Logo

EUIPO: Are cats and tigers alike?

07/10/2022

Mèo và  Hổ có giống nhau không? Tòa án Chung EU cho rằng có khả năng xảy ra nhầm lẫn giữa ‘Tigercat’ và ‘Cat’

Trong một phán quyết (Vụ án T-251/21 Tigercat Inc vs. EUIPO) được đưa ra vào đầu mùa hè này, Tòa án chung [Châu Âu] cho rằng thực sự có khả năng nhầm lẫn, theo Điều 8 (1) (b) của Quy định 2017/1001 (EUTMR), giữa nhãn hiệu từ “Tigercat' và nhãn hiệu hình với thành phần từ “CAT” có trước, là nhãn hiệu Cộng đồng Châu Âu (EUTM),  của công ty Caterpillar như dưới đây:

Có lý do rằng, xét về khía cạnh nhận dạng hàng hóa, không thể loại trừ việc người tiêu dùng, mặc dù có sự chú ý cao, có thể cho rằng nhãn hiệu được đăng ký là một biến thể của nhãn hiệu có trước hoặc hàng hóa đó là một dòng sản phẩm do Caterpillar tiếp thị.

Bối cảnh

Vào năm 2013, Tigercat International Inc (người nộp đơn), đã nộp đơn xin đăng ký từ ‘Tigercat’ như một nhãn hiệu cộng đồng Châu Âu (EUTM) cho hàng hóa ở Nhóm 7 ('Thiết bị lâm nghiệp chuyên dụng chạy bằng năng lượng, cụ thể là máy bó gỗ chuyên dụng...và các thiết bị ngành lâm nghiệp khác, cụ thể là máy cưa bó, kéo cắt chùm ....).

Vào tháng 12 năm 2013, Caterpillar Inc. (bên phản đối) đã đệ đơn phản đối đơn đăng ký theo Điều 8 (1) (b) và 8 (5) EUTMR liên quan đến các nhãn hiệu EUTM có trước của họ, cũng ảo hộ cho các hàng hóa thuộc Nhóm 7 và 12 (ngoài các hàng hóa khác, có máy lâm nghiệp).

Vào năm 2019, Ban Xử lý Phản đối của EUIPO đã ủng hộ toàn bộ ý kiến phản đối và người nộp đơn đã kháng cáo quyết định lên Ban Kháng nghị thứ hai của EUIPO (“Hội đồng”). Vào năm 2020, Hội đồng đã bác bỏ toàn bộ đơn kháng cáo và nhận thấy rằng có khả năng xảy ra nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu, theo Điều 8 (1) (b).

Người nộp đơn sau đó đã kháng cáo lên Tòa án chung.

Quyết định của Tòa án chung

Về Công chúng có liên quan

Trước nhất, Tòa án chung tán thành kết luận của Hội đồng rằng lãnh thổ liên quan của vụ án là Liên minh Châu Âu, nhưng cũng vì lý do của các thể thức kinh tế, trọng tâm là  Ireland và  Malta. Ngoài ra, hàng hóa mang nhãn hiệu cũng được coi là hướng đến người tiêu dùng có mức độ chú ý cao và là các doanh nghiệp chuyên ngành kỹ thuật.

So sánh các dấu hiệu

Các yếu tố có tính phân biệt và nổi trội

Sau khi xét thấy hàng hóa giống hệt nhau, Tòa án chung chuyển sang đánh giá các yếu tố khác biệt và mang tính chủ đạo của nhãn hiệu. Đối với nhãn hiệu xin đăng ký, các yếu tố "tiger" (hổ) và "cat" (mèo) có thể dễ dàng nhận dạng, vì hai từ đó có ý nghĩa rõ ràng đối với công chúng nói tiếng Anh. Theo đó, trái ngược với những gì người nộp đơn đã đệ trình, trước tiên, công chúng có liên quan có khả năng chia tách nhãn hiệu xin  đăng ký thành "tiger" và "cat". Thứ hai, việc chữ cái ‘c’ trong ký hiệu ‘Tigercat’ không được viết hoa đã không ngăn cản công chúng có liên quan có thể xác định các yếu tố ‘tiger’ và ‘cat’, mỗi yếu tố có một ý nghĩa cụ thể. Hơn nữa, theo Tòa án chung, yếu tố 'cat' có đặc điểm khác biệt đối với hàng hóa liên quan vì nó đề cập đến động vật - mèo - trong khi hàng hóa được chỉ định là thiết bị lâm nghiệp.

Yếu tố 'tiger' không mang tính chủ đạo ở nhãn hiệu đó vì nó không có diện mạo đồ họa hay phong cách nghệ thuật đặc biệt. Hơn nữa, thực tế đơn thuần là yếu tố 'tiger' được đặt ở đầu nhãn hiệu xin đăng ký là không đủ để cho nó thể hiện là một đặc điểm nổi trội.

Không có gì để chỉ ra rằng người tiêu dùng bình thường của công chúng có liên quan sẽ coi trọng yếu tố “tiger” (con hổ) hơn ở đầu nhãn hiệu xin đăng ký. Khía cạnh đó đã bị cân bằng bởi thực tế là nhãn hiệu xin đăng ký chỉ bao gồm hai từ tương đối ngắn, mặc dù được đặt liền nhau, nhưng có ý nghĩa rõ ràng đối với công chúng có liên quan. Do đó, trái ngược với những gì người nộp đơn đã đệ trình, yếu tố ‘cat’, có ý nghĩa cụ thể khác với yếu tố ‘tiger’, không chỉ mang ý nghĩa ca ngợi nhằm làm nổi bật yếu tố ‘tiger’.

Do đó, Tòa án chung cho rằng Hội đồng đã đúng khi không xác định một yếu tố chủ đạo nào đó trong nhãn hiệu xin đăng ký.

Liên quan đến nhãn hiệu có trước và trái với nội dung của người nộp đơn, thực tế là nó đã có một thiết kế đồ họa độc đáo; Hội đồng cũng nhận thấy yếu tố từ 'cat' sẽ có tác động mạnh hơn đến người tiêu dùng so với các yếu tố hình của nhãn hiệu. Hơn nữa, các yếu tố hình của nhãn hiệu có trước về cơ bản là để trang trí và chỉ có tác động hạn chế đến nhận thức trực quan của công chúng có liên quan về nhãn hiệu đó.

Giống nhau về thị giác (khi nhìn)

Theo Tòa án chung, Hội đồng đã đúng khi nhận thấy rằng các nhãn hiệu giống nhau khi nhìn, ít nhất là ở mức độ trung bình và không có lập luận nào khác của người nộp đơn để có khả năng nghi vấn về điều này.

Giống nhau về ngữ âm

Về so sánh ngữ âm, Tòa án chung cho rằng các nhãn hiệu khác nhau ở chỗ nhãn hiệu xin đăng ký bao gồm, như một yếu tố được đặt ở đầu nhãn hiệu đó, hai âm tiết 'ti' và 'ger', trong khi nhãn hiệu có trước chỉ có một yếu tố bình thường [là] “cat'. Tuy nhiên, thực tế là, yếu tố bình thường đó có thể được đọc lên khi hàng hóa được đề cập được mua; điều đó chứng minh phát hiện của Hội đồng rằng các nhãn hiệu giống nhau về mặt ngữ âm ít nhất là ở mức trung bình.

Giống nhau về khái niệm

Vì nhãn hiệu xin đăng ký cũng đề cập đến khái niệm 'cat', Hội đồng cũng coi là đúng khi kết luận rằng các nhãn hiệu rất giống nhau về mặt khái niệm.

Đánh giá tổng thể về khả năng nhầm lẫn

Xét về đặc điểm nhận dạng hàng hóa, các nhãn hiệu giống nhau về thị giác và ngữ âm ở mức trung bình; giống nhau về khái niệm ở mức độ cao và tính phân biệt được nâng cao của nhãn hiệu có trước, Tòa án Chung cho rằng Hội đồng đã kết luận chính xác rằng rất có thể xảy ra nhầm lẫn, mặc dù mức độ chú ý của công chúng có liên quan là cao.

Kết luận

Phán quyết này một lần nữa khẳng định nguyên tắc đã có từ lâu, theo đó rủi ro về sự nhầm lẫn sẽ dẫn đến sự rủi ro rằng công chúng có thể tin rằng hàng hóa hoặc dịch vụ được đề cập đến từ cùng một doanh nghiệp (hoặc các doang nghiệp liên kết về mặt kinh tế). Trong trường hợp này, cho dù có yếu tố hình trong nhãn hiệu có trước, nhưng Tòa án không bị cản trở trong việc phát hiện ra khả năng nhầm lẫn, vì yếu tố từ "cat" được coi là có tác động mạnh hơn đến người tiêu dùng so với yếu tố  hình của nhãn hiệu đó./.

Nguồn: https://ipkitten.blogspot.com/2022/09/are-cats-and-tigers-alike-eu-general.html

 

Các bài viết khác