Logo

Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam

11/12/2018
Dự án là một mô hình tiêu biểu của việc ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ, sử dụng các tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, đẩy mạnh khả năng thương mại hoá sản phẩm
 
Mới đây, tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Duy Xuyên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Hiệp hội Xúc tiến Sáng chế Hàn Quốc (KIPA) và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Lễ tổng kết Dự án “Hỗ trợ phát triển các sản phẩm lụa Quảng Nam” trong khuôn khổ Dự án Chia sẻ sở hữu trí tuệ 2018, một hoạt động hợp tác song phương giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc.

Dự án này được triển khai từ tháng 5-12/2018, với mục đích hỗ trợ Hội nông dân huyện Duy Xuyên một máy dệt lụa, xây dựng nhãn hiệu tập thể lụa Mã Châu và nhãn hiệu chứng nhận lụa Quảng Nam. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm dệt thông qua việc hỗ trợ máy móc và các thiết bị phụ trợ, các chuyên gia Hàn Quốc đã giúp lụa Mã Châu xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đưa ra các kiến nghị đẩy mạnh phát triển thương hiệu bằng các biện pháp cao cấp hóa sản phẩm và tăng cường quảng bá sản phẩm gắn với các hoạt động du lịch trải nghiệm. Nhãn hiệu chứng nhận lụa Quảng Nam cũng được thiết kế, lập hồ sơ để đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Tại buổi lễ tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đánh giá cao tính hiệu quả cũng như những đóng góp của Dự án cho việc khôi phục và phát triển các sản phẩm lụa truyền thống của tỉnh Quảng Nam, góp phần vào quan hệ giao lưu, hợp tác toàn diện trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế - xã hội đang rất tốt đẹp giữa các địa phương của Hàn Quốc với tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của KIPO và KIPA để sản phẩm tơ lụa Mã Châu có được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí bày tỏ sự tin tưởng từ những thành quả của Dự án, các sản phẩm lụa Quảng Nam nói chung và lụa Mã Châu nói riêng sẽ sớm tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm tại địa phương, và đặc biệt, gìn giữ những giá trị văn hoá vô cùng quý báu của người dân Quảng Nam.

Cục trưởng cho rằng Dự án là một mô hình tiêu biểu của việc ứng dụng thông tin sở hữu trí tuệ, sử dụng các tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, đẩy mạnh khả năng thương mại hoá sản phẩm, và hy vọng rằng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, để sở hữu trí tuệ không chỉ là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế mà còn góp phần duy trì, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hoá vô giá của đất nước.

 
Thay mặt Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, ông Park Si Young, Trưởng phòng Hợp tác đa phương cũng chia sẻ niềm hạnh phúc với những đóng góp của Dự án cho địa phương. Ông hi vọng từ những hỗ trợ ban đầu của Dự án, chính quyền địa phương và những người dân làng lụa Mã Châu sẽ tiếp tục có những nỗ lực để lụa Mã Châu sớm được khôi phục và phát triển.
 
(Nguồn: NOIP)

Các bài viết khác