Logo

Hàng giả trên sàn TMĐT: Thắt chặt đầu vào có giải quyết được vấn đề?

06/12/2018
Nếu nói rằng hàng hiệu nhái, giả tràn lan chợ mạng "giết chết" các thương hiệu và nhà sản xuất chân chính có lẽ cũng chưa đủ, mà còn hại cả người tiêu dùng khi tiền mất nhưng món hàng thì kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những loại hàng hóa về chăm sóc sức khỏe, có thể còn gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường
 
Thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng sôi động. Tuy nhiên, hiện mạng xã hội đang là kênh dễ dàng nhất để rao bán, quảng cáo, khuyến mại hàng giả, hàng kém chất lượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử... 

Theo Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền, hiện nay tình trạng hàng nhái hàng giả đang ở mức báo động. Đặc biệt, tình trạng bán hàng giả trên internet bùng nổ và khó quản lí.

Số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử cho biết, năm 2014, cả nước xử lí hơn 100 vụ vi phạm thương mại điện tử, xử phạt hơn hai tỉ đồng. Đến năm 2017, cả nước có hơn 180 trường hợp vi phạm bị xử lí với số tiền phạt hơn 6 tỉ đồng. Năm 2016, có hơn 40 nghìn trường hợp bán hàng vi phạm chất lượng bị yêu cầu gỡ bỏ ra khỏi các sàn giao dịch online.

Mặc dù, Cục Thương mại điện tử đã có rất nhiều biện pháp can thiệp, đào tạo cán bộ thanh tra, tập huấn cho các chủ sàn giao dịch để không bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các sàn online, nhưng thực tế thì tình trạng này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian gần đây, có nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Nếu nói rằng hàng hiệu nhái, giả tràn lan chợ mạng "giết chết" các thương hiệu và nhà sản xuất chân chính có lẽ cũng chưa đủ, mà còn hại cả người tiêu dùng khi tiền mất nhưng món hàng thì kém chất lượng. Đặc biệt, đối với những loại hàng hóa về chăm sóc sức khỏe, có thể còn gây ra rất nhiều hệ lụy khó lường.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ tại TP HCM) cho rằng việc bán hàng giả ngày nay càng trở nên phổ biến trên môi trường Internet và các sàn thương mại điện tử

“Các chủ hàng thường lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả mạo. Chính vì thế chủ nhãn hiệu cần ý thức nhiều hơn về sở hữu trí tuệ, đó là tài sản của mình nên phải bảo vệ, gìn giữ trước. Các chủ sở hữu đừng xem đó là việc của cơ quan chức năng, nếu không có sự phối hợp của doanh nghiệp thì sẽ rất khó”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là có biện pháp xử lí kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lí nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng kí, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hiện nay, để đăng kí được trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada hay Sendo,... các sàn này đều có những quy định rất cụ thể về mặt hàng sẽ kinh doanh. Tuy nhiên khó khăn đặt ra ở đây cho các sàn TMĐT này là họ chỉ quản lí về mặt gian hàng và rất khó để kiểm soát được về chất lượng bởi để làm điều đó cần có nghiệp vụ hay chuyên môn thực tế.

 
(Nguồn: Đời sống & Pháp lý)

Các bài viết khác