Logo

ARGENTINA: Tòa quyết định hủy bỏ các nhãn hiệu SUZUKI đăng ký không trung thực từ gần 30 năm trước

12/08/2024

Tại Việt Nam, thời hiệu thực hiện quyền hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (VBBH)…đối với nhãn hiệu là 5 năm kể từ ngày cấp VBBH…trừ trường hợp VBBH được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn (Điều 96.3 Luật SHTT)

Bộ phận III của Tòa Phúc thẩm Liên bang đã hủy bỏ các nhãn hiệu “SUZUKI TIME” ở Nhóm 9 và 14, và “SUZUKI TIME ELECTRIC, hình” ở Nhóm 11 với lý do đã được đăng ký một cách không thiện chí.

Quyết định đưa ra vào ngày 12/3/2024, trong vụ In re Renus, Walter Leonel kiện Suzuki Motor Corporation (FC 359/2011). Các nhãn hiệu này đã được đăng ký vào năm 1995 và 1996 bởi một người tiền nhiệm của ông Walter Renus.
Đến năm 2008, ông Renus đã nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu khác có chứa từ SUZUKI, cụ thể là “SUZUKI TIME ELECTRONICS, hình” ở Nhóm 9 và 11 (ảnh bên, nhãn hiệu bên dưới).
Suzuki Motor Corporation (Suzuki) phản đối các đơn đăng ký dựa trên nhãn hiệu SUZUKI ở Nhóm 7 và Nhóm 12 (ảnh bên, nhãn hiệu bên trên).

Năm 2011, ông Renus đã đệ đơn kiện Suzuki lên tòa án, yêu cầu tòa tuyên bố rằng các phản đối của Suzuki là vô căn cứ. Renus lập luận rằng ông sở hữu các nhãn hiệu SUZUKI TIME ở Nhóm 9 và 14, và SUZUKI TIME ELECTRIC ở Nhóm 11, đã được sử dụng trong nhiều năm và tồn tại song song với các nhãn hiệu của Suzuki. Ông lập luận thêm rằng các nhãn hiệu này bảo hộ các sản phẩm khác nhau và viện dẫn nguyên tắc [hàng hóa] đặc thù.

Trả lời lập luận của Renus, Suzuki cho rằng các nhãn hiệu này giống nhau đến mức gây nhầm lẫn và đệ đơn phản tố yêu cầu hủy bỏ các nhãn hiệu của ông Renus vì hành vi gian dối. Suzuki cũng yêu cầu tòa ra lệnh buộc Renus ngừng sử dụng các nhãn hiệu này. Suzuki lập luận rằng nhãn hiệu của họ rất nổi tiếng và được nhiều người biết đến, và ông Renus cùng người tiền nhiệm của ông chắc chắn biết rằng nhãn hiệu này thuộc về họ.

Ông Renus đã trả lời đơn phản tố và lập luận rằng vụ kiện đã hết thời hiệu khởi kiện vì đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi các nhãn hiệu này được đăng ký.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận lập luận của ông Renus và bác phản tố của Suzuki, tuyên bố rằng thời hạn kiện đòi hủy bỏ nhãn hiệu đã hết theo luật định. Tòa cũng tuyên bố rằng các nhãn hiệu không gây nhầm lẫn vì với các từ TIME và ELECTRONICS đưa thêm vào đã làm tăng khả năng phân biệt, và các nhóm đăng ký và hàng hóa thuộc các nhóm đó cũng khác nhau.
Suzuki đã kháng cáo quyết định của tòa sơ thẩm và Tòa Phúc thẩm đã đảo ngược quyết định này vì những lý do sau:
  • SUZUKI là một nhãn hiệu nổi tiếng;
  • SUZUKI là mot vedette (“ngôi sao”/”điểm nổi bật”) trong nhãn hiệu của ông Renus, và việc thêm các từ TIME và ELECTRONICS không tạo thêm tính khác biệt, khiến chúng tương tự một cách gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Suzuki;
  • Đơn đăng ký nhãn hiệu của Renus sao chép nhãn hiệu của Suzuki;
  • Nguyên tắc [hàng hóa] đặc thù không áp dụng cho trường hợp này vì người tiêu dùng có thể bị hiểu lầm về nguồn gốc của sản phẩm, gây ra sự nhầm lẫn gián tiếp;
  • Renus và người tiền nhiệm của ông (người đã không xuất hiện trong quá trình tố tụng) đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích hợp lý nào về lý do tại sao họ chọn dấu hiệu SUZUKI là yếu tố nhận diện nguồn gốc sản phẩm của họ, bỏ qua sự tồn tại thực tế của nhãn hiệu nổi tiếng SUZUKI;
  • Thời hiệu kiện hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu không bị giới hạn theo luật định trong trường hợp nhãn hiệu đăng ký với dụng ý xấu (bad faith) và bất hợp pháp của người nộp đơn, điều này được xác nhận vì các nhãn hiệu là bản sao hoàn toàn nhãn hiệu Suzuki.
Quyết định này tuân theo các nguyên tắc chính của các điều ước quốc tế cũng như các quyết định mang tính bước ngoặt từ Tòa án Tối cao Argentina và Tòa Phúc thẩm Liên bang liên quan đến các nhãn hiệu được đăng ký với mục đích xấu./.
 
Nguồn: INTA Bulettin, August 7, 2024,
https://www.inta.org/perspectives/law-practice/argentina-suzuki-cancels-bad-faith-trademarks-registered-almost-30-years-ago/


 
 

Các bài viết khác