Logo

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn

27/08/2020
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ KH-CN đã chủ trì tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

Ngày 25/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT sửa đổi). Phiên họp nhằm xem xét, thông qua kế hoạch thực hiện Dự án Luật và thảo luận Đề cương dự án trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động và Đề cương đã được Quốc hội thông qua trong năm 2019 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Hồ sơ Luật SHTT sửa đổi do Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL và Bộ NN-PTNT  cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng. Theo đó, mỗi Bộ sẽ chịu trách nhiệm về các phần nội dung phù hợp với chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình,  cụ thể Bộ KH-CN chịu trách nhiệm về quyền sở hữu công nghiệp, Bộ VH-TT-DL chịu trách nhiệm về quyền tác giả và các quyền liên quan và Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm về quyền đối với giống cây trồng. Những nội dung chung hoặc có sự giao thoa của ba lĩnh vực nói trên, cụ thể các Quy định chung và phần Bảo vệ quyền SHTT sẽ do Bộ KH-CN chủ trì thực hiện với sự tham gia của các Bộ, ngành khác.

Dự kiến sẽ có 7 nhóm chính sách lớn và 44 điều trong tổng số 222 điều của Luật SHTT sẽ được sủa đổi, bổ sung. Bảy nhóm chính sách lớn gồm:

(i) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền;

(ii) khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước;

(iii) tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền;

(iv) đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng;

(v) tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT;

(vi) nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và

(vii) bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Đó là những nhóm chính sách lớn có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống SHTT, bắt đầu từ khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền đến khai thác và thực thi quyền SHTT.

Dự thảo Luật SHTT sủa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 năm 2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5 năm 2022.

Các bài viết khác