Logo

Cục Sở hữu trí tuệ tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020

31/12/2019
Năm 2019 Cục Sở hữu trí tuệ đã đạt nhiều thành tích, hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ KH-CN giao...

Ngày 25/12/2019 tại Hà Nội, Cục SHTT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cùng các cán bộ chủ chốt của các đơn vị trực thuộc Bộ và Cục.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn cho biết, năm 2019 lượng đơn xác lập quyền SHCN nộp vào Cục tăng rất cao (18%), trong đó đơn sáng chế tăng 22,5%, kiểu dáng công nghiệp tăng 19,5% và nhãn hiệu tăng 17,3%. Đơn sáng chế của người Việt Nam vượt mốc một nghìn đơn (đạt 1.128, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018). Lượng đơn SHCN được xử lý tăng đột biến (46,9 % so với cùng kỳ năm 2018), trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu tăng 51,3% và sáng chế tăng 45,8%; kết quả xử lý các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ cũng tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 (khoảng 45%).
 
 

Liên quan đến công tác xây dựng chính sách, pháp luật về SHTT, Cục đã chủ trì xây dựng thành công Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tham gia xây dựng thành công Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để thi hành Hiệp định CPTPP, hoàn thành Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và Thông tư về cơ chế tài chính của Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ.

Về công tác hội nhập và hợp tác quốc tế, năm 2019 Cục SHTT đã tham gia nhiều hoạt động để hỗ trợ lãnh đạo Bộ KH-CN, Bộ Ngoại giao đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Đại hội đồng WIPO, Chủ tịch Nhóm công tác về SHTT của ASEAN; hoàn thành việc phê chuẩn Nghị định thư La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp; được bầu làm thành viên quan trọng của WIPO như Ủy ban Điều phối và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách. Cục cũng đã chủ động, tích cực trong đàm phán nội dụng về SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế.

Công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền phổ biến pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cục đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày SHTT thế giới, Cuộc thi Sáng chế và Hội nghị toàn quốc về SHTT.

Cục đã đảm bảo tốt việc cung cấp thông tin qua Thư viện điện tử SHCN, Thư viện số về bằng sáng chế và Công báo SHCN phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của xã hội.

Tuy nhiên, tại Hội nghị lãnh đạo Cục SHTT cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại do lượng đơn SHCN nộp vào Cục tăng cao trong khi hạ tầng về công nghệ thông tin (CNTT), cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác hỗ trợ, tư vấn, phát triển và thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa được quan tâm và triển khai đúng mức, v.v. Để giải quyết những bất cập trên, năm 2020 Cục SHTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các công tác trọng tâm của Cục như xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT sau khi Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021; tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; đẩy mạnh công tác xử lý đơn SHCN; chủ động tham gia đàm phán và triển khai có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế và triển khai thành công các dự án CNTT và xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của Cục để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2019 của Cục SHTT trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật, hợp tác và hội nhập quốc tế và công tác xử lý đơn, đặc biệt Cục đã chủ trì xây dựng thành công Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 để định hướng sự phát triển của hệ thống SHTT của Việt Nam và hoạt động của Cục trong giai đoạn tới, đưa SHTT thực sự trở thành công cụ phục vụ KH&CN, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thứ trưởng  Phạm Công Tạc cũng yêu cầu Cục cần xác định rõ nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt Cục cần cải tổ, đổi mới hoạt động của bộ máy, tăng cường trang thiết bị CNTT và cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của công việc./.

 

 

 

Các bài viết khác