Logo

Chỉ dẫn Địa lý: CJEU mở rộng phạm vi bảo hộ "Champagne"

28/03/2022
Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (CJEU) cho rằng tên địa lý "Champagne" được bảo hộ không chỉ cho các sản phẩm mà còn cả dịch vụ

1. Sự việc

Ủy ban liên ngành rượu Champagne* (Comité Interprofessionnel du vin de Champagne-CIVC[1])  của Pháp đã khởi kiện chống lại một doanh nhân Tây Ban Nha đặt tên các quán bar của họ là “CHAMPANILLO” (sâm banh bé nhỏ”) trên các bảng hiệu và mạng xã hội và yêu cầu cấm chuỗi quán bar ở Barcelona sử dụng tên sâm banh bé nhỏ” vì theo quan điểm của  CIVC tên gọi đó là sự khai thác bất hợp pháp mối liên hệ của người tiêu dùng với tên địa lý Champagne được bảo hộ.

Tòa án thương mại ca Barcelona đã bác bỏ đơn kiện của CIVC, giải thích rằng doanh nhân này đã sử dụng tên được đề cập cho các cơ sở phục vụ ăn uống, trong đó đặc biệt không bán đồ uống có cồn - là những  sản phẩm có thể bị nhầm lẫn với tên gọi "Champagne"được được bảo vệ bởi luật pháp EU.

Quyết định của Tòa án thương mại ca Barcelona đã bị kháng cáo lên Tòa án có thẩm quyền cao hơn và cơ quan này đã đề nghị Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu làm rõ. Vụ án này mang số C-783/19.

2. Ý kiến của Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu 

Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu (Court of Justice of the European Union[2] - CJEU đã không đồng ý với phán quyết của Tòa án thương mại ca Barcelona. CJEU đã cho rằng hệ thống tên địa lý được bảo hộ của EU không chỉ được áp dụng cho các sản phẩm mà còn áp dụng cho các dịch vụ. CJEU cho rằng: Tên địa lý được bảo hộ cung cấp sự đảm bảo về chất lượng do nguồn gốc địa lý của sản phẩm, nhằm hỗ trợ những nỗ lực của người sản xuất nông nghiệp tạo ra thu nhập cao hơn thông qua đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Hệ thống này cũng nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng không chính đáng những tên địa lý này bởi các bên thứ ba  khi họ cố gắng trục lợi từ danh tiếng của các tên gọi được bảo vệ.

Việc bảo vệ pháp lý như vậy không chỉ nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng nhận được một sản phẩm chất lượng từ một khu vực cụ thể, mà còn duy trì danh tiếng của nhà sản xuất, vốn có thể bị các bên thứ ba sử dụng tên địa lý không công bằng. Biện pháp bảo vệ như vậy cần được áp dụng rộng rãi, đặc biệt cả trong lĩnh vực dịch vụ.

Điểm mấu chốt trong việc phân tích liệu có vi phạm tên địa lý hay không là liệu người tiêu dùng trung bình ở châu Âu  có thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tên gọi được bảo hộ và sản phẩm hoặc dịch vụ đang có liên quan hay không ? Phm vi áp dụng của các đối tượng đó (sản phẩm hay dịch vụ) không phải là điều quan trọng.

Đồng thời, CJEU cũng chỉ ra rằng những quan điểm chung nêu trên không ảnh hưởng đến quyết định của tòa án Barcelona, nơi đơn kiện của CIVC được xét xử. Tuy nhiên cần tính đến các nhận định do CJEU đưa ra khi xem xét các tình huống cụ thể của vụ việc này. Giờ đây, tòa án Tây Ban Nha sẽ phải đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ tranh chấp giữa CIVC và chủ sở hữu các quán bar có tính đến quan điểm của CJEU.

3. Bình luận

3.1 Về phán quyết của CJEU.

Như vậy, quan điểm của CJEU là phạm vi bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý "Champagne" đến các dịch vụ, thậm chí cả các dịch vụ không cung cấp đồ uống có cồn, miễn là việc sử dụng đó làm người tiêu dung trung bình của châu Âu liên tưởng đến chỉ dẫn địa lý "Champagne" thì bị coi là xâm phạm quyền .Cũng phải nói thêm là CJEU không xét xử nên chưa xác định việc xử dụng dấu hiệu “sâm banh bé nhỏ” tại Tây Ban Nha là hành vi xâm phạm quyền mà chỉ khuyến nghị về phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý "Champagne" mà thôi.

Đặc biệt là trong nhận định của CJEU có sử dụng khái niệm “Người tiêu dùng trung bình” , khái niệm này hoàn toàn không tồn tại trong quy định pháp luật Việt Nam.

3.2 Luật Việt Nam liên quan tới vấn đề này

Quan điểm của CJEU trong vụ việc này khác với quy định pháp luật Việt Nam. Luật SHTT Việt Nam, tại Khoản 3 Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, quy định như sau :

3. Các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

a) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

b) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý;

c) Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;

d) Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đối với rượu vang, rượu mạnh cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó, kể cả trường hợp có nêu chỉ dẫn về nguồn gốc xuất xứ thật của hàng hóa hoặc chỉ dẫn địa lý được sử dụng dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm hoặc được sử dụng kèm theo các từ loại, kiểu, dạng, phỏng theo hoặc những từ tương tự như vậy

Các quy định như trên cho thấy phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Luật SHTT Việt Nam chỉ áp dụng cho các sản phẩm, thậm chí chỉ áp dụng cho các sản phẩm cùng loại  hoặc với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; các dịch vụ không thuộc phạm vi này. Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT không đề cập đến điều 129, như vậy phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vẫn chỉ bao gồm các sản phẩm.

Câu hỏi đặt ra: Với xâm phạm như trường hợp nêu trên, thay vì sử dụng quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý nêu tại Điều 129 liệu có coi chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn thương mại để có thể vận dụng Khoản 1, Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh, quy định như sau:

1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ;

b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ./.

Nguồn : 
https://pravo.ru/news/234652/
https://tass.ru/obschestvo/12342669;
http://rapsinews.ru/international_news/20210909/307363325.html


 

[1] CIVC là một tổ chức tập hợp các  chủ thể sản xuất và thương mại rượu  Champagne - người trồng, hợp tác xã và thương gia - dưới sự chỉ đạo của chính phủ, chịu trách nhiệm tổ chức và kiểm soát việc sản xuất, phân phối và quảng bá rượu Champagne cũng như tiến hành nghiên cứu. Cho đến năm 1990, chính phủ đã ấn định giá nho và vẫn can thiệp để điều chỉnh quy mô thu hoạch và hạn chế sản xuất rượu để duy trì giá thị trường. Một trong những hoạt động nổi bật của CIVC là bảo vệ nhãn hiệu Champagne, đây là chỉ dẫn địa lý  cũng như nhãn hiệu rất có giá trị. CIVC nhanh chóng khởi kiện về bất kỳ trường hợp sử dụng không được phép đối với tên Champagne. (https://en.wikipedia.org/wiki/Comit%C3%A9_Interprofessionnel_du_vin_de_Champagne)

[2] CJEU giải thích luật của EU để đảm bảo rằng luật được áp dụng theo cách giống nhau ở tất cả các nước EU và giải quyết các tranh chấp pháp lý giữa các chính phủ quốc gia và các tổ chức của EU.

Các bài viết khác