Logo

Trả lương cho người lao động trong mùa dịch

14/04/2020
Những người lạc quan nhất đang hy vọng dịch bệnh tại Việt Nam sẽ được kiểm soát trong quý 2/2020 và các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại "bình thường" từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020. Trong bối cảnh đó nhiều doanh nghiệp đang lúng túng về việc trả lương cho người lao động...  

Bạn đọc hỏi: 

Bà Nguyễn Hà Lan, chủ một khách sạn (KS) tại Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hỏi: Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, KS của tôi đã phải tạm ngừng kinh doanh vài tháng rồi. Hiện tôi vẫn đang trả lương cơ bản cho khoảng 50 nhân viên. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài thêm, tôi e rằng việc chi trả lương như vậy không thể đảm bảo. Vậy, tôi rất mong Chuyên mục tư vấn giúp cách giải quyết chế độ lương cho người lao động (NLĐ) trong giai đoạn này cho phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời cũng đảm bảo cho doanh nghiệp (DN) của tôi không phải chi trả quá nhiều trong tình trạng tạm thời đóng cửa KS như hiện nay.

Luật sư Đặng Văn Vương - Phó trưởng Phòng Tư vấn (Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng), trả lời:

Về vấn đề này, tùy tình trạng thực tế của KS, bà Lan có thể áp dụng một trong các hình thức sau:

(i) Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ). DN và NLĐ có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định tại khoản 5 Điều 32 Bộ luật Lao động. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì quyền lợi và nghĩa vụ của DN và NLĐ không phát sinh, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ trong thời gian tạm hoãn. Sau khi hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ, DN sẽ nhận NLĐ lại làm việc và NLĐ phải quay trở lại làm việc theo thời gian đã thỏa thuận; hoặc

(ii) Chấm dứt HĐLĐ vì lý do bất khả kháng. DN có thể thỏa thuận với NLĐ về việc chấm dứt HĐLĐ hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Theo quy định tại điểm này, DN có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà DN đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Theo Khoản 2, Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì dịch bệnh được xem là lý do bất khả kháng. Trong trường hợp này, bà Lan cũng cần lưu ý khi chấm dứt HĐLĐ thì DN phải chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo quy định pháp luật; hoặc

(iii) Sắp xếp lại lao động theo quy định tại Điều 44 BLLĐ. Với hình thức này, DN phải xây dựng phương án lao động và có sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở. Trường hợp có nhiều NLĐ bị thôi việc thì DN phải thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh; đồng thời, DN sẽ chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành NQ 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, DN có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6-2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại. Ngoài ra DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch thì NLĐ và DN được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0905102425.
Email: danang@pham.com.vn 

Nguồn: http://www.cadn.com.vn/news/75_223245_tra-luong-cho-nguoi-lao-dong-trong-mua-dich.aspx

 

Các bài viết khác