Logo

Một số văn bản pháp luật mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2011

20/07/2013
Từ 1/7/2011 8 Luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm và Luật Thi hành án hình sự

 

 

1. Luật tố tụng hành chính được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010, gồm có 18 chương, 265 điều. Luật quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.

Luật Tố tụng hành chính thay thế Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ban hành năm 1996, thể hiện nhiều tiến bộ, phù hợp với thực tế giải quyết các khiếu kiện hành chính trong thời gian qua. Những quy định mới trong Luật là nút gỡ khó khăn cho người khởi kiện. Theo đó, người khởi kiện không phải thực hiện việc khiếu nại tới người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Nếu quyết định hoặc hành vi hành chính xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, hoặc cá nhân nào đó, thì họ có quyền khởi kiện ngay tại cấp tòa án có thẩm quyền. Người bị xâm hại quyền lợi nếu đã khiếu nại, nhưng hết thời hạn luật định mà không được giải quyết, hoặc đã được quải quyết nhưng không đồng ý, thì cũng có quyền khởi kiện tại cấp tòa án có thẩm quyền. Các quy định này tạo điều kiện rút ngắn thời gian khiếu nại, hoặc không cần khiếu nại mà khởi kiện ngay ra tòa.

2. Luật thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, gồm 15 chương, 182 điều. Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, biện pháp tư pháp; quyền, nghiã vụ của người chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp. Theo đó, từ ngày 01/7/2011 hình thức tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

3. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010, luật sửa đổi, bổ sung 20 điều, đổi tên chương II và bãi bỏ điều 103 và khoản 2 điều 106.

4. Luật thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, gồm 7 chương, 78 điều. nội dung quy định về tồ chức, hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân.

5. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, gồm có 6 chương và 51 điều. Nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010, luật này sửa đổi, bổ sung 16 điều của luật Kinh doanh bảo hiểm.

7. Luật Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, gồm có 11 chương, 86 điều. Nội dung quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ kháng sản chưa khai thác; thăm dò; khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

8. Luật An toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010, gồm có 11 chương và 72 điều. Nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

P&A

 

 

Các bài viết khác