Logo

VQ Anh: Nhận định của Tòa về đơn đăng ký nhãn hiệu nộp với mục đích xấu

08/05/2025
Vụ công ty Trump International của Michael Gleissner thua kiện tại Tòa án Tối cao vì nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (bad faith filing)

1. Người nộp đơn

Michael Gleissner là cái tên được nhiều người biết đến trong lĩnh vực nhãn hiệu. Ông là triệu phú nổi tiếng vì các công ty của ông đã đăng ký rất nhiều nhãn hiệu, hoặc nộp đơn phản đối và yêu cầu hủy bỏ liên quan đến các nhãn hiệu của các công ty nổi tiếng. Michael Gleissner bị nhiều người cho là đang gây ra sự gián đoạn thương mại để trục lợi.

Vào năm 2016, các công ty của Gleissner được cho là đã đăng ký hơn 800 nhãn hiệu thương mại của Vương quốc Anh. Vào tháng 11 năm 2017, các công ty ông đã tham gia vào 97 vụ tranh chấp thương hiệu trực tiếp trước Cơ quan Nhãn hiệu Anh (UK IPO) ở Anh (5% trên tổng số). Các công ty do ông Gleissner quản lý đã không thanh toán 49 lệnh chi phí (cost order)[1], chiếm khoảng 1/3 tổng số lệnh chi phí chưa thanh toán ở Anh. Theo báo cáo, ông có hơn 1.000 tên công ty ở Vương quốc Anh, với những thực thể này được sử dụng làm người nộp đơn cho hơn 4.000 đơn đăng ký nhãn hiệu tại ít nhất 38 quốc gia/khu vực pháp lý.

Ngoài số lượng lớn các đơn đăng ký và các lệnh chi phí không thanh toán nêu trên của Gleissner, còn có các vấn đề  khác, ví dụ như các chi phí gây ra cho các bên liên quan trong thủ tục phản đối trước UK IPO. Các chủ doanh nghiệp nhỏ đã  tuyên bố rằng việc phản đối hoặc tìm cách hủy bỏ các nhãn hiệu liên quan đến Gleissner là gánh nặng về mặt tài chính. Vì mục đích đó, Kiểm toán đã yêu cầu "tòa án hướng dẫn về cách UK IPO nên xử lý các đơn đăng ký như vậy trong tương lai" và cũng nhắc nhở các chủ sở hữu nhãn  hiệu về các biện pháp khắc phục khác có thể được thực hiện ngoài các biện pháp phản đối, bao gồm lệnh cấm sơ bộ có thể được "ban hành nhanh chóng" và có "quyền hạn rộng rãi đối với chi phí".

Dưới đây là tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu “TRUMP”

2.  Đơn đăng ký nhãn hiệu và đơn phản đối


Vào tháng 10/2016, triệu phú Gleissner đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “TRUMP TV” ở Nhóm 38 (dịch vụ viễn thông) và 41 (sản xuất chương trình phát thanh và truyền hình, v.v.) với tên “Trump International Limited”. Nhãn hiệu này đã bị phản đối bởi DTTM Operations LLC (DTTM) , công ty quản lý quyền sở hữu trí tuệ cho Ông Donald Trump.

Đơn đăng ký nhãn hiệu này được nộp chỉ một ngày trước khi Trump International Limited được thành lập và chưa đầy ba tháng trước lễ nhậm chức của Donald Trump với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ (năm 2016).

DTTM phản đối đơn đăng ký dựa trên quyền của nhãn hiệu chưa đăng ký và việc đăng ký có ý đồ xấu, đưa ra bằng chứng sâu rộng về các hoạt động trong quá khứ của các công ty của ông Gleissner, quyền nhãn hiệu của DTTM và không có liên kết giữa DTTM và Trump International.

Cũng nên biết rằng vào  năm 2016 có hơn 1.000 công ty tại Vương quốc Anh mà Gleissner là giám đốc duy nhất, với các chủ thể  thể đó sau đó được sử dụng làm tên người nộp đơn trên hơn 4.000 đơn đăng ký nhãn hiệu tại ít nhất 38 khu vực pháp lý  cùng với hơn 5.000 tên miền do Gleissner sở hữu.

Theo mục 3(6) của Đạo luật Nhãn hiệu năm 1994 (Trade Marks Act 1994), một nhãn hiệu “sẽ không được đăng ký nếu đơn đăng ký được thực hiện ở mức độ bị coi là có mục đích xấu”. Đơn đăng ký nhãn hiệu có thể bị coi là được nộp “có mục đích  xấu” nếu người nộp đơn không có ý định sử dụng nhãn hiệu đó để phân biệt hàng hóa của mình với hàng hóa của những người khác.

3. Quyết định của UKIPO

Viên chức điều trần (hearing officer[2])  đã từ chối đơn đăng ký chỉ vì lý do nộp đơn với dụng ý xấu  và không tiến hành phán quyết dựa trên các lý do phản đối khác. Trump International được lệnh phải trả chi phí khoảng 15.000 bảng Anh.

4. Kháng cáo và Quyết định của Tòa án Tối cao

Trump International đã kháng cáo lên Tòa án Tối cao  lập luận rằng viên chức điều trần đã sai lầm khi không đưa ra bất kỳ ý kiến  nào liên quan đến các lý do phản đối khác, ví dụ rằng chủ thể đó  đã mua tên miền ‘trump.org’ và ‘trump.tv’ vào năm 2017, tuyên bố rằng chúng được sử dụng cho một trang web châm biếm và  rằng phiên điều trần đáng lẽ phải được hoãn lại để chờ phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) trong vụ Skykick, cụ thể như sau :

Viên chức điều trần đã "sai về mặt pháp lý hoặc về nguyên tắc khi không đưa ra bất kỳ kết luận nào liên quan đến các căn cứ phản đối khác". Trump International cũng dựa vào một tuyên bố của nhân chứng Roman Popov, một luật sư đã làm việc chặt chẽ với Gleissner để đàm phán hợp đồng, đăng ký nhãn hiệu và hỗ trợ tố tụng. Điều thú vị là Popov tiết lộ Gleissner đã mua tên miền 'trump.org' và 'trump.tv' với giá 50.000 đô la vào tháng 5 năm 2017 (với tuyên bố rằng chúng được lên kế hoạch sử dụng cho một "ấn phẩm trực tuyến châm biếm").

Bản thân Gleissner đã đưa ra một tuyên bố làm chứng, trong đó ông cho rằng chiến lược kinh doanh của mình là chủ đề của các “bài viết đầu cơ và bình luận được công bố” và rằng ông “không giao dịch theo cách bí mật hoặc bất hợp pháp”. Đề cập đến bí ẩn đằng sau hoạt động nộp đơn nhãn hiệu  khổng lồ, ông tuyên bố: “Mô hình đầu tư kinh doanh của ông là đầu tư chủ yếu vào các thực thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu không hạn chế và không bị ràng buộc đối với nhãn hiệu của họ, đặc biệt là sau sự ra đời của internet”.

Tuy nhiên, Quan tòa Henry Carr mô tả căn cứ kháng cáo là "rườm rà và lặp đi lặp lại" và kháng cáo đã bị bác bỏ.

Quan tòa Henry Carr nhấn mạnh  bản chất thiếu trung thực của đơn đăng ký như sau:

Trump International đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu rõ ràng có liên quan đến ông [Donald] Trump, người mà công ty không có mối liên hệ nào. Bản thân điều đó đòi hỏi một lời giải thích rất rõ ràng để bác bỏ suy luận về sự gian dối, khẳng định của ông Gleissner về ý định sử dụng nhãn hiệu là không đáng tin cậy…bằng chứng không đưa ra thông tin chi tiết về cách doanh nghiệp sẽ hoạt động, doanh thu sẽ được tạo ra như thế nào, thị trường và nhân khẩu học nào sẽ được giải quyết, cũng như khu vực địa lý nào hoặc dịch vụ sẽ hoạt động trên nền tảng nào. Không có thông tin gì về thời điểm hoạt động kinh doanh theo kế hoạch đã hoặc sẽ được triển khai.”

Carr cũng nhắm vào tuyên bố làm chứng của Gleissner: Tôi không chấp nhận những lời giải thích này. [...] Thật không đúng khi khẳng định rằng Trump International không có đại diện pháp lý tại phiên tòa đầu tiên. [...]Rõ ràng là tài liệu này được soạn thảo bởi một người có nhiều kinh nghiệm về luật nhãn hiệu châu Âu”./.

Nguồn: 
1. https://www.hgf.com/news/trump-international-loses-high-court-trade-mark-appeal/;
2.
https://www.worldtrademarkreview.com/article/trump-defeats-gleissner-in-trademark-case-ukipo-warns-activity-risks-bringing-entire-system-disrepute 

(++)

 


[1] Cost order - Lệnh chi phí là khi tòa án ra lệnh một bên phải trả một phần hoặc toàn bộ chi phí pháp lý của bên kia. Vào cuối phiên tòa, thẩm phán sẽ ra lệnh này

[2] Viên chức điều trần được bổ nhiệm để giám sát và chủ trì các phiên điều trần trong các thủ tục pháp lý hoặc hành chính. Trách nhiệm chính của họ là đảm bảo rằng các thủ tục được tiến hành một cách công bằng và chính đáng. Họ có thẩm quyền đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng được trình bày và luật pháp hoặc quy định hiện hành.

Các bài viết khác