Logo

Nhập khẩu song song tại LB Nga: có gì khác với Việt Nam?

02/04/2022
Chính phủ Nga có quy định mới về nhập khẩu song song

1. Nghị định mới của Chính phủ Nga về nhập khẩu song song

Thủ tướng LB Nga, Mikhail Mishustin, đã ký Nghị định cho phép các nhà nhập khẩu độc lập nhập khẩu một số loại hàng hóa vào LB Nga mà không cần sự cho phép của chủ thể quyền SHTT.
Tại phiên họp của Ủy ban của Chính phủ về nâng cao sự ổn định của nền kinh tế trong điều kiện bị cấm vận ông nói:  “Mục đích của cơ chế này là nhằm thỏa mãn nhu cầu về hàng hóa có các đối tượng SHTT. Cho đến nay, các hàng hóa này không thể được bán trên lãnh thổ nước ta [LB Nga] nếu không có sự cho phép của chủ thể quyền”.


(ảnh: Cửa hàng thời trang Prada đóng cửa vì cấm vận).

Nhập khẩu song song, còn được gọi là nhập khẩu "xám", là một thuật ngữ để chỉ việc hàng hóa mang nhãn hiệu nhập khẩu vào quốc gia mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu tại nước đó (nghĩa là nhập khẩu  "song song" với việc nhập khẩu chính thức hàng hóa đó thông qua các đại lý được ủy quyền bởi chủ thể quyền). Cho đến gần đây, nhập khẩu song song bị cấm theo Điều 1487 Bộ luật Dân sự của Liên bang Nga, theo đó hàng hóa chỉ có thể được nhập khẩu trực tiếp bởi chủ sở hữu quyền hoặc với sự đồng ý của người đó. Theo luật pháp Nga, hàng nhập khẩu "xám" bị coi là hàng lậu, được ngụy trang dưới dạng hàng hóa nhập khẩu hợp pháp, người thực hiện  nhập khẩu song song phải bồi thường cho chủ thể quyền với số tiền lên tới 5 triệu rúp, đồng thời hàng hóa phải bị tiêu hủy.

Giờ đây, đã có thể nhập khẩu các sản phẩm đó vào Nga mà không cần xin phép chủ thể quyền, nhà sản xuất hoặc đại lý bán sản phẩm. Danh mục hàng hóa sẽ do Bộ Công Thương thiết lập  trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành khác. Tất cả các thủ tục hải quan và kiểm soát cần thiết sẽ được thực hiện đối với hàng hóa từ danh sách này, các hàng hóa này  cũng sẽ phải  đảm bảo dịch vụ hậu mãi.

Văn phòng báo chí của Cơ quan Chống độc quyền Liên bang  Nga (FAS) nói rằng lệnh cấm nhập khẩu song song dẫn đến “hạn chế cạnh tranh và độc quyền trên thị trường”, đồng thời cho phép các nhà nhập khẩu chính thức thao túng giá cả và chủng loại hàng hóa.

Cũng theo FAS, do việc hợp pháp hóa hoạt động nhập khẩu song song, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào Nga sẽ tăng lên, dẫn đến khả năng lấp đầy trường nội địa bằng nguồn hàng gốc và giảm giá cho các sản phẩm .Tuy nhiên đối với các sản phẩm được nhập khẩu song song vào lãnh thổ của Nga, tất cả các thủ tục hải quan và kiểm soát hiện hành sẽ được thực hiện, nhằm loại trừ việc nhập khẩu các sản phẩm giả mạo.

FAS  trong nhiều năm trong nhiều năm đã ủng hộ việc cho phép nhập khẩu song song. Cơ quan này đã đề xuất một dự luật như vậy vào năm 2014. Năm 2018, báo Vedomosti viết rằng FAS lại một lần nữa chuẩn bị các sửa đổi liên quan tại Bộ luật Dân sự.Vào tháng 3 năm 2021, Maxim Topilin, Chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế của Duma Quốc gia, nói rằng Nga sẽ lập một danh sách các hàng hóa có thể được nhập khẩu vào Nga mà không cần sự cho phép của chủ thể quyền SHTT. Theo ông Topilin, các nhà chức trách phải tìm cách nhập khẩu thay thế do việc một số quốc gia và công ty từ chối cung cấp hàng hóa cho Nga.

2. Nhập khẩu song song tại Việt Nam.

Nhập khẩu song song liên quan chặt chẽ đến vấn đề được gọi là trạng thái hết quyền SHTT. Hiệp định TRIP’S dành cho các nước quyền quyết định về vấn đề này, cụ thể Điều 6 của Hiệp định - Trạng thái đã khai thác hết, quy định:

Nhằm mục đích giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này, phù hợp với quy định của các Điều 3 và 4, không được sử dụng một quy định nào trong Hiệp định này để đề cập đến trạng thái đã khai thác hết của quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, các quốc gia thành viên WTO/TRIPS được quyền tự định đoạt vấn đề nhập khẩu song song. Pháp luật SHTT của Việt Nam cho phép thực hiện hành vi này; cụ thể, Điều 125 - Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của Luật SHTT  có khoản 2.b quy định:

2. Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp… không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:

b) Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài;

Tuy không nhắc đến khái niệm nhập khẩu song song nhưng nội dung quy định này cho thấy việc nhập khẩu các sản phẩm do chủ sở hữu quyền đưa ra nước ngoài là hợp pháp dù không được chủ thể quyền cấp phép. Theo đó, các văn bản dưới Luật như Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN đã quy định trực tiếp về nhập khẩu song song tại Điều 18, như sau:

1. Nhập khẩu song song theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 99/2013/NĐ-CP là việc tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm do chính chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài một cách hợp pháp, mặc dù không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi nhập khẩu song song không bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Việc nhập khẩu song song tại Việt Nam cũng phát sinh một số tranh chấp phức tạp mà nguyên nhân là phía chủ thể quyền yêu cầu các Cơ quan chức năng xử lý sản phẩm nhập khẩu vì cho đó là hàng giả, xâm phạm quyền nhãn hiệu. Điển hình là các vụ tranh chấp nhãn hiệu “KingMax” đã được xét xử tại bản án số  05/2009/HC-PT ngày 16/01/2009 về việc: “Khởi kiện quyết định hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH”, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh[1], hoặc vụ một doanh nghiệp nhập khẩu động cơ xe máy mang nhãn hiệu “HONDA” để lắp rắp xe máy mang nhãn hiệu “Diamond Blue”[2].

Nguồn :

(i) https://www.vedomosti.ru/economics/news/2022/03/30/915873-parallelnii-import-tovarov
(ii) https://www.dw.com/ru/v-rf-legalizovali-import-tovarov-bez-razreshenija-vladelcev-brendov/a-61307096;
(iii)https://www.forbes.ru/biznes/460823-misustin-razresil-import-v-rossiu-tovarov-bez-razresenia-pravoobladatelej

 

 

 


[1] Nộp đơn không trung thực và áp dụng luật trong vụ KINGMAX.; 
https://www.pham.com.vn/tin-tuc-su-kien/nop-don-khong-trung-thuc-va-ap-dung-luat-trong-vu-kingmax.html
[2] Xe lai' Diamond Blue bị yêu cầu thu hồi;; https://vnexpress.net/xe-lai-diamond-blue-bi-yeu-cau-thu-hoi-2180560.html

 

Các bài viết khác