Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022: Bổ sung quy định về chấm dứt bảo hộ nhãn hiệu

20/03/2023
Bài viết đề cập tới các bổ sung liên quan tới thủ tục chấm dứt hiệu lực VBBH nhãn hiệu quy định trong Luật SHTT sửa đổi 2022[1].

1. Quy định tại Luật SHTT 2005

Có thể nói chấm dứt hiệu lực bảo hộ đối với một nhãn hiệu là một thủ tục khá phổ biến trong hoạt động bảo hộ nhãn hiệu. Ở đó, người đề nghị không tranh cãi về điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu cũng như quyền nộp đơn của chủ sở hữu nhãn hiệu mà nêu ra lý do khách quan khiến nhãn hiệu không thể được tiếp tục bảo hộ. Có một số lý do theo luật định, nhưng phổ biến nhất là nhãn hiệu không được sử dụng, dựa trên quy định sau:

Điều 95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

…..

d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

2. Quy định tại Luật SHTT sửa đổi 2022

Điều 1.30 của Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm các điểm dưới đây vào Điều 95 của Luật SHTT 2005, theo đó VBBH nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt trong các  trường hợp:

h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

i) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;

Việc bổ sung nêu trên nhằm tuân thủ Điều 12.22 của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)*[2], theo đó, ngoài quy định về chấm dứt hiệu lực VBBH do nhãn  hiệu không sử dụng trong thời hạn 5 năm, còn có các nội dung khác về chấm dứt hiệu lực bảo hộ chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Cụ thể như sau:

.....

2. Một Bên có thể quy định rằng nhãn hiệu có thể bị đình chỉ nếu, sau ngày đăng ký, do hậu quả của các hành động hoặc không hành động của chủ sở hữu, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của sản phẩm hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu đó đã đăng ký.

3. Bất kỳ việc sử dụng nào đối với nhãn hiệu đã đăng ký của chủ sở hữu hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu đó đã đăng ký có thể gây nhầm lẫn cho công chúng, đặc biệt là về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ thì nhãn hiệu đó sẽ có khả năng bị đình chỉ hiệu lực hoặc bị cấm bởi pháp luật quốc gia liên quan.

3. Nhận xét

3.1 Việc bổ sung quy định mới về chấm dứt hiệu lực nêu trên ngoài việc tuân thủ các quy định của EVFTA thì cũng phù hợp xu thế chung về sửa đổi quy định Luật Nhãn hiệu tại các nước. Dự thảo sửa đổi luật nhãn hiệu Trung Quốc công bố năm 1923[3] cũng đưa ra quy định: nếu việc sử dụng sẽ gây hiểu lầm cho công chúng về các đặc tính của sản phẩm như chất lượng hoặc nơi xuất xứ hoặc sẽ gây tổn hại đến lợi ích công cộng hoặc bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực đáng kể nào, thì CNIPA có thể đưa ra quyết định mặc nhiên đình chỉ nhãn hiệu đã đăng ký.

Tuy nhiên, có một số khác biệt dễ dàng nhận ra giữa các quy định tương ứng trong Hiệp định EVFTA và Luật SHTT sửa đổi 2022, cụ thể:

- Cụm từ “nhầm lẫn…. về bản chất chất lượng…) trong quy định của tại điểm 3 của Điều 12.22 của EVFTA được thay thế bằng cụm từ  “hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng..” tại điểm h của Điều 95.1 Luật SHTT;

- Vai trò của chủ sở hữu nhãn hiệu - “hành động hoặc không hành động của chủ sở hữu” trong quy định tại điểm 2 của Điều 12.22 của EVFTA hoàn toàn không được thể hiện tại điểm i của Điều 95.1 Luật SHTT;

3.2  Sự khác biệt nêu trên cho thấy sự thiếu chặt chẽ về nội dung của điểm “i” và  điểm “h” được bổ sung vào điều 95.1 Luật SHTT, cụ thể như sau:

- Điểm “h”:

Cần làm rõ “làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó”  là như thế nào? Liệu có khác nhau về nội hàm, mức độ, trường hợp sử dụng giữa “có thể gây nhầm lẫn” và “làm hiểu sai lệch” về bản chất, chất lượng của sản phẩm/dịch vụ...?! 

- Điểm “i” 

Nôi dung của điểm này không rõ chủ thể và cách thức làm cho nhãn hiệu “trở thành tên gọi thông thường, nếu cách thức này không phải là chủ nhãn hiệu thực hiên mà là hành vi tự phát của người tiêu dùng, hoặc hành vi xâm phạm quyền mà Cơ quan có thẩm quyền chưa trấn áp được nên vẫn tiếp diễn thì liệu có nên áp dụng chế tài gây thiệt hại cho chủ nhãn hiệu ? Đồng thời nội dung tại Điểm này  “Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ cũng khác với nôi dung về  đối tượng không được bảo hộ là nhãn hiệu do là tên gọi của hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm b của Điều 74.2, như sau:

b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;

Việt Nam chưa có thực tiễn về việc chấm dứt nhãn hiệu do là tên gọi thông thường của hàng hóa nhưng đã có tình trạng pháp lý về mối quan hệ giữa nhãn hiệu và tên sản phẩm thì đã xuất hiện yêu cầu, ví dụ:

(i) Nhãn hiệu “Magi” của Tập đoàn Nestlé[4]:

Từ điển tiếng Việt”, Viện Ngôn ngữ học năm 2010 định nghĩa : magi là nước chấm màu nâu đen, thường làm từ những nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm.

Với định nghĩ nêu trên “magi” bị coi là tên sản phẩm, điều đó đã dẫn đến sự sử dụng trần lan của nhiều chủ thể khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù từ năm 2000 Nestlé đã gửi một số văn bản đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại định nghĩa nêu trên với lý do magi là cách viết khác của maggi - một nhãn hiệu hàng hóa độc quyền của Nestlé (đặt theo tên của Julius Michael Johannes Maggi - người Thụy Sĩ -  nhà sáng lập Tập đoàn) - đã xuất hiện trên thị trường thế giới và ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, từ năm 1935, nhưng ban đầu Cơ quan soạn thảo vẫn không chấp nhận - “magi là một từ bình thường trong vốn từ tiếng Việt”.

Với sự nỗ lực của chủ nhãn hiệu , được sự ủng hộ các Cơ quan có liên quan và theo thời gian định nghĩa về magi  đã được điều chỉnh (năm 2014), như sau :Là nhãn hiệu đã đăng ký trên toàn cầu và ở Việt Nam của Nestlé, sử dụng cho nhiều loại sản phẩm gia vị dùng để nấu ăn, trong đó có nước chấm màu nâu đen.

(ii) Nhãn hiệu Vaseline của UNLEVER

Xuất phát điểm của nhãn hiệu này đúng là tên sản phẩm, được cấp bằng sáng chế US 127.568 năm 1872, trong đó nhà sáng chế có ghi :"Tôi, Robert Chesebrough, đã phát minh ra một loại sản phẩm mới và hữu ích làm từ sáp có tên Vaseline…”.

Nhưng sau này Vaseline được đăng ký như một nhãn hiệu và được bảo hộ tại một số nước; tại Việt Nam các đăng ký nhãn hiệu đã từng bị từ chối vì mô tả sản phẩm. Như vậy lịch sử của “Vaseline” lại là sự pha trộn giữa nhãn hiệu và tên sản phẩm theo từng quốc gia.

Các ví dụ nêu trên cho thấy giữa nhãn hiệu và tên sản phẩn sự xác định «Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đólà một vấn đề phức tạp nhiều chiều, và là cả một quá trình, trong đó không thể bỏ qua vai trò của chủ sở hữu nhãn hiệu.

4.  Kết luận

Tóm lại các quy định mới về chấm dứt hiệu lực bảo hộ  nhãn hiệu tại Luật SHTT sủa đổi 2022 có lẽ sẽ rất phức tạp đòi hỏi phải hướng dẫn chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng, ví dụ như các nội dung sau:

- Sự khác biệt như đã nêu trên giữa quy định của Luật SHTT sủa đổi 2022 và quy định của Hiệp định EVFTA cũng như quy định tại Điểm b, Điều 74.2 Luật SHTT.

- Sự phối hợp với các Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác định nhãn hiệu được bảo hộ  đã trở thành “tên gọi thông thường của hàng hóa” hoặc làm cho người tiêu dùng “hiểu sai lệch về chất lượng …”;

- Cách sử dụng như thế nào của chủ nhãn hiệu, người được chủ nhãn hiệu cho phép thì bị coi là làm cho “người tiêu dùng hiểu sai lệch về xuất xứ, chất lượng…), cách sử dụng đó có thuộc phạm vi quyền của chủ sở hữu được quy định tại Luật SHTT.

- Mức độ  phổ biến như thế nào thì nhãn hiệu bị coi là trở thành tên thông thường hoặc làm cho người tiêu dùng hiểu sai lạc…

Tuy nhiên, rất tiếc là Luật SHTT sửa đổi 2022 không quy định Chính phủ hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ phải hướng dẫn chi tiết việc thực hiện những nội dung nêu trên./.

Nguồn:

 

[1] Luật số 07/2022//QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (“Luật SHTT sửa đổi 2022”), được thông qua ngày 16/6/2022,  hiệu lực từ ngày 01/01/2023; 
[2]  Chương XII – Sở hữu trí tuệ  https://trungtamwto.vn/file/19733/chuong-12-evfta.pdf
[3] Trung Quốc chuẩn bị sửa đổi luật Nhãn hiệu - https://pham.com.vn/tin-tuc-su-kien/trung-quoc-chuan-bi-sua-doi-luat-nhan-hieu.html
[4] Nhãn hiệu độc quyền Nestlé có trong Từ điển Tiềng Việt - https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-hieu-doc-quyen-cua-nestle-co-trong-tu-dien-tieng-viet-3998.html

 

Các bài viết khác