Logo

Bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu đối với các phụ tùng thay thế của xe cộ và máy móc

25/09/2017

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một sản phẩm cấu tạo từ nhiều thành phần riêng biệt như xe cộ, máy móc… thì không chỉ hình dáng bên ngoài của sản phẩm mà các thành phần của chúng nếu có thể tồn tại độc lập và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định thì đều có khả năng bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Các thành phần này bao gồm cả các phụ tùng có thể tháo lắp và thay thế dùng cho xe cộ và máy móc đó. Đồng thời hãng sản xuất sản phẩm cũng có thể đăng ký độc quyền cho nhãn hiệu gắn không chỉ trên sản phẩm mà cả cho các phụ tùng thay thế do mình sản xuất ra.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, một sản phẩm cấu tạo từ nhiều thành phần riêng biệt như xe cộ, máy móc… thì không chỉ hình dáng bên ngoài của sản phẩm mà các thành phần của chúng nếu có thể tồn tại độc lập và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định thì đều có khả năng bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Các thành phần này bao gồm cả các phụ tùng có thể tháo lắp và thay thế dùng cho xe cộ và máy móc đó. Đồng thời hãng sản xuất sản phẩm cũng có thể đăng ký độc quyền cho nhãn hiệu gắn không chỉ trên sản phẩm mà cả cho các phụ tùng thay thế do mình sản xuất ra.

 

Cơ chế bảo hộ như vậy là rất chặt chẽ cho quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu đối với các sản phẩm và các phụ tùng thay thế của chúng. Tuy vậy, một vấn đề được đặt ra là: sự bảo hộ như vậy đối với các phụ tùng thay thế có phải là thực sự cân bằng quyền lợi giữa nhà sản xuất sản phẩm chính hãng với quyền lợi của người tiêu dùng và của ngành dịch vụ sửa chữa xe cộ, máy móc hay không. Để góp phần làm rõ vấn đề này chúng ta nên tham khảo các quy định và thực tiễn áp dụng liên quan đến vấn đề trên ở nước ngoài mà cụ thể là tại Liên minh Châu Âu (EU).

 

EU đã hài hoà việc bảo hộ Kiểu dáng trên toàn lãnh thổ các nước thành viên thông qua một quy chế chung về bảo hộ kiểu dáng cộng đồng . Theo đó, một kiểu dán tạo thành từ đường nét, màu sắc, hình dạng …bên ngoài của sản phẩm có tính mới, tính cá biệt đều có khả năng bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp. Một sản phẩm không còn mới nếu nó đã được phổ biến đến công chúng và yêu cầu đối với tính cá biệt được đáp ứng nếu ấn tượng của kiếu dáng khác biệt với ấn tượng chung của bất kỳ một sản phẩm nào khác đã biết.

 

Định nghĩa “sản phẩm” theo quy chế của EU bao gồm không chỉ sản phẩm mà cả các thành phần dự định được lắp ráp thành một sản phẩm phức hợp (đa thành phần), các thành phần này có thể tháo rời hoặc lắp lại vào sản phẩm đó. Quy chế EU quy định việc bảo hộ cho các thành phần đó chỉ khi chúng có thể được nhìn thấy trong quá trình sử dụng bình thường sản phẩm của người sử dụng cuối cùng và phải đáp ứng tính mới và tính cá biệt.

 

Tuy nhiên mặt khác, sẽ không được bảo hộ kiểu dáng cho một sản phẩm là phụ tùng thay thế bắt buộc phải vừa khít (must – fit), nghĩa là một phụ tùng chứa các đặc điểm hình dạng mà khi tái tạo lại phải đúng và chính xác hình dạng và kích thước đó để thực hiện được đúng chức năng của nó trong sản phẩm phức hợp mà nó tham gia.

 

Các dự tính của EU quy định việc bảo hộ các phụ tùng thay thế và việc sử dụng chúng trong dịch vụ sửa chữa, cụ thể như đối với xe cộ, áp dụng theo quy chế chung về kiểu dáng của EU đã vấp phải sự tranh cãi. Lý do là bất kỳ một sự bảo hộ nào cho các kiểu dáng là phụ tùng thay thế như trên được cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dịch vụ sửa chữa và trói buộc người tiêu dùng với những người bán các phụ tùng chính hãng.    Bởi vậy, một quy định đầy đủ liên quan đến việc sử dụng kiểu dáng các phụ tùng thay thế đã chưa thể đạt được.

 

Hiện nay, các kiểu dáng của các thành phần (bộ phận) của một sản phẩm phức hợp nhằm mục đích để thay thế, sửa chữa nhằm trả lại hình dạng ban đầu của một sản phẩm phức hợp vẫn không được quy định trong quy chế chung về kiểu dáng của EU. Việc bảo hộ các thành phần cấu thành hay phụ tùng của một sản phẩm phức hợp được để lại quyền quyết định cho các quốc gia thành viên trong theo Chỉ thị của EU về bảo hộ pháp lý các kiểu dáng công nghiệp.

 

Với tình trạng quy định pháp lý như vậy, toà án Ý đã phải tham vấn Toà Phúc thẩm Châu Âu (CJEU) trong vụ hãng ô tô Ford kiện Công ty Wheelstrims của Ý đã sản xuất và bán nắp đậy vành xe mang nhãn hiệu “Ford”. Ford cho  rằng việc công ty Ý sử dụng trái phép nhãn hiệu của mình trên nắp vành bánh xe là xâm phạm quyền và yêu cầu công ty trên chấm dứt sự vi phạm. Câu hỏi mà tòa án Ý  đưa ra tham vấn CJEU  là: liệu luật kiểu dáng Châu Âu có cho phép người sản xuất các phụ tùng thay thế được quyền sử dụng nhãn hiệu của người khác trên phụ tùng để giúp người mua cuối cùng sửa lại xe cộ của mình đúng với hình dạng ban đầu của nó hay không.

 

Trong trả lời của mình Toà CJEU đã khẳng định rằng công ty Ý có thể sản xuất phụ tùng là nắp vành bánh xe nhưng nếu các nắp đó được bán ra lại gắn logo là nhãn hiệu của Ford mà không được phép của chủ nhãn hiệu thì đó là hành vi xâm phạm quyền của Ford. Một nhãn hiệu đã được đăng ký thì độc quyền sử dụng được trao cho chủ nhãn hiệu, trong đó có quyền ngăn cấm người thứ ba sử dụng trái phép nhãn hiệu đó.

 

Như vậy, điều đó có nghĩa là các hãng sản xuất phụ tùng thay thế không được sử dụng nhãn hiệu của nhà sản xuất xe, bởi điều này có thể gây nhầm lẫn giữa sản phẩm của của hãng sản xuất phụ tùng thay thế với sản phẩm là phụ tùng của chính hãng xe.

 

Ở một trường hợp khác, toà án Luxembourg đã dựa trên quy định theo các điều khoản về các phụ tùng thay thế đã ra một phán quyết không cho phép một hành vi được cho là xâm hại đến quy định của EU về nhãn hiệu.

 

Tuy nhiên sau đó, tòa này đã rút lại phán quyết trước đó liên quan đến vụ hãng BMW kiện doanh nhân Deenik đã sử dụng nhãn hiệu của mình trong dịch vụ sửa chữa xe. Ông Deenik kinh doanh một garage chuyên sửa chữa xe BMW và đã sử dụng nhãn hiệu “BMW” trong quảng cáo dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng xe BMW của mình. Toà CJEU đã ra phán quyết là: theo pháp luật của EU chủ nhãn hiệu không thể cấm một doanh nhân độc lập thực hiện việc sửa chữa và bảo dưỡng xe BMV sử dụng nhãn hiệu này nếu chỉ nhằm mục đích thông báo rằng người đó chào mời một dịch vụ chuyên biệt như vậy đến khách hàng và việc sử dụng đó là cần thiết và được thực hiện một cách trung thực. Bất kỳ ai thực hiệu kinh doanh dịch vụ dựa trên việc sử dụng nhãn hiệu như vậy phải thực hiện một cách có trách nhiệm đối với quyền lợi của chủ nhãn hiệu được bảo hộ.

 

 

TH

Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh là một trong các Văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín tại Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ về sở hữu trí tuệ bao gồm: tư vấn, đăng ký sáng chế, bản quyền tác giả & quyền liên quan, nhãn hiệu, tên thương mại & chỉ dẫn địa lý, li-xăng, nhượng quyền thương mại & chuyển giao công nghệ… cũng như đại diện cho khách hàng trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các bài viết khác