Logo

Nhãn hiệu nổi tiếng – Quy định tại Luật SHTT sửa đổi 2022.

06/09/2022
Luật số 07/2022//QH15 ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (gọi tắt là Luật SHTT sửa đổi 2022) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Nhãn hiệu nổi tiếng (NHNT) là một đối tượng đặc biệt của nhãn hiệu. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và sẽ còn phải xử lý nhiều tranh chấp về nhãn hiệu  liên quan đến NHNT. Các quốc gia đều có quy định riêng để bảo hộ NHNT.

1. Quy định về bảo hộ NHNT hiện hành

Luật SHTT hiện hành ở Việt Nđề cập đến NHNT tại 04 mục sau:

- Điều 4.20. Giải thích từ ngữ

NHNT là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Điều 74.2.i. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt

i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang NHNT hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của NHNT hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của NHNT;

- Điều 75. Tiêu chí đánh giá NHNT

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một NHNT:

(gồm từ điểm 1, 2, 3...đến 8).

- Điều 129.1.d. Hành vi xâm phạm quyền đối với NHNT

Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ NHNT cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang NHNT, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu NHNT.

2. Quy định về NHNT tại Luật SHTT sửa đổi 2022

Những sửa đổi, bổ sung gồm:

(i) Điều 4.20: thay cụm từ “người tiêu dùng” bằng cụm từ “công chúng có liên quan”, cụ thể là:.

 “20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”;

Việc sửa đổi, bổ sung này là để thống nhất với khái niệm về NHNT quy định tại Điều 16.2 Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS).

(ii) Điều 74.2.i. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt

Thêm cụm từ “trước ngày nộp đơn đăng ký” vào sau cụm từ “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác. Cụ thể như sau:

i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là NHNT của người khác trước ngày nộp đơn đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang NHNT hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của NHNT hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của NHNT;”;

Việc bổ sung cụm từ “trước ngày nộp đơn đăng ký” được giải thích là để khẳng điều kiện sử dụng NHNT làm đối chứng khi thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, làm rõ thêm thực tế thẩm định SHCN nói chung và nhãn hiệu nói riêng là mọi điều kiện loại trừ trong việc thẩm định nhãn hiệu đều phải được xuất hiện trước thời điểm nộp đơn đăng ký.

(iii) Điều 75 -Tiêu chí đánh giá NHNT

Đoạn dẫn được sửa đổi, bổ sung thành :“Việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả các tiêu chí sau đây” thay vì trước đó là “Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một NHNT”.

Sự sửa đổi, bổ sung này được giải thích là tuân thủ Khuyến nghị của WIPO[1], có tính chất định hướng, không buộc một NHNT phải đáp ứng tất cả các tiêu chí [như đã đề cập trong Luật SHTT hiện hành].

3. Bình luận

3.1 Về các nội dung sửa đổi, bổ sung:

Nhìn chung, các sửa đổi, bổ sung nêu trên chỉ có tính tiểu tiết, không có gì đột phá và chắc chắn không gây tác động lớn đến việc thực thi bảo hộ NHNT.

Tuy nhiên, với việc bổ sung cụm từ “một số hoặc tất cả” vào đoạn dẫn của Điều 75.-Tiêu chí đánh giá NHNT  sẽ có thể dẫn đến những kết luận không khách quan khi  xem xét, đánh giá một nhãn hiệu có phải là nổi tiếng hay không. Khi đó, lựa chọn tiêu chí nào để áp dụng luôn là vấn đề gây tranh cãi, không loại trừ trường hợp cơ quan thẩm quyền thường có xu hướng chọn tiêu chí nào có lợi nhất cho việc bênh vực hoặc bác bỏ của họ.

3.2 Một số vấn đề cần làm rõ thêm

Nội dung về xâm phạm quyền đối với NHNT được quy định tại Điều 129.1.d của Luật SHTT hiện hànhnhư sau:

Điều 129.1.
“d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với NHNT hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ NHNT cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang NHNT, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu NHNT”.

Việc cần sửa đổi, bổ sung điều này để tương thích với quy định tại Hiệp định TRIPS là  rất cần thiết vì quy định nêu trên mới chỉ  đề cập đến việc đối tượng bị coi là xâm phạm “…có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu NHNT” mà chưa đề cập đến việc gây thiệt hại cho quyền lợi của chủ sở hữu NHNT như Điều 16.3 Hiệp định TRIPS mà Việt Nam là thành viên quy định như sau :

16(3): Điều 6bis của Công ước Paris cũng phải được áp dụng cho hàng hoá, dịch vụ khác với hàng hoá, dịch vụ của nhãn hiệu được đăng ký nếu vịêc sử dụng nhãn hiệu đó cho các hàng hoá và dịch vụ nêu trên tạo ra sự liên quan với hàng hóa, dịch vụ của chủ nhãn hiệu đã đăng ký và nếu như quyền lợi của chủ nhãn hiệu được đăng ký bị thiệt hại do sự sử dụng đó”.

- Mối liên hệ giữa bảo hộ NHNT và hành vi không trung thực (Điều 96 Luật SHTT hiện hành) nay được thay bằng hành vi với dụng ý xấu theo Luật SHTT sửa đổi 2022 không được làm rõ bằng các quy định. Thực tế  tại nhiều vụ việc tranh chấp về NHNT  tại Việt Nam cũng như nước ngoài thường có yếu tố về dụng ý xấu /không trung thực ví như vụ tranh chấp nhãn hiệu “NEYMAR”[2] đã biết hoặc các vụ nhãn hiệu như “KingMax”[3] và  “DeSyloia”[4] (nhãn hiệu này có thể được coi là sử dụng rộng rãi cho đến ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của phía tranh chấp),  Điều 74.2. c Luật SHTT cũng có nội dung quy định từ chối bảo hộ nhãn hiệu nếu  “việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của NHNT”, hành vi này cũng có thể coi tương đương với các nội dung về dụng ý xấu trong quy định tại Điều 96 nêu trên. Nếu điều này không làm rõ chủ sở hữu NHNT sẽ bị thiệt thòi khi đề nghị hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu tương tự khi không vận dụng được thời gian ân hạn “suốt thời hạn hiệu lực” đối với các nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu/không trung thực trong khi các lý do khác chỉ được đề nghị hủy bỏ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp VBBH.

Tất nhiên những nhận xét nêu trên chỉ áp dụng đối với các quy định về NHNT đã được thể hiện tại Luật SHTT, xét tổng thể những quy định này vẫn còn thiếu rất nhiều nội dung liên quan : Trình tự xét duyệt; tính minh bạch; phạm vi hiệu lực; phạm vi bảo hộ ... của NHNT./.

 

Các bài viết khác