Logo

Nhìn lại quá trình đăng ký nhãn hiệu có chứa thành phần ST25 tại Hoa Kỳ

12/08/2021
Nội dung đề cập: Kết quả thẩm định các đơn đăng ký; Công bố đơn; Nộp đơn phản đối; Thư phản đối.

 

 

Dường như những xôn sao về thương hiệu gạo ST25 nổi tiếng của Việt Nam có thể “bị mất” vì một số công ty nước ngoài đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Hoa Kỳ đã yên ắng. Trong thực tế vụ việc cũng đang đi đến hồi kết. Hầu như tất cả các nhãn hiệu có chứa dấu hiệu ST25 của các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ sản phẩm gạo tại Hoa Kỳ đã bị USPTO từ chối.

Mặc dù quá trình xử lý một số đơn chưa hoàn tất, người nộp đơn có thể còn khiếu nại, nhưng với những lập luận và chứng cứ mà USPTO đã đưa ra để từ chối bảo hộ thì gần như các công ty nộp đơn khó được chấp nhận. USPTO đã tiếp cận và xử lý linh hoạt khiến vụ việc không trở nên phức tạp và kéo dài như dư luận tại Việt Nam lo ngại.

Bài viết này tổng kết những gì USPTO đã thực hiện, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ và cần lưu ý gì nếu gặp tình huống tương tự.

1. Các đơn đăng ký nhãn hiệu có thành phần “ST25”

USPTO đã nhận được các đơn sau cho các sản phẩm gạo (Nhóm 29):

  • Đơn số 90270383 “The World's Best Rice Gao Thom ST25 Dac san Soc Trang”, ngày nộp 22/10/2020; người nộp đơn: Ngon Fish Sauce, Inc. CORPORATION CALIFORNIA;
  • Đơn số 90151727 ““Vietnam's ST25 Rice, Dac San Soc Trang”, Foods, Inc. CORPORATION CALIFORNIA;
  • Đơn số 90085988 “No.1 Vietnam's ST25 Rice The World's Best Rice”, ngày nộp 31/07/2020; người nộp đơn: Transworld Foods, Inc. CORPORATION CALIFORNIA;
  • Đơn số 90009521 “ST25”, ngày nộp 18/06/2020, người nộp đơn: I&T ENTERPRISE, INC. CORPORATION CALIFORNIA;
  • Đơn số 90103840, “ST25”, ngày nộp 10/08/2020, người nộp đơn: TTM International Inc CORPORATION CALIFORNIA

2.   Xử  lý của USPTO

2.1 Yêu cầu loại bỏ yếu tô “ST25” (có thể cùng với một vài dấu hiệu khác) khỏi nhãn hiệu vì đó là tên gọi của một giống lúa, là tên chung, mô tả thực vật hoặc hạt giống, nên theo quy định không được bảo hộ là nhãn hiệu.

Ba đơn dưới đây đã nhận được Thông báo đó từ USPTO, cụ thể là:

  • Đơn số 90270383 “The World's Best Rice Gao Thom ST25 Dac san Soc Trang”;
  • Đơn số 90151727 ”;Vietnam's ST25 Rice, Dac San Soc Trang
  • Đơn số 90085988 “No.1 Vietnam's ST25 Rice The World's Best Rice”

Do không phản hồi trong thời hạn quy định là 06 tháng, hai Đơn số 90085988 và 90151727 đã bị USPTO ra Thông báo ngày 03/06/2021 coi như rút bỏ.

2.2  Từ chối

02 Đơn  dưới  đây bị USPTO  từ chối  theo các Thông báo ngày 07/06/2021 và  20/05/2021: 

  • Đơn số 90009521 “ST25”, nộp ngày 18/06/2020; và 
  • Đơn số 90103840 “ST25”, nộp ngày 10/08/2020. 

Lý do USPTO đưa ra để từ chối giống nhau, đó là: dấu hiệu [ST25] trong đơn đăng ký chỉ mô tả đặc điểm hàng hóa của Người nộp đơn theo quy định tại Điều 2(e) (1) Luật Nhãn hiệu.

Hơn nữa, các thẩm định viên của USPTO còn nêu rõ, vì dấu hiệu ST25 có tính mô tả, đương nhiên bị từ chối bảo hộ theo Đăng bạ nhãn hiệu chính, nhưng cũng không khuyến nghị người nộp đơn chuyển sang yêu cầu bảo hộ tại Đăng bạ nhãn hiệu phụ (Supplemental Register)[1].

Riêng đối với Đơn số 90009521: đơn này đã bị từ chối sau khi có phản đối nộp cho Phó Cao ủy phụ trách về chính sách thẩm định nhãn hiệu của USPTO sau khi nhãn hiệu được công bố vào ngày 04/05/2021 (chi tiết tại bài đăng ngày 20/07/2021: USPTO từ chối bảo hộ Nhãn hiệu “ST25”- đơn số 90009521 tại Hoa Kỳ).

2.3  Xu hướng xử lý thời gian tới

Trong 5 đơn đăng ký có chứa thành phần ST25 nói trên thì tất cả đã có thông báo kết quả thẩm định, trong đó 02 đơn đã bị hủy bỏ. Dấu hiệu ST25 tại cả 05 đơn đều bị coi là mô tả giống lúa (thậm chí chỉ rõ là giống lúa từ Việt Nam) nên không thể sử dụng làm nhãn hiệu; điều này cũng phù hợp với ý kiến của Lãnh đạo Cục SHTT Việt Nam cho rằng ST25 cũng không thể bảo hộ là nhãn hiệu tại Việt Nam.

Lưu ý, ngoài 05 nhãn hiệu trên, còn có đơn số 90829149 “THE WORLD'S BEST RICE SOC TRANG ST25”, được nộp ngày 14/07/2021, của Ivy N. Tran cho sản phẩm gạo thuộc Nhóm 30 chưa thực hiện thủ tục thẩm định. Tuy nhiên nhãn hiệu này cũng tương tự như các nhãn hiệu có chứa thành phần ST25 nói trên đã bị USPTO từ chối nên khả năng sẽ bị từ chối là chắc chắn.

3. Về các thủ tục USPTO đã thực hiện

3.1  Đánh giá nhãn hiệu trong quá trình thẩm định

USPTO tiếp cận nhãn hiệu có chứa thành phần ST25 bị nhận định mang tính mô tả theo hai cách sau:

(i) Với các nhãn hiệu mà ST25 chỉ là một bộ phận cấu thành như đã nêu tại phần 2.1 thì USPTO yêu cầu loại trừ bảo hộ (disclaimer), nếu chấp nhận thì thành phần ST25 vẫn tồn tại trên nhãn hiệu nhưng những người khác vẫn có thể sử dụng dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo mà không bị coi là xâm phạm quyền. Khi đó sẽ có 03 nhãn hiệu cùng chứa thành phần ST25 được đăng ký cho các chủ thể khác nhau, cụ thể theo các đơn sau:

  • Đơn số 90270383 “The World's Best Rice Gao Thom ST25 Dac san Soc Trang”;
  • Đơn số 90151727“Vietnam's ST25 Rice, Dac San Soc Trang”;
  • Đơn số 90085988 - “No.1 Vietnam's ST25 Rice The World's Best Rice”

(ii) Đối với các nhãn hiệu mà ST25 là thành phần duy nhất, USPTO từ   chối bảo hộ vì ST25 mang tính mô tả và cũng không tư vấn người nộp đơn chuyển sang đăng ký tại Đăng bạ nhãn hiệu phụ.

Lưu ý, Luật SHTT Việt Nam không có quy định như trên (tức là bảo hộ nhãn hiệu theo Đăng bạ phụ). Tuy vậy, cách xử lý, ở một khía cạnh nào đó, cũng tương đồng; đó là trong quá trình thẩm định, nếu xác định có một (hay một số) thành phần của một nhãn hiệu không đáp ứng yêu cầu bảo hộ thì các thành phần đó được xác định là “không được bảo hộ riêng” trong trường hợp nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể. Tuy nhiên khái niệm “không được bảo hộ riêng” chưa được thể hiện trong các quy định về bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.

3.2   Công bố và giải quyết đơn phản đối sau công bố

Tại USPTO đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ được công bố sau khi đã hoàn tất thủ tục thẩm định, khi đó thẩm định viên không còn quyền xử lý nhãn hiệu. Đơn phản đối đối với nhãn hiệu sau khi đã được công bố sẽ do Hội đồng Giải quyết khiếu nại và Xét xử (TAAB), trực thuộc USPTO, thụ lý tương tự một thủ tục dân sự xét xử tại Tòa án (xem bài “Bàn thêm về vụ “CR7 CRISTIANO RONALDO” vs “CR7” tại Hoa Kỳ (đăng ngày 10/07/2021). Người phản đối có thể xin gia hạn một số lần với thời hạn nhiều nhất là 180 ngày kể từ ngày công bố - khi đó người nộp đơn được gọi là người phản đối tiềm năng. Cụ thể, trường hợp đơn số 90009521 “ST25”, được công bố ngày 04/05/2021, thời hạn nộp đơn phản đối đã được TAAB gia hạn hai lần đến ngày 02/09/2021.

Tại Việt Nam đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố sau khi được chấp nhận đơn hợp lệ. Nếu có đơn phản đối thẩm định viên sẽ xử lý ý kiến phản đối trong quá trình thẩm định nhãn hiệu.

3.3 Về thủ tục giải quyết Thư phản đối

Ngoài thủ tục nộp đơn phản đối (Opposition) do TAAB giải quyết  còn có một thủ tục khác là nộp “Thư phản đối”(Letter of Protest) tới Phó Cao ủy phụ trách về chính sách thẩm định nhãn hiệu (“Phó Cao ủy”) nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu liên quan. Vị Phó cao ủy này sẽ xem xét Thư phản đối độc lập với hồ sơ đơn đăng ký và cũng sẽ không tham khảo ý kiến của thẩm định viên.Thư phản đối sẽ được chấp nhận một khi thông tin trong thư cung cấp thêm các căn cứ xác đáng, khi đó Phó Cao ủy sẽ chuyển thông tin trong thư phản đối cho thẩm định viên để tiếp tục thẩm định.

Để Phó Cao ủy có thể chấp nhận thư phản đối sau khi đơn đã được công bố thì chứng cứ trong thư phản đối phải rõ ràng và thuyết phục đến mức cho thấy việc công bố nhãn hiệu mà không xét đến các chứng cứ đó là sai lầm. Trong trường hợp thư phản đối được chấp nhận vào thời điểm sau khi đơn đăng ký nhãn hiệu đã được công bố và trước khi có quyết định cấp Đăng ký nhãn hiệu, Phó Cao ủy sẽ khôi phục quyền thẩm định đơn cho thẩm định viên và gia hạn thời gian nộp đơn phản đối. Nếu như đơn phản đối đã được nộp tới TAAB thì TAAB sẽ khôi phục thẩm quyền thẩm định cho thẩm định viên.

Với trường hợp Đơn số 90009521 “ST25”, do việc nộp đơn phản đối đã được gia hạn và Phó Cao ủy đã chấp nhận Thư phản đối vào lúc Đơn phản đối chưa được nộp nên việc khôi phục quyền thẩm định đơn cho thẩm định viên tiếp tục thẩm định đơn này theo chứng cứ nêu trong Thư phản đối vẫn thuộc về Phó Cao ủy(TMEP 1715.02, 1715.03)

Nhận xét:

Thủ  tục thư phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu tại USPTO và thủ tục phản đối tại Cục SHTT Việt Nam có  đặc điểm chung là cùng do thẩm định viên đã thẩm định đơn đăng ký đó thực hiện,  nhưng cũng một số khác biệt, đó là:

Thẩm định viên tại USPTO không có quyền đánh giá về mức độ phù hợp của thư phản đối. Điều đó thuộc thẩm quyền của Phó Cao ủy. Khi chuyển tài liệu gửi kèm cho thẩm định viên Phó Cao ủy sẽ nêu ý kiến của mình về tài liệu, chứng cứ nêu trong đơn. Như trường hợp Đơn số 90009521 “ST25” thì Văn bản (Letter of Protest - Memorandum) ghi rõ: “Căn cứ theo bằng chứng gửi kèm để xem xét nhãn hiệu sau khi đã công bố thì thấy rằng có chứng cứ rõ ràng để từ chối nhãn hiệu trên cơ sở: Nhãn hiệu là hoàn toàn mô tả và có khả năng là tên chung theo Điều 2 (e) (1) Luật Nhãn hiệu”.

Hồ sơ của Thư phản đối độc lập đối với hồ sơ của đơn đăng ký. Tại Việt Nam không có sự chia tách này.

Có thể thấy rằng, ở một chừng mực nào đó, thủ tục thư phản đối là sự bổ sung hiệu quả cho thủ tục giải quyết đơn phản đối do TAAB thực hiện vì ngắn gọn và đơn giản hơn, rất thuận lợi để xử lý những vụ việc chứng cứ đã rõ. Trong trường hợp Đơn số 90009521 “ST25” thì Thông báo từ chối bảo hộ được đưa ra ngày 07/06/2021, cũng là ngày nhận được văn bản (Memorandum) của Phó cao ủy.

Nguồn : Nhãn hiệu “ST25” 90009521  tra cứu tại Hệ thống Tìm kiếm Điện tử về Nhãn hiệu (Trademark Electronic Search System (TESS) của USPTO

 


[1] Đăng bạ nhãn hiệu phụ (Supplemental Register) là dạng đăng ký thứ hai tại Hoa Kỳ. Nhãn hiệu được ghi nhận tại Đăng bạ nhãn hiệu phụ là nhãn hiệu không được bảo hộ tại Đăng bạ nhãn hiệu chính (Principal Register) nhưng vẫn còn có khả năng phân biệt sản phẩm, nhưng không có đầy đủ hiệu lực và lợi  thế như nhãn hiệu tại Đăng bạ nhãn hiệu chính.Người nộp đơn không thể cùng một lúc nộp đơn đăng ký vào cả Đăng bạ nhãn hiệu phụ và Đăng bạ nhãn hiệu chính (801.02(b)  Act of 1946, Supplemental Register). Tại Hoa Kỳ nội dung này được thể hiện tai quy định số 1213- Disclaimer of Elements in Marks (TMEP).

Các bài viết khác