Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11.
Trong các nội dung được sửa đổi, bổ sung có Điều 214. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
c) Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm; và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu huỷ, đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam các hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ…
Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”
Luật số 35/2009/QH12 của Quốc Hội ngày 18/06/2009 ban hành về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật này quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường.
Đây là lần đầu Việt Nam quy định rõ 11 hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra mà Nhà nước phải bồi thường. Trong đó, có những hành vi phổ biến như trong ban hành quyết định xử phạt hành chính; cấp, thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư và một số giấy tờ có giá trị khác; áp dụng thu phí, lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng...
Người thi hành công vụ nếu phạm lỗi cố ý thì buộc phải trả lại một phần kinh phí Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.