Logo

Chương Sở hữu trí tuệ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các tác động đến luật pháp SHTT của Việt Nam

23/02/2016

Ngày 04/02/2016 Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước thành viên đã chính thức ký kết để xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Aucland, New Zealand. Các nước thành viên sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định của pháp luật mỗi nước để đưa Hiệp định vào hiệu lực.

Ngày 04/02/2016 Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước thành viên đã chính thức ký kết để xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Aucland, New Zealand. Các nước thành viên sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn theo quy định của pháp luật mỗi nước để đưa Hiệp định vào hiệu lực.

 

So với pháp luật hiện hành của Việt Nam về sở hữu trí tuệ nhiều cam kết trong chương SHTT là phù hợp với pháp luật hoặc thực tiễn áp dụng, nhưng cũng có nhiều cam kết dẫn đến việc thay đổi, bổ sung lớn đối với hệ thống pháp luật cũng như thực tiễn quản lý về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Sau đây là tóm tắt những cam kết của TPP có tác động đến luật pháp hiện hành của Việt Nam về sở hữu trí tuệ.

 

1. Bảo hộ nhãn hiệu, tên quốc gia chỉ dẫn địa lý

1.1. Nhãn hiệu

i) Đối tượng bảo hộ: Phải bảo hộ cả nhãn hiệu âm thanh và nỗ lực để bảo hộ nhãn hiệu mùi.

 

ii) Hệ thống quản lý điện tử nhãn hiệu: Phải có hệ thống thông tin điện tử có thể truy cập bao gồm dữ liệu trực tuyến hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu và các nhãn hiệu đã được đăng ký.

 

iii) Đăng ký li-xăng nhãn hiệu: Không yêu cầu thực hiện đăng ký li-xăng mà vẫn công nhận hiệu lực của li-xăng; việc bên nhận li-xăng sử dụng nhãn hiệu cũng được coi là chủ nhãn hiệu thực hiện việc sử dụng nhãn hiệu đó.

 

iv) Tên miền xung đột với nhãn hiệu: Nếu một tên miền internet mã quốc gia trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu, phải có một cơ chế giải quyết tranh chấp dựa theo hoặc mô phỏng theo chính sách của Tổ chức cấp Số và Tên miền Internet (ICANN); hoặc cơ chế giải quyết công bằng, không quá nặng nề chống lại việc lợi dụng để thu lợi bất chính; phải có cơ sở dữ liệu trực tuyến về thông tin liên quan đến người đăng ký tên miền.

 

1.2. Tên quốc gia

Phải quy định các chế tài đối với việc sử dụng các tên quốc gia trong thương mại nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa.

 

1.3. Chỉ dẫn địa lý

i) Thủ tục công nhận nhận chỉ dẫn địa lý: Thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể thông qua thủ tục đăng ký nhãn hiệu hoặc một hệ thống đăng ký riêng nhưng hệ thống này phải đáp ứng các thủ tục như đối với hệ thống đăng ký nhãn hiệu và phải có cả thủ tục phản đối đơn và thủ tục chấm dứt hoặc hủy bỏ đăng ký.

 

ii) Tên gọi chung của hàng hóa: Chỉ dẫn địa lý hoặc một yếu tố cấu thành chỉ dẫn địa lý nếu đã trở thành tên gọi chung từ trước ở nước nào thì sẽ không được bảo hộ ở nước đó.

 

1.4. Quan hệ giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu được bảo hộ trước

Nếu một chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước hoặc nổi tiếng từ trước thì việc bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý bị hạn chế bởi quyền của chủ nhãn hiệu.

 

i) Sử dụng chỉ dẫn địa lý: Chủ nhãn hiệu có quyền ngăn cấm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý có thể vẫn được phép trong trường hợp ngoại lệ như chỉ có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa.

 

ii) Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý không được bảo hộ nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về nguồn gốc thương mại trên cơ sở quyền được xác lập theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý có thể được bảo hộ nếu thuộc trường hợp ngoại lệ.

1.5. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo các điều ước quốc tế

Khi ký kết các Điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, phải áp dụng nguyên tắc hạn chế bảo hộ Chỉ dẫn địa lý có khả năng xung đột với các nhãn hiệu có trước, các tên gọi chung như đối với hệ thống quốc gia; phải công bố thông tin về đối tượng được xem xét trong khoảng thời gian thích hợp để người có lợi ích liên quan có thể phản đối dự định bảo hộ trước khi ký kết điều ước; không bắt buộc có thủ tục hủy bỏ nhưng không loại trừ khả năng chấm dứt hiệu lực bảo hộ.

 

2. Bảo hộ sáng chế, dữ liệu thử nghiệm

2.1. Sáng chế

i) Đối tượng bảo hộ: Đối với một sản phẩm đã biết bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp cho ít nhất một trong các yêu cầu sau: sử dụng mới một sản phẩm đã biết; phương pháp mới sử dụng sản phẩm đã biết; hoặc quy trình sử dụng mới sản phẩm đã biết.

 

ii) Ân hạn về tính mới: Ân hạn nộp đơn đối với sáng chế đã được công bố là 12 tháng tính từ ngày sáng chế được công bố tại bất kỳ nguồn thông tin nào, do chính tác giả thực hiện hoặc người khác thực hiện có phép hoặc trái phép.

 

iii) Minh bạch thông tin sáng chế: Phải công bố cho công chúng ít nhất các thông tin về kết quả tra cứu và thẩm định đơn, thông tin không thuộc diện mật do người nộp đơn nộp, trích dẫn tài liệu patent và non-patent do người nộp đơn và các bên liên quan nộp.

 

iv) Đền bù thời hạn bảo hộ:Nếu cơ quan sáng chế chậm trễ trong việc cấp bằng độc quyền quá 5 năm kể từ ngày nộp đơn hoặc 3 năm kể từ ngày có yêu cầu thẩm định nội dung (chỉ tính thời gian dành cho cơ quan sáng chế để thẩm định đơn và cấp văn bằng).

 

2.2. Dữ liệu thử nghiệm dược phẩm

i) Bảo hộ độc quyền dữ liệu đăng ký thuốc: Đối tượng bảo hộ là các dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu bí mật khác về tính an toàn hoặc tính hiệu quả của dược phẩm mới phải nộp khi đăng ký lưu hành dược phẩm, bao gồm cả hóa phẩm và sinh phẩm.

-Thời hạn độc quyền các dữ liệu này ( kể từ ngày cấp phép lưu hành) là 5 năm cho thuốc có thành phần mới; 5 năm cho thuốc mới hoàn toàn và 3 năm cho dữ liệu bổ sung cho thuốc cũ không có thành phần mới (chỉ là chỉ định mới, đường dùng mới, cách dùng mới).

         - Thời hạn độc quyền đối với sinh phẩm: 8 năm

 

ii) Phải đền bù thời hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế nếu chậm trễ trong thủ tục cấp đăng ký thuốc.

 

2.3. Dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm

     i) Đối tượng bảo hộ là dữ liệu thử nghiệm và dữ liệu bí mật khác về tính an toàn hoặc tính hiệu quả của nông hóa phẩm mới chứa thành phần hóa học mới phải nộp khi đăng ký lưu hành nông hóa phẩm.

     ii) Thời hạn bảo hộ độc quyền nông hóa phẩm là 10 năm từ ngày cấp phép.

 

3.Bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp

i) Đối tượng bảo hộ: Phải bảo hộ Kiểu dáng công nghiệp của 1 trong 2 đối tượng sau.

-          Kiểu dáng công nghiệp của một bộ phận của sản phẩm (riêng biệt);

-          Kiểu dáng công nghiệp có điểm nhấn là một bộ phận trong tổng thể sản phẩm (các đặc điểm tạo dáng cơ bản nằm ở một bộ phận trên sản phẩm).

 

ii) Đăng ký quốc tế: Phải cân nhắc một cách hợp lý việc tham gia Hiệp ước La Hay tạo thuận lợi cho nộp đơn quốc tế.

 

4. Bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan

     i) Nội dung quyền: Cấm các hành vi là tiền đồ cho việc xâm phạm quyền, đặc biệt trong môi trường số (xâm phạm công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền).

    ii) Cân bằng lợi ích: Nỗ lực cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và người sử dụng quyền (xã hội) bằng các biện pháp giới hạn và các ngoại lệ quyền.

   iii) Thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan:

-          Cả cuộc đời tác giả + 70 năm; hoặc

-          70 năm sau ngày công bố (nếu công bố trong vòng 25 năm); hoặc 70 năm từ ngày tạo ra tác phẩm/bản ghi âm/cuộc biểu diễn (nếu không công bố trong vòng 25 năm).

   iv) Đối tượng bảo hộ: bảo hộ tín hiệu cáp rà tín hiệu vệ tinh.

    v) Tham gia các hiệp ước về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường internet của WIPO (WCT và WPPT).

 

5. Thực thi quyền Sở hữu trí tuệ

Hiệp định TPP quy định ở mức độ rất cao chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các biện pháp chống hàng giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền tác giả.

 

5.1. Thực thi bằng thủ tục và chế tài dân sự

    i) Bồi thường thiệt hại:

      - Xác định mức thiệt hại phải xem xét theo giá hàng thật và cách tính của chủ thể quyền.

      - Đối với xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và giả mạo nhãn hiệu phải có quy định về bồi thường theo luật định và phải có tính răn đe.

    ii) Xử lý hàng hóa vi phạm: Cơ quan thực thi phải có thẩm quyền buộc tiêu hủy hàng giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm bản quyền, trừ trường hợp ngoại lệ; tiêu hủy hoặc xử lý khỏi kênh thương mại nguyên liệu, phương tiện được sử dụng cho sản xuất hàng hóa vi phạm.

   iii) Thực thi trong môi trường số:

    - Phải xử lý vi phạm nhãn hiệu, quyền tác giả và quyền liên quan trên mạng internet như đối với các hành vi xâm phạm thông thường.

  - Phải quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet cũng như các điều kiện và nghĩa vụ để họ được miễn trách nhiệm pháp lý và chế tài đối với vi phạm khi người sử dụng mạng có hành vi xâm phạm quyền.

  

  5.2. Thực thi bằng thủ tục và chế tài hình sự

Yêu cầu xử lý hình sự theo TTP vượt xa các quy định hiện hành của ta về xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ (theo chuẩn mực của TRIPS/WTO và BTA với Hoa Kỳ). Nhiều hành vi xâm phạm quyền chỉ đến mức xử lý hành chính nay phải chuyển sang xử lý hình sự.

 

i) Hành vi tội phạm: Hiệp định TPP yêu cầu hình sự hóa một loạt hành vi liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu và bí mật thương mại, trong đó nhiều hành vi chưa là xâm phạm quyền chỉ mới là tiền đề cho xâm phạm quyền hoặc hành vi không nhằm khai thác thị trường nơi quyền được bảo hộ (xuất khẩu).

 

ii) Yếu tố cấu thành tội phạm: Hiệp định TPP yêu cầu hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Cụ thể là yêu tố quy mô thương mại trước đây được bao gồm 2 yếu tố nay hạ xuống chỉ cần có 1 trong 2 yếu tố sau:

-          Nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính.

-          Xâm phạm đáng kể, dù không nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính nhưng gây hại lớn cho chủ trên thị trường.

 

6. Thời gian chuyển tiếp

6.1. Thời gian chuyển tiếp cho các nước: Trong số các nước thành viên TPP thì Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Nhật Bản, Canada là những nước có thể thi hành Hiệp định ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực do mức độ phát triển cao của các nước trên (TPP được xây dựng theo các chuẩn mực trong các FTA mà Hoa Kỳ đã ký kết với Úc và Singapore).

 

6.2. Thời gian chuyển tiếp dành cho Việt Nam: Việt Nam là nước chịu tác động nhiều nhất từ TPP lên các khía cạnh khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt đối với các quy định rất cao về thực thi quyền. Vì vậy, Việt Nam được dành một thời gian chuyển tiếp nhất định, cụ thể như sau (tính từ thời điểm TPP có hiệu lực):

-          3 năm đối với đa số các nghĩa vụ gây tác động về pháp luật (để sửa đổi quy định pháp luật).

-          5 năm đối với một số nghĩa vụ có tác động xã hội; thời hạn bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ dữ liệu nông hóa phẩm, đền bù thời hạn độc quyền sáng chế do chậm trễ cấp bằng đối với dược phẩm và nông hóa phẩm.

-          12 năm (và có thể đề nghị gia hạn một lần) đối với nghĩa vụ có tác động lớn nhất đối với xã hội: bảo hộ độc quyền dữ liệu dược phẩm (hóa phẩm và sinh phẩm) ./.              

                                                                               

TH

Các bài viết khác