Logo

Chỉ con người mới có thể là tác giả sáng chế, không phải là AI

15/08/2022
Tòa liên bang (Hoa kỳ) đồng ý với USPTO như vậy.

Tòa án Liên bang (Hoa Kỳ) đã gây chú ý khi khẳng định quyết định của Tòa án Quận phía Đông Virginia coi trí thông minh nhân tạo (AI) không đủ điều kiện là “tác giả sáng chế”, chỉ “cá nhân” (con người) mới có thể là tác giả sáng chế.

Trung tâm của vấn đề là một Đơn xin cấp bằng sáng chế (patent), trong đó phần Họ & Tên được ghi như sau: Tên: “DABUS” (viết tắt của Device for the Autonomous Bootstrapping of Unified Sentience, tạm dịch “thiết bị khởi động tự chủ của khả năng tri giác hợp nhất”) và Họ: “Invention generated by artificial intelligence” ( “Phát minh được tạo ra bởi trí thông minh nhân tạo”) và tuyên bố rằng sáng chế hoàn toàn do AI tạo ra. USPTO đã từ chối đơn này và bị đương đơn là Stephen Thaler kiện ra tòa.

Vụ kiện của Thaler xoay quanh một câu hỏi thẳng thắn về cách giải thích Đạo luật Sáng chế Hoa kỳ Leahy-Smith (Leahy-Smith America Invents Act - AIA). Theo đó, để được chấp nhận, các đơn đăng ký sáng chế phải ghi tên & họ của (những) tác giả sáng chế/nhà sáng chế, cùng với lời tuyên thệ rằng sáng chế đó do họ tạo ra. AIA định nghĩa “tác giả sáng chế” là “một cá nhân”, hoặc với một sáng chế chung, là các cá nhân được gọi chung là các đồng tác giả sáng chế. Nhưng AIA không định nghĩa “cá nhân” là gì. Liệu một AI như DABUS có thể là “cá nhân” đã tạo ra sáng chế?.

Đối với các doanh nghiệp sử dụng AI để tạo ra những sáng chế có khả năng được cấp patent, một câu hỏi quan trọng là các tác giả sáng chế (con người) có thể được AI trợ giúp như thế nào và ở những giai đoạn nào, trước khi con người không còn được coi là đã tạo nên sáng chế và do đó không phải là "tác giả sáng chế".

Trả lời những câu hỏi này có thể phải làm rõ hơn hoặc thậm chí phải xác định lại ranh giới giữa tác giả sáng chế đích thực, người “đóng góp tạo nên ý tưởng sáng chế,” với người không phải là tác giả sáng chế, chỉ đơn thuần có “kiến thức chung về [kết quả] được dự đoán trước.” Trong trường hợp thứ hai, việc xác định quyền tác giả có thể phụ thuộc vào mức độ mà AI có thể được coi là công cụ được con người sử dụng, thay vì một trí thông minh độc lập. Với sự gia tăng theo cấp số nhân của việc sử dụng AI trong nghiên cứu và phát triển, có thể chỉ là vấn đề thời gian trước khi các tòa án phải đối mặt với những câu hỏi này.

Nguồn: https://www.jdsupra.com/legalnews/federal-circuit-agrees-with-the-uspto-2302681/

Các bài viết khác