Logo

Bức tranh đăng ký sở hữu trí tuệ được nộp trên toàn cầu năm 2013

31/12/2014

Theo thống kê vừa được công bố của WIPO, mặc dù sự hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm qua còn nhiều trắc trở, tổng lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, đặc biệt là đơn đăng ký sáng chế.

Theo thống kê vừa được công bố của WIPO, mặc dù sự hồi phục của nền kinh tế thế giới trong năm qua còn nhiều trắc trở, tổng lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, đặc biệt là đơn đăng ký sáng chế.

 

Đơn đăng ký sáng chế

Tổng số đơn đăng ký sáng chế được nộp tại các quốc gia trên toàn cầu là 2,57 triệu trong năm 2013, tăng 9% so với năm 2012. Trong đó Trung Quốc chiếm 32,1%, Hoa Kỳ 22,3%, trong khi Cơ quan Patent Châu Âu (EPO) giảm xuống chỉ còn 5,8% tổng lượng đơn nêu trên.

 

Ba cơ quan patent có số đơn hàng đầu là Trung Quốc (SIPO) với hơn 825.000 đơn, Hoa Kỳ (USPTO) hơn 571.600 đơn và Nhật Bẳn (JPO) hơn 328.400 đơn. Trung Quốc có mức tăng đơn sáng chế mạnh nhất là 26,4%, thứ hai là Úc 12,7%, thứ ba là Hàn Quốc 8,3%. Nhật Bản và nhiều nước phát triển của Châu Âu và bản thân EPO đều bị giảm sút so với năm 2012. Các nước thu nhập trung bình thì tăng giảm không đáng kể. Trái với tăng mạnh tổng lượng đơn sáng chế, Trung Quốc lại có số đơn sáng chế nộp ra nước ngoài chỉ là 30.000, trong lúc đó Hoa Kỳ và Nhật Bản mỗi nước có tới hơn 200.000 đơn sáng chế nộp ra nước ngoài.

 

Các lĩnh vực có số đơn nộp nhiều nhất là : công nghệ vi tính (7,6%), cơ điện (7,2%), đo lường (4,7%), thông tin số hóa (4,5%) và công nghệ y khoa (4,3%). Khoảng 1,17 triệu Bằng Sáng chế đã được cấp ra trong năm 2013 trên toàn cầu. Khoảng 9,45 triệu Bằng sáng chế còn hiệu lực trên thế giới trong 2013, trong đó Hoa Kỳ chiếm nhiều nhất là 2,39 triệu (26%), tiếp theo là Nhật Bản (19%).

 

Đơn đăng ký nhãn hiệu

Tổng số đơn đăng ký nhãn hiệu nộp trong năm 2013 trên toàn cầu lần đầu tiên vượt con số 7 triệu (tính theo tổng nhóm sản phẩm/dịch vụ được nộp). Số đơn nộp trong nước chiếm ¾, ¼ còn lại là số đơn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.

 

Trung Quốc cũng đứng đầu số lượng đơn tính theo nhóm được nộp (1,88 triệu), tiếp theo là Hoa Kỳ (hơn 486.000), Cơ quan OHIM của Châu Âu (324.700). Năm 2004 số đơn nhãn hiệu nộp tại Trung Quốc gấp hai lần số đơn nộp tại Hoa Kỳ, nhưng đến 2013 Trung Quốc đã có số đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều hơn đến bốn lần so với Hoa Kỳ.

 

Tổng số Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp ra trong năm 2013 cũng như hai năm trước đó chỉ dao động xung quanh con số ba triệu trong khi  số đơn đăng ký lại tăng khá từng năm, điều đó cho thấy đơn tồn đọng cũng còn là vấn đề nổi cộm, đặc biệt đối với một số cơ quan nhãn hiệu lớn.

 

Đơn kiểu dáng công nghiệp

Sau ba năm liền mức tăng đều ở hai chữ số, thì năm 2013 mức tăng tổng các kiểu dáng trong đơn đăng ký chỉ ở mức khiêm tốn là 2,5%. Sự giảm sút lượng đơn đăng ký trên toàn cầu này là do sự giảm mạnh đơn kiểu dáng được nộp tại Trung Quốc, nước có đến 53% lượng đơn đăng ký kiểu dáng của toàn thế giới.

 

Trong năm 2013, các đơn đăng ký chứa đựng đến 1,24 triệu kiểu dáng, trong đó 1,06 triệu kiểu dáng được nộp đơn đăng ký trong nước và 180.000 kiểu dáng được đăng ký ra nước ngoài. Sau bảy năm liên tục tăng, thì lượng kiểu dáng được đăng ký lại bị giảm 3,3% trong năm 2013. Điều đó chủ yếu là do lượng kiểu dáng được đăng ký tại Trung Quốc giảm tới 12%.

 

Giống cây trồng

Số lượng đơn đăng ký giống cây trồng đạt kỷ lục trong năm 2013 là 15.200 đơn trên toàn cầu, đạt mức tăng 6,3% so với mức tăng 1,6% của năm 2012. Cơ quan giống cây trồng châu Âu (CPVO) nhận được số đơn đăng ký nhiều nhất là 3.296, tiếp theo là Ucraina - 1.544 và Trung Quốc - 1.510 giống mới. Người nộp đơn đăng ký giống cây trồng nhiều nhất là từ Hà Lan - 2.943, tiếp theo là Hoa Kỳ - 1.897 và Trung Quốc 1.433.

 

TVH (Theo tài liệu của WIPO)


Các bài viết khác