Logo

Qui định mới về thành lập doanh nghiệp từ 1-6-2010

25/07/2013
Từ ngày 1-6-2010 tới đây, việc thành lập công ty sẽ đơn giản, nhanh hơn và có thể đăng ký qua mạng. Tên doanh nghiệp cũng sẽ không được đặt trùng trên phạm vi toàn quốc. Giấy Đăng ký kinh doanh đổi thành Giấy đăng ký doanh nghiệp.

Ngày 15-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2010 về đăng ký doanh nghiệp. Ngị định này thay thế Nghị định số 88/2006 và hiệu lực thi hành từ 1-6-2010.

Theo Nghị định này, sẽ có Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia – là trang thông tin điện tử (website) để các tổ chức, cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp có thể đăng ký qua mạng internet, truy cập thông tin về đăng ký doanh nghiệp và phục vụ cho việc cấp giấy đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp qua Cổng thông tin đăng ky doanh nghiệp quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp” – là tập hợp dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thông tin về hồ sơ đăng ký của tất cả các doanh nghiệp sẽ được lưu giữ tại đây và có giá trị pháp lý là “thông tin gốc” của doanh nghiệp.

Đơn giản thủ tục sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội và được mọi người hoan nghênh. Nếu như tại thời điểm trước năm 2000, khi Luật doanh nghiệp chưa ra đời, muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân, người chủ phải thuê dịch vụ với chi phí khoảng 8 triệu đồng (tương đương 2 lượng vàng lúc bấy giờ), phải có "vốn pháp định" hoặc "lách luật" bằng cách nhờ ngân hàng cấp giấy chứng nhận có vốn - qua một tài khoản bị phong tỏa, thì với những cải cách và thay đổi như hiện nay là một điều đáng được ghi nhận.

Điều đáng lưu ý nhất là thay vì đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như trước đây, nay sẽ gọi là “đăng ký doanh nghiệp" (gồm các nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế) và doanh nghiệp sẽ được cấp “Giấy đăng ký doanh nghiệp”.

sẽ không bị bắt buộc phải đổi thành “Giấy đăng ký doanh nghiệp”. Mà sẽ đổi nếu/khi làm thủ tục thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này cũng đồng thời là mã số đăng ký kinh doanh và mã số thuế của doanh nghiệp.

Việc đăng ký doanh nghiệp sẽ vẫn được thực hiện tại Sở kế hoạch & đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện (đối với việc đăng ký củ hộ gia đình) như trước đây.

Về việc đặt tên, doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trên toàn quốc (trước đây chỉ là trong phạm vi tỉnh, thành phố). Những doanh nghiệp “lỡ” trùng tên với nhau (trên phạm vi toàn quốc) sẽ không bị bắt buộc phải đổi tên (nhưng khuyến khích việc này).

Doanh nghiệp cũng không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của cá nhân, tổ chức khác đã được bảo hộ để đặt thành tên doanh nghiệp mình. Chính vì vậy, trước khi đặt tên các doanh nghiệp cần tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý … đã đăng ký và lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Cục sở hữu trí tuệ để tránh đặt trùng tên.

Nghị định 43-2010 cũng qui định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh và văn phòng đại diện. Về thời gian cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp, thay vì 10 ngày như trước sẽ rút xuống còn 5 ngày.

Các quy định về đặt tên doanh nghiệp và những điểm cần lưu ý trong cách đặt tên doanh nghiệp

Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 về đăng ký kinh doanh có quy định cụ thể về cách đặt tên doanh nghiệp, theo đó:

- Tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu, phát âm được và phải có hai thành tố sau:

+ Loại hình doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn (cụm từ “trách nhiệm hữu hạn” có thể viết tắt là TNHH); công ty cổ phần (từ “cổ phần” có thể viết tắt là CP); công ty hợp danh (từ “hợp danh” có thể viết tắt là HD); doanh nghiệp tư nhân (từ “tư nhân” có thể viết tắt là TN);

+ Tên riêng của doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài đã đăng ký để cấu thành một phần hoặc toàn bộ tên riêng của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp có thể sử dụng ngành nghề kinh doanh, hình thức đầu tư hay yếu tố phụ trợ khác để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề đó hoặc thực hiện đầu tư theo hình thức đó. Khi không còn đăng ký kinh doanh ngành, nghề hoặc thực hiện hình thức đầu tư đã dùng để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng ký đổi tên.

- Nếu tên riêng của doanh nghiệp sử dụng các thành tố có tính chất mô tả xuất xứ, chất lượng hàng hoá, dịch vụ thì phải được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.

Cần lưu ý những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp như:

- Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (không bao gồm doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

+ Tên trùng là trường hợp tên của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của doanh nghiệp đã đăng ký.

+ Tên gây nhầm lẫn có thể thuộc các trường hợp sau đây:

  • Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên bằng tiếng Việt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên doanh nghiệp đã đăng ký bởi ký hiệu “&”; ký hiệu “-“; chữ “và”;
  • Tên viết tắt của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp khác đã đăng ký;
  • Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi một hoặc một số các số tự nhiên, số thứ tự hoặc một hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó, trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký khác với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng ký chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Đông” hoặc các từ có ý nghĩa tương tự; trừ trường hợp doanh nghiệp yêu cầu đăng ký là doanh nghiệp con của doanh nghiệp đã đăng ký;
  • Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

- Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp.

- Không được sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại đó. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định này. Trường hợp tên của doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên

(Phòng Tư vấn)

(Nguồn:  Nghị định 43/2010,  http://www.chinhphu.vn/)

Các bài viết khác