Logo

EU: Nhãn hiệu VESPA 3D vẫn được đăng ký dù bị công kích

17/02/2024
Tòa án chung Châu Âu đã bác bỏ quyết định của Ban phúc thẩm EUIPO liên quan đến nhãn hiệu 3D hình tượng xe máy VESPA.

Tòa án chung Châu Âu (The General Court -GC) đã bác bỏ (T-219/18) quyết định của Ban phúc thẩm Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) liên quan đến nhãn hiệu 3D của hình tượng xe máy VESPA.

Piaggio đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu 3D vào năm 2013 cho “xe tay ga” và “xe tay ga thu nhỏ”. EUIPO đã đăng ký nhãn hiệu này vào năm 2014 sau khi Piaggio đã thành công trong việc chứng minh nó đã có được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng rộng rãi.

Sau khi đăng ký, công ty Trung Quốc Zhejiang Zhongneng Industry Group  đã đệ đơn tới EUIPO yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu với lý do nhãn hiệu không có tính khác biệt. Mặc dù EUIPO ban đầu bác bỏ việc kiện tụng này nhưng nó đã bị lật ngược khi kháng cáo, với phán quyết của Hội đồng phúc thẩm rằng nhãn hiệu không có khả năng phân biệt vốn có và không có bất kỳ đặc tính phân biệt nào thông qua việc sử dụng nó.

Piaggio đã kháng cáo lên GC và GC đã đưa ra phán quyết có lợi cho công ty Ý vào ngày 29/11/2023. GC đã làm rõ rằng Hội đồng phúc thẩm đã sai lầm trong quyết định của mình khi bỏ qua một số khía cạnh của bằng chứng đủ để chứng minh rằng nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt thông qua sử dụng trên toàn EU.

GC cũng đề cập đến một khía cạnh quan trọng là câu  hỏi liệu một nhãn hiệu 3D thể hiện hình dạng của sản phẩm có thể được coi là dấu hiệu hợp lệ cho đúng những sản phẩm yêu cầu hình dạng đó hay không và do đó, liệu có sự trùng lặp hoàn hảo giữa nhãn hiệu và hình dạng của sản phẩm mà nó xác định.

Piaggio đã đưa ra một số yếu tố để chứng minh rằng nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng. Đặc biệt, hãng đã trích dẫn một đoạn trích từ trang web của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, Mỹ, cho thấy chiếc xe tay ga VESPA GS150 và các bài viết từ các tờ báo điện tử của Ý cho rằng Vespa nằm trong số 12 đối tượng có ảnh hưởng đáng kể đến thiết kế kiểu dáng toàn cầu.

Ngược lại với kết luận của Hội đồng phúc thẩm, GC khẳng định rằng Quy định về nhãn hiệu thương mại của EU không yêu cầu cung cấp bằng chứng riêng biệt để chứng minh việc đạt được đặc tính phân biệt qua sử dụng ở từng quốc gia thành viên riêng lẻ và sẽ là “quá mức” nếu yêu cầu phải có bằng chứng như vậy cho riêng từng quốc gia thành viên.

Quyết định của GC khẳng định rằng bằng chứng được cung cấp là đủ để xác lập đặc tính phân biệt của nhãn hiệu trên toàn EU.

Cái nhìn sâu hơn của tác giả bài viết[1]

GC, theo quan điểm của tác giả, đã không chú ý đầy đủ đến thực tế rằng, nếu một kiểu dáng công nghiệp hoặc quyền tác giả được bảo vệ dưới dạng nhãn hiệu thì các quyền có được từ việc đăng ký nhãn hiệu sẽ dài hơn nhiều hoặc thậm chí có thể là vô thời hạn. Tòa án cần xem xét vấn đề này sâu hơn, phản ánh tính hữu dụng và bản chất thiết yếu của nó, từ đó tách biệt nhãn hiệu và sản phẩm, như Tòa án Bologna đã đề cập trong phán quyết (số 2323) ngày 17/3/2009, vô hiệu hóa Nhãn hiệu của EU Số 000324657./.
 

Nguồn: INTA Bulletin, February 14, 2024, EUROPEAN UNION: VESPA 3D Trademark Remains Registered Despite Attack
 https://www.inta.org/perspectives/law-practice/european-union-vespa-3d-trademark-remains-registered-despite-attack/

 


[1] Luigi Goglia LGV Avvocati Milano, ItalyEnforcement Committee

Các bài viết khác