Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022: Một số quy định được sửa đổi đối với nhãn hiệu

04/10/2022
Luật SHTT sửa đổi 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Bài viết đề cập tới một số sửa đổi liên quan tới quy định về nhãn hiệu ( trừ nhãn hiệu nổi tiếng đã được nêu tại bài Nhãn hiệu nổi tiếng – Quy định tại Luật SHTT sửa đổi 2022 đăng ngày 06/09/2022)[1].

Có thể những vấn đề nêu ở đây sẽ được giải thích hoặc làm rõ tại Nghị định của Chính phủ hoặc Thông tư của Bộ KH-CN (Thông tư 01) đang chờ được ban hành. Trong bối cảnh đó, xin coi bài viết như một đóng góp để giúp hiểu thêm, hoặc có những tranh luận cần thiết để làm rõ những vấn đề được nêu.

1. Đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu

Điều 20 của Luật SHTT sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 72. (Điều 72- Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ; Khoản 1 -Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện...),  như sau:

“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”.

Nhận xét:

 - So sánh với Luật SHTT hiện hành,  đã bổ sung dấu hiệu “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” thành đối tượng được bảo hộ là nhãn hiệu.

- Khác với các đối tượng nhãn hiệu khác được chỉ đề cập theo tên gọi, như “chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều…” dấu hiệu âm thanh được bảo hộ là nhãn hiệu được kèm thêm điều kiện “thể hiện được dưới dạng đồ họa”, để hiểu rằng âm thanh không thể hiện được dưới dạng đồ họa thì không được bảo hộ. Cách thể hiện như vậy   thiếu tương thích với các đối tượng có thể được sử dụng làm nhãn hiệu từ trước.

- Đồng thời cũng phải nêu rõ rằng các điều kiện thẩm định đối với các dấu hiệu hiện thời như “chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều ...” chưa chắc đã áp dụng được toàn bộ cho dấu hiệu âm thanh  (ví dụ một đoạn nhạc về vùng miền nào đó  có bị coi là mô tả xuất xứ, địa danh khi đăng ký là nhãn hiệu ?) hoặc dấu hiệu âm thanh cũng cần phải bổ sung thêm các quy định nào đó . Chỉ với các quy định hiện có thì  không rõ việc thẩm định sẽ được thực hiện như thế nào để  việc bảo hộ dấu hiệu này thành  hiện thực.

Ví dụ, ở Trung Quốc[2] dấu hiệu âm thanh, được bảo hộ là nhãn hiệu từ năm 2014, có quy định “nói chung, nhãn hiệu âm thanh cần phải được sử dụng lâu dài trên thị trường trước khi có thể có được khả năng  phân biệt và người nộp đơn được yêu cầu cung cấp bằng chứng cần thiết về việc sử dụng nhãn hiệu âm thanh và giải thích chi tiết về các trường hợp nhãn hiệu âm thanh đã đạt được sự khác biệt thông qua việc sử dụng”, đến năm 2021 đã có 928 nhãn hiệu âm thanh được chính thức nộp đơn tại Văn phòng Nhãn hiệu Trung Quốc. Các đơn đăng ký nhãn hiệu hợp lệ này bao gồm tất cả 40 loại hàng hóa và dịch vụ theo hệ thống Phân loại quốc tế Nice, ngoại trừ các nhóm 2, 6, 13, 19 và 22 và mới chỉ có 38 nhãn hiệu được chấp thuận đăng ký (18 trong số đó do người nước ngoài nộp đơn đăng ký). Tổng tỷ lệ đăng ký chấp thuận nhãn hiệu âm thanh và chấp nhận đơn đăng ký chỉ là 4%.

Do vậy, rất cần quy định chi tiết của Chính phủ hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ đối với đối tượng mới này, và như vậy điều kiện “thể hiện được dưới dạng đồ họa” có  thể không cần thiết thể hiện tại Luât SHTT mà thể hiện tại các văn bản hướng dẫn đó .

2. Điều kiện loại trừ đối với nhãn hiệu

Điều 22 của Luật SHTT sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 74  (Điều 74 Khả năng phân biệt của nhãn hiệu ;  Khoản 2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt ..........) như sau:

d) Sửa đổi, bổ sung điểm n và bổ sung điểm o, điểm p vào sau điểm n như sau:

   o) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng;

Nhận xét :

Phạm vi hàng hóa nêu trong quy định là quá hẹp (giống cây hoặc sản phẩm thu từ giống cây), không bao quát, vì từ sản phẩm của giống cây có thể tạo ra rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, do vậy quy định nêu trên không hoàn toàn bảo vệ người tiêu dùng khỏi sự nhầm lẫn.

Gần đây nhất (năm 2021) trong vụ tên giống lúa ST25 đã được bảo hộ tại Việt Nam nhưng lại bị một số chủ thể nộp các đơn đăng ký nhãn hiệu  tại Hoa Kỳ cho nhiều sản phẩm khác nhau, nếu chỉ ngăn chăn việc đăng ký nhãn hiệu này cho sản phẩm lúa giống hoặc gạo như quy định của nêu trên thì vẫn có thể tồn tại nhãn hiệu ST25 được bảo hộ cho miến, bún, phở. .. là các sản phẩm có sử dụng gạo, hoặc dịch vụ cung ứng gạo (nhưng không cung ứng gạo ST25)… và người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn.

Ví dụ : nhãn hiệu “ST25” đăng ký theo đơn số 90103840[3] ngày 10.8.2020 cho các sản phẩm gạo, bánh tráng, bún, phở … thuộc nhóm 29  đã bị Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ - USPTO từ chối ngày 20.5.2021  “...vì nhãn hiệu đăng ký chỉ mô tả một tính năng và đặc điểm của hàng hóa và / hoặc dịch vụ của người nộp đơn...” do trùng với tên gọi của giống lúa ST25 đã được bảo hộ tại Việt Nam từ trước. Đồng thời, do dấu hiệu này hoàn toàn mô tả nên USPTO cũng không thể hướng dẫn người nộp đơn chuyển sang  đăng ký nhãn hiệu dưới dạng bổ sung (Supplemental Register )

p) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.”.

Nhận xét:

Quy định này đã tạo ra một đối tượng đặc biệt về mặt giới hạn phạm vi bảo hộ đối với nhãn hiệu là “tên gọi nhân vật”, bởi vì thông thường việc các nhãn hiệu  tương tự, hoặc trùng với một nhãn hiệu vẫn có thể xảy ra nếu phạm vi bảo hộ của các nhãn hiệu đó khác nhau (kể cả nhãn hiệu nổi tiếng) do phạm vi này còn bị giới hạn bởi sản phẩm và dịch vụ mà nhãn hiệu đó áp dụng, có nghĩa là các nhãn hiệu có thể tương tự hoặc trùng nhau mà vẫn được bảo hộ cho các chủ thể khác nhau nếu áp dụng cho các sản phẩm dịch vụ khác nhau,  trong khi đó “tên gọi nhân vật” lại không thể áp dụng giới hạn này.

Quy định có nhiều điểm không rõ ràng có thể gây khó khăn cho Cơ quan thẩm định nhãn hiệu, đó là :

- Thế nào là “tên gọi”, họ tên đầy đủ hay chỉ một phẩn, “tên gọi“ nhân vật, trong các tác phẩm văn học được bảo hộ vẫn có thể có tên gọi trùng nhau, giống như sự trùng nhau trong tên gọi hàng ngày của người Việt và các dân tộc khác trên thế giới, do vậy nếu nhãn hiệu chỉ trùng tên gọi của nhân vật trong tác phẩm thì  khó mà có thể xác định là nhãn hiệu đã gây nhầm lẫn, trừ những tên gọi độc đáo.

Việc gây nhầm lẫn này nhiều khi còn phụ thuộc vào hoàn cảnh xuất hiện của các tên gọi&nhãn hiệu có liên quan. Ngay tên gọi của những cá nhân nổi tiếng hiện thời cũng chưa chắc đã đủ để chống lại việc người khác sử dụng nhãn hiệu  trùng tên để đăng ký nhãn hiệu nếu người đăng ký có các lập luận cần thiết , ví dụ :

USPTO đã cấp đăng ký nhãn hiệu số 3637974[4] bảo hộ nhãn hiệu “CR7” cho các sản phẩm thuộc nhóm 25 cho ông Renzi, Christopher vào ngày 16.6.2009 và bác bỏ phản đối của danh thủ CRISTIANO RONALDO (CR7) vì ông Renzi, Christopher đã đưa ra những lập luận hợp lý biện hộ cho việc đăng ký nhãn hiệu của mình (xuất phát từ tên, ngày sinh…)

- Việc xác định một  tác phẩm được biết đến rộng rãi cũng rất mơ hồ, chưa chắc đã thuộc trách nhiệm và khả năng của Cơ quan xác lập quyền về nhãn hiệu, ngoài ra ngay cả đối với một tác phẩm được biết đến rộng rãi thì cũng có thể có rất nhiều nhân vật và không phải nhân vật nào cũng được biết đến rộng rãi như tác phẩm.

- Đồng thời với một tên gọi giống nhau nhưng nếu các nhân vật, nhãn hiệu trùng tên gọi  có cách thể hiện khác nhau, tạo ra những ấn tượng khác nhau  thì cũng khó gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng (Trường hợp nhãn hiệu X-Men đang được bảo hộ tại Việt Nam cho mỹ phẩm dành cho nam giới và tên gọi X-Men trong các tác phẩm Công ty Marvel).

Tóm lại, việc bảo vệ quyền tác giả là cần thiết nhưng quy định nêu trên còn có bất cập. Nếu người chủ tác phẩm thấy việc sử dụng tên nhân vật trong tác phẩm của mình làm nhãn hiệu là sai trái, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của họ có thể thực hiện các biện pháp cần thiết thì có thể cung cấp các chứng cứ cần thiết và đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý nhãn hiệu có liên quan theo quy định tại Điều 7. 2 .Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, như sau :

2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Điều kiện chấm dứt hiệu lực GCNĐKNH

Điều 30 của Luật SHTT sủa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 95 và Điều 96 như sau:

“Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

Nhận xét:

Mục “h”  không làm rõ các nội dung sau :

- Nội hàm  “làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó” là thế nào? nội dung này gây nhầm tưởng rằng chức năng của nhãn hiệu có liên quan đến việc thể hiện đúng “bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ”, trong khi đó khái niệm của nhãn hiệu đã được quy định tại Điều 4.16 Luật SHTT là:Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, và khi nhãn hiệu vẫn đáp ứng tiêu chí này thì vẫn được coi là hoàn thành chức năng của nhãn hiệu .

- Cụm từ “sử dụng” cũng chưa được quy định chi tiết để làm rõ hoàn cảnh “làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch”, bởi vì nếu chủ sở hữu sử dụng nhãn hiệu đúng như quy định của  Điều 124.5 của Luật SHTT như:

a) Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;

c) Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

thì rất khó quy kết trách nhiệm cho chủ nhãn hiệu.

i) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;

Nhận xét :

- Khác với mục “h”,  mục  “i”  không nêu rõ  chủ thể (chủ nhãn hiệu, hoặc chủ thể khác)   làm cho nhãn hiệu “trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó”, nếu hậu quả đó không phải là do từ các hành vi của chủ nhãn hiệu mà hành vi tự phát của người tiêu dùng, hoặc hành vi xâm phạm quyền mà Cơ quan có thẩm quyền chưa ngăn chặn được, hoặc hành vi của một chủ thể nào đó ngoài phạm vi trách nhiệm của chủi nhãn hiệu,   được thì liệu có nên quy kết,  áp dụng chế tài gây chấm dứt văn bằng bảo hộ thiệt hại cho chủ nhãn hiệu. Thực tế đã có trường hợp một nhãn hiệu được đưa vào từ điển để chỉ một loại hàng hóa trái với ý chí của chủ nhãn hiệu và Cơ quan quản lý căn cứ vào nôi dung của từ điển để từ chối bảo hộ nhãn hiệu, mặc dù nhãn hiệu này đã được bảo hộ tại rất nhiều nước trên thế giới.

- Đồng thời mục mục này cũng không nêu rõ đối tượng chịu ảnh hưởng để có thể coi “nhãn hiệu đã trở thành tên gọi thông thường”, đó là người tiêu dùng bình thường, người hoạt động trong lĩnh vực có liên quan, chuyên gia /.

 

Các bài viết khác