Logo

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ và một số sửa đổi liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

13/09/2021

Theo kế hoạch xây dựng pháp luật đã được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào cuối quý IV/2021...

Theo tài liệu tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luât  sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở  hữu trí  tuệ ( Dự thảo Luật) do Ủy ban Pháp luật Quốc hội phối hợp với Viện nghiên cưú pháp luật tổ chức  ngày 28/08/2021 thì Dự thảo Luật  do Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội có sẽ có một số sửa đổi liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp như sau:

I. Tóm lược về cấu trúc và nội dung của Dự thảo Luật

Dự thảo Luật gồm 5 Điều,  theo đó sửa đổi, bổ sung tổng cộng 94 điều và hủy bỏ 1 điều trong  14 trên 18  Chương của Luật SHTT hiện hành. Như vậy, sau sửa đổi, Luật SHTT vẫn sẽ có 18 Chương,  nhưng  tăng thêm 11 điều thành  233 điều. Cụ thể hơn, như sau: 

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT

- Sửa đổi, bổ sung 81 điều: 4, 8, 19, 20, 21, 22, 25, 26, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 35, 36, 41, 42, 43, 44, 49, 50, 52, 55, 56, 60, 72, 73, 74, 75, 79, 86, 88, 92, 93, 95, 96, 97, 100, 103, 106, 109, 110, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 121, 123, 124, 128, 130, 139, 145, 146, 147, 151, 153, 154, 155, 157, 158, 159, 163, 165, 170, 171, 172, 176, 188, 189, 190, 198, 201, 211, 213, 214, 216, 218;

- Bổ sung 12 điều:  13a, 25a, 56a, 86a, 89a, 112a, 119a, 131a, 133a, 136a, 198a, 198b.

- Bãi bỏ điều 215.

Điều 2: Bãi bỏ điều; bãi bỏ một số khoản, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Sở hữu trí tuệ

Điều 3: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan

Điều 4: Điều khoản chuyển tiếp

Điều 5: Hiệu lực thi hành

II. Một số sửa đổi chính liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

II.1. Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp

II.1.1 Những quy định chung:

- Sửa đổi, bổ sung một số khái niệm tại Điều 4 (Giải thích từ ngữ), cụ thể là : “kiểu dáng công nghiệp”,”nhãn hiệu nổi tiếng”, “chỉ dẫn địa lý”;

- Bỏ khái niệm “nhãn hiệu liên kết”; và

- Bổ sung khái niệm  “sáng chế mật”.

II.1.2 Sáng chế

- Sửa đổi khoản 1 Điều 60 (Tính mới của sáng chế) để làm rõ rằng sáng chế trong đơn đăng ký sáng chế có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên muộn hơn cũng bị coi là mất tính mới nếu nó đã được bộc lộ trong một đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

II.1.3 Nhãn hiệu

 - Sửa đổi khoản 1 Điều 72 (Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ), theo đó bổ sung quy định về việc có thể đăng ký dấu hiệu âm thanh làm nhãn hiệu.

- Sửa đổi khoản 1 Điều 73 (Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu), theo đó bổ sung các dấu hiệu bị loại trừ, không thể được đăng ký là nhãn hiệu âm thanh, cụ thể là “quốc ca của Việt Nam và của các nước, quốc tế ca”.

- Sửa đổi khoản 2 Điều 74 (Khả năng phân biệt của nhãn hiệu) theo hướng bổ sung một số quy định nhằm xác định rõ nguyên tắc là các điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu phải được đánh giá tại thời điểm nộp đơn; rút ngắn khoảng thời gian để người tiêu dùng quên đi sự tồn tại của một nhãn hiệu (đã hết hiệu lực)  từ 05 năm xuống 03 năm; bổ sung cơ chế yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng vì lý do 05 năm không sử dụng;  bổ sung quy định từ chối bảo hộ nhãn hiệu nếu gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã được bảo hộ và với tên gọi, hình ảnh của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác.

- Sửa đổi câu dẫn tại Điều 75 (Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng) nhằm làm rõ về việc lựa chọn các tiêu chí liệt kê tại Điều này.

II.1.4 Chỉ dẫn địa lý 

Sửa đổi Điều 79 (Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ), theo đó bổ sung lời văn để làm rõ khả năng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm (chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau).

II.2. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

II.2.1 Đăng ký quyền sở hữu công nghiệp

- Bổ sung Điều 86a quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc về tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức này sẽ trở thành chủ sở hữu;

- Bổ sung Điều 89a quy định sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam được tạo ra toàn bộ tại Việt Nam nếu tác động đến an ninh, quốc phòng thì chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế đó ở nước ngoài khi sau đã nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam và thời hạn 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đã kết thúc mà không bị xác định là sáng chế mật. Trong trường hợp bị xác định là sáng chế mật thì chỉ được nộp đơn ra nước ngoài theo hướng dẫn của Chính phủ.

- Sửa đổi Điều 95 (Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ), để bổ sung các trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực; làm rõ hơn trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực do không nộp phí,  lệ phí để duy trì, gia hạn hiệu lực; xác định rõ thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ; làm rõ quy trình xem xét yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.

- Sửa đổi Điều 96 (Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ) để bổ sung một số trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực; làm rõ quy trình xem xét yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

II.2.2 Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

- Sửa đổi Điều 103 (Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp) để quy định tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp là bộ ảnh chụp, bản vẽ và bản mô tả bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp; yêu cầu đối với bản mô tả được đơn giản hóa.

II.2.3 Thủ tục xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

- Sửa đổi Điều 112 (Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ) theo hướng bổ sung quy định làm rõ văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và không bắt buộc phải trả lời.

- Bổ sung Điều 112a về phản đối đơn đăng ký SHCN, quy định về quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp văn bản  phản đối trong thời hạn nhất định và phải nộp phí, lệ phí và chi phí.

- Bổ sung khoản 4, khoản 5 Điều 113 (Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế) quy định về quy trình thẩm định theo thủ tục rút gọn nếu sáng chế trong đơn yêu cầu bảo hộ trùng với sáng chế đã được cấp bằng độc quyền sáng chế ở nước khác.

- Sửa đổi Điều 117 (Từ chối cấp văn bằng bảo hộ), theo hướng bổ sung một số trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ; cơ chế tạm dừng quy trình thẩm định đơn; làm rõ quy trình thẩm định lại trong trường hợp đơn phải thẩm định lại.

- Bổ sung Điều 119a về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về SHCN, theo đó quy định một số đặc thù trong giải quyết khiếu nại liên quan đến SHCN như nộp phí thẩm định lại nếu nội dung khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký hoặc cần thẩm định lại, thời gian để thẩm định lại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại; cho phép nộp đơn khiếu nại qua tổ chức đại diện SHCN.

II.3. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp

- Sửa đổi điểm b khoản 5 Điều 124 (Sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) theo hướng làm rõ hành vi “lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ” làm cơ sở để thi hành nghĩa vụ tại Điều 18.77.2 Hiệp định CPTPP.

- Sửa đổi điểm d, khoản 1 Điều 130 (Hành vi cạnh tranh không lành mạnh) để làm rõ hành vi chiếm hữu tên miền chỉ bị xác định là cạnh tranh không lành mạnh khi được thực hiện “với dụng ý xấu” và "nhằm thu lợi bất chính".

II.4. Đại diện sở hữu công nghiệp

- Sửa đổi khoản 1 Điều 151 (Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) theo hướng chỉ quy định dịch vụ đại diện SHCN là việc thay mặt cho tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm xác lập và bảo vệ quyền SHCN.

- Sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 2a Điều 155 (Điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp), cụ thể là phân chia dịch vụ đại diện theo 2 lĩnh vực (sáng chế; nhãn hiệu và phần còn lại) và quy định điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN cho lĩnh vực tương ứng.

III. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

- Sửa đổi Điều 201 (Giám định về sở hữu trí tuệ)  theo hướng xác định rõ phạm vi của giám định SHTT và giám định tư pháp về SHTT; điều kiện để một tổ chức được thực hiện hoạt động giám định; nguyên tắc thực hiện giám định; xác định giá trị của kết luận giám định.

- Sửa đổi Điều 211 (Hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt vi phạm hành chính), cụ thể: bỏ khoản 3 về xử phạt hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh; sửa đổi khoản 1 theo hai phương án: (i) vẫn duy trì biện pháp xử lý hành chính nhưng  giới hạn ở hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với quyền tác giả, quyền  liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; hoặc (ii) giữ nguyên quy định hiện hành.

- Sửa đổi Điều 213 (Hàng hoá giả mạo về SHTT), cụ thể tách quy định về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý (bổ sung khoản 2a về khái niệm về hàng hoá giả mạo chỉ dẫn địa lý) đồng thời sự mô tả hàng hóa giả mạo được thay đổi  từ  “khó phân biệt” thành “tương tự đến mức khó phân biệt”.

- Bãi bỏ Điều 215 (Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính) vì trùng với các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

 

Các bài viết khác