bất chính mà bị đơn thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền.

 

Khi xác định khoản lợi nhuận này, cần phải xem xét các khoản chi phí mà bị đơn đã bỏ ra để có thể khấu trừ khoản tiền này trong tổng doanh thu của bị đơn hoặc xác định một phần lợi nhuận của bị đơn là doanh thu từ các hoạt động khác không liên quan đến hành vi xâm phạm. Tổng doanh thu của bị đơn được tính trên cơ sở toàn bộ các hóa đơn, chứng từ bán sản phẩm hoặc sử dụng tác phẩm vi phạm quyền của nguyên đơn.

 

Giá chuyển giao quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ nêu ở điểm b) trên được xác định theo một trong các cách sau:

(i) Là khoản tiền phải trả nếu người có quyền và người xâm phạm quyền tự do thỏa thuận, sẵn lòng ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đó (phí bản quyền, phí li xăng hợp lý). Hành vi xâm phạm ở đây được coi là hành vi sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ.

(ii) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ giả định được xác định trên theo phương pháp xác định số tiền mà bên có quyền (nguyên đơn) và bên được chuyển giao (bị đơn) có thể đã thỏa thuận vào thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, nếu các bên tự nguyện thỏa thuận với nhau về khoản tiền đó.

 

(iii) Dựa trên giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ được áp dụng trong lĩnh vực tương ứng được nêu trong các thông lệ chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trước đó (như các vụ chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực tương ứng trước đó đã được thanh toán hoặc bảo đảm trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, mức phí được nhiều người chấp nhận là hợp lý, được áp dụng thống nhất ở Việt Nam…).

 

Đối với mức bồi thường thiệt hại nêu tại điểm c) trên, Tòa án chỉ áp dụng trong trường hợp không thể định được mức bồi thường về vật chất của nguyên đơn theo các quy định đã nêu trên do bên nguyên chứng minh không thể có điều kiện tính toán hoặc không có đủ thị trường cho hàng hóa hợp pháp để có cơ sở xác định mức thiệt hại do giảm doanh thu bán hàng trước và sau khi xảy ra xâm phạm quyền. Tuy nhiên, nếu bị đơn chứng minh được rằng nguyên đơn không trung thực trong việc chứng minh thiệt hại của họ vì nếu yêu cầu bồi thường theo điểm a) và điểm b) nêu trên thì sẽ thấp hơn mức bồi thường theo điểm c) và nếu bị đơn chứng minh được mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn thì Tòa sẽ không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn mà có thể chấp nhận yêu cầu của bị đơn để quyết định mức bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường trong trường hợp này tối thiểu không dưới 5 triệu đồng và tối đa không quá 500 triệu đồng căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan của từng vụ việc, cụ thể như sau:

 

- Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm (cố ý, vô ý, bị khống chế, xâm phạm lần đầu, tái phạm).

- Cách thực hiện hành vi xâm phạm (riêng lẻ, có tổ chức, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện).

- Phạm vi lãnh thổ, thời gian, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm.

- Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm (trong nước, quốc tế đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng của chủ thể quyền, hậu quả về vật chất).

 

Trong trường hợp này, nếu trong vụ vi phạm có nhiều đối tượng bị xâm phạm thì mức bồi thường chung cho tất cả các đối tượng đó không quá 500 triệu đồng. Tòa án quyết định bồi thường thiệt hại về tinh thần nếu nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình. Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy mức độ tổn thất về tinh thần như tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và các tổn thất khác về tinh thần do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra cho chủ thể quyền mà Tòa án quyết định trong giới hạn từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.

 

Về thanh toán chi phí hợp lý thuê luật sư

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên xâm phạm quyền phải thanh toán chi phí hợp lý thuê luật sư. Chi phí hợp lý thuê luật sư là chi phí thực tế cần thiết phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc, kỹ năng, trình độ của luật sư và lượng thời gian cần thiết để nghiên cứu vụ việc. Mức chi phí bao gồm mức thù lao luật sư và chi phí đi lại, lưu trú cho luật sư. Mức thù lao do luật sư thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ và phương thức tính thù lao quy định tại Điều 55 của Luật Luật sư.

 

So sánh với các quy định của nước ngoài

Cách tính đền bù thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là khá tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới trên nguyên tắc là bồi hoàn lại cho chủ các đối tượng sở hữu trí tuệ tất cả các thiệt hại mà do hành vi xâm phạm quyền mà bên vi phạm gây ra mà không áp dụng các biện pháp có tính chất trừng phạt.

 

Điều 13 của Chỉ thị về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Liên minh Châu Âu quy định các cơ quan thẩm quyền của các nước thuộc EU phải tính mức bồi thường thiệt hại về vi phạm sở hữu trí tuệ như sau:

- Phải dựa trên các thiệt hại của chủ đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm giảm sút lợi nhuận, các lợi nhuận bất chính mà bên xâm phạm thu được và trong các trường hợp cụ thể còn có các thiệt hại về tinh thần mà chủ sở hữu trí tuệ phải chịu; hoặc

- Có thể tính bằng phương án khác, trong trường hợp phù hợp, đó là khoản tiền không thấp hơn tiền bản quyền hoặc tiền phí li xăng bên vi phạm đáng lẽ phải trả nếu được trao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan.

 

Khi áp dụng Chỉ thị trên, các nước trong EU đều thực thi các nguyên tắc chính về đền bù các thiệt hại vật chất, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt trong thực hành.

 

Các cơ quan thẩm quyền của Anh ít áp dụng nguyên tắc đền bù tổn thất về tinh thần mà sử dụng các khái niệm thiệt hại về uy tín hoặc thiệt hại do làm “lu mờ” hay làm giảm thiểu tính phân biệt (trong trường hợp một nhãn hiệu bị vi phạm).

Không như ở Anh, các cơ quan thực thi của Pháp lại thường áp dụng nguyên tắc đền bù thiệt hại do tổn thất tinh thần gây ra cho chủ đối tượng sở hữu trí tuệ.

Tại Đức, phương pháp tính đền bù thiệt hại thực tế thường ít được áp dụng mà Tòa án ưa dùng phương pháp chuyển lợi nhuận bất chính của bên bị trả cho bên nguyên.

Tất nhiên các nước trên cũng áp dụng nguyên tắc bên bị phải chịu tiền án phí và chi phí luật sư.

Theo quy định tại Điều 284 Luật Sáng chế Hoa Kỳ Tòa án có thẩm quyền tăng khoản bồi thường thiệt hại cho chủ đối tượng sở hữu trí tuệ lên đến gấp 3 lần thiệt hại thực tế. Nguyên đơn có thể lựa chọn một trong các căn cứ bồi thường thiệt hại sau đây:

 

- Dựa trên thiệt hại thực tế của chủ đối tượng sở hữu trí tuệ do hành vi xâm phạm quyền, hoặc khoản tiền hợp lý cho việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ cho bị đơn sử dụng; hoặc

- Dựa trên lợi nhuận mà bên vi phạm kiếm được từ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Ngoài các căn cứ nêu trên Tòa án có thể xem xét một số chi phí sau trong khi xác định tiền bồi thường thiệt hại:

- Chi phí luật sư hợp lý cho bên thắng kiện trong trường hợp hành vi xâm phạm là cố ý hoặc có chuẩn bị trước.

- Lãi suất khoản bồi thường thiệt hại tính từ khi vi phạm đến trước khi Tòa ra phán quyết.

 

Mức bồi thường thiệt hại do các thẩm phán quyết định. Tòa dựa vào các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để tính toán hoặc sử dụng các ý kiến chuyên môn để đưa ra mức bồi thường thiệt hại. Vì vậy, mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào phương pháp cũng như căn cứ mà Tòa áp dụng.

 

TVH

 

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

                                                                                                                                      

Thông tin chi tiết về các dịch vụ của Văn phòng, có trong website: www.pham.com.vn


Các bài viết khác