1. Quy định về bồi thường trừng phạt trong các văn bản luật SHTT
Trong các tranh chấp dân sự, bồi thường mang tính trừng phạt (“bồi thường trừng phạt” – punitive damages ) nằm ngoài các khoản bồi thường thiệt hại thực tế. Loại bồi thường này được coi là hình phạt và thường được đưa ra theo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng khi hành động của bị đơn gây tổn hại đặc biệt nặng nề cho nguyên đơn (bên đưa vụ việc ra tòa) (1).
Các khoản bồi thường trừng phạt đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) lần đầu tiên được đưa ra tại Điều 63 của Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc đối với các hành vi vi phạm nhãn hiệu có ác ý và nghiêm trọng và có hiệu lực từ ngày 1/5/2014. Vào tháng 11/2019, hệ số bồi thường thiệt hại do trừng phạt nhãn hiệu đã tăng từ ba lên năm. Các điều khoản về bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt cũng được quy định trong Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh (Điều 17) đối với các hành vi vi phạm bí mật thương mại có chủ đích và nghiêm trọng. Sau đó, vào năm 2020, cả Luật Sáng chế và Luật Bản quyền được sửa đổi, đều đưa ra các khoản bồi thường mang tính trừng phạt. Điều 1185 của Bộ luật Dân sự chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục khẳng định các thiệt hại mang tính trừng phạt đối với quyền SHTT ở cấp độ luật dân sự cơ bản.
2. Hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao
2.1. Ban hành hướng dẫn tư pháp
Vào ngày 3/3/2021, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã ban hành Hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao về việc áp dụng các khoản bồi thường trừng phạt trong việc xét xử các vụ án dân sự về xâm phạm quyền SHTT. Hướng dẫn tư pháp về các khoản bồi thường trừng phạt đã đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện áp dụng các khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt đối với các trường hợp vi phạm quyền SHTT, bao gồm, ngoài những nội dung khác, mục đích, mức độ nghiêm trọng của hoàn cảnh cụ thể, cũng như cơ sở tính toán và nhiều yếu tố khác. Vào ngày 15/3/2021, SPC đã ban hành sáu trường hợp xét xử IP điển hình đưa ra các khoản bồi thường mang tính trừng phạt điển hình về áp dụng Hướng dẫn Tư pháp về các khoản phạt bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt.
2.2. Một số khái niệm cụ thể
2.2.1 Yếu tố chủ quan của việc bồi thường thiệt hại mang tính chất trừng phạ t- Cố ý.
SPC nêu rõ rằng, mức bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt chỉ được áp dụng đối với hành vi cố ý vi phạm và coi đó là hình phạt nặng hơn đối với bị cáo vi phạm. Ở đây cố ý tương đương với ác ý. Ý định chủ quan là một loại trạng thái tâm lý và cần được đánh giá thông qua hành vi. Người vi phạm có chủ ý theo đuổi những lợi ích mà lẽ ra nguyên đơn phải được hưởng. Dù biết hành vi của mình là vi phạm quyền của nguyên đơn nhưng người vi phạm vẫn thực hiện và để cho việc bồi thường thiệt hại xảy ra.
Một số tình huống điển hình có thể đóng vai trò là dấu hiệu của hành vi cố ý được liệt kê:
(1) Bị đơn vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi được nguyên đơn hoặc bên liên quan thông báo, cảnh cáo;
(2) Bị đơn hoặc người đại diện theo pháp luật hoặc người quản lý là người đại diện theo pháp luật, người quản lý hoặc người kiểm soát thực tế của nguyên đơn hoặc bên liên quan;
(3) Bị đơn và nguyên đơn hoặc các bên liên quan có quan hệ lao động, dịch vụ, hợp tác, cấp phép, phân phối, đại lý, đại diện, v.v. và có khả năng tiếp cận các quyền SHTT bị xâm phạm;
(4) Bị đơn có quan hệ kinh doanh với nguyên đơn hoặc các bên có liên quan hoặc đã đàm phán để đạt được hợp đồng, v.v. và đã tiếp cận các quyền SHTT bị xâm phạm;
(5) Bị cáo có hành vi vi phạm bản quyền, giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký;
(6) Các trường hợp khác có thể được xác định là có ý định.
2.2.2 Yếu tố khách quan của việc bồi thường trừng phạt -Tình tiết nghiêm trọng.
Mức độ nghiêm trọng của các tình tiết vi phạm cũng là yếu tố chính được đưa vào. Hướng dẫn tư pháp về các khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt quy định rằng khi bị cáo thực hiện một hoặc nhiều hành vi sau đây, tòa án nhân dân có thể xác định rằng các tình tiết là nghiêm trọng:
(1) Sau khi bị xử phạt hành chính hoặc bị tòa án quyết định vi phạm, tái phạm cùng hành vi vi phạm hoặc hành vi tương tự;
(2) Vi phạm quyền SHTT là hoạt động kinh doanh chính của mình;
(3) Giả mạo, tiêu hủy hoặc che giấu bằng chứng vi phạm;
(4) Từ chối thực hiện quyết định bảo lưu;
(5) Lợi ích do vi phạm hoặc thiệt hại của chủ thể quyền rất lớn;
(6) Các hành vi xâm phạm có khả năng gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, lợi ích công cộng hoặc sức khỏe cá nhân;
(7) Những lý do khác.
2.2.3 Xác định mức bồi thường
Theo Điều 17, đoạn 3 Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc,
Mức bồi thường đối với người kinh doanh bị thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh được xác định theo thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra; trường hợp khó xác định được thiệt hại thực tế thì việc bồi thường được xác định theo mức lợi ích mà người vi phạm thu được từ hành vi vi phạm. Đối với người kinh doanh xâm phạm bí mật thương mại với mục đích xấu, nếu vụ việc nghiêm trọng thì mức bồi thường có thể được xác định từ một đến năm lần số tiền được xác định theo phương pháp nêu trên.
Hướng dẫn tư pháp về thiệt hại trừng phạt cũng quy định rằng, khi xác định mức bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt, Tòa án nhân dân lấy số thiệt hại thực tế mà nguyên đơn phải gánh chịu, số lợi bất hợp pháp của bị đơn hoặc số lợi nhuận thu được do hành vi vi phạm làm căn cứ tính toán theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.2.4 Đơn kiện
Nguyên đơn phải nêu rõ số tiền bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt được yêu cầu và cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho việc tính toán khi nộp Đơn kiện. Nguyên đơn cũng sẽ có cơ hội đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt với điều kiện yêu cầu bồi thường đó được đưa vào trước khi kết thúc phần tranh luận trực tiếp tại phiên tòa. Nếu yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt được thêm vào trong đơn kháng cáo, tức là xét xử lần 2, tòa án có thể yêu cầu các bên hòa giải, nhưng nếu hòa giải không thành, các bên có thể nộp đơn kiện mới để yêu cầu bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt.
3. Vụ việc điển hình
3.1 Tóm tắt vụ án
Guangzhou Tinci Materials Co., Ltd (Tinci) là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm Carbomer[1] và các hóa chất mỹ phẩm khác ở Quảng Châu, Trung Quốc. Cá nhân Hua làm việc tại Tinci và ký hợp đồng lao động cũng như thỏa thuận bảo mật thương mại và không cạnh tranh với Tinci vào tháng 12/2007. Hua rời Tinci vào tháng 12/2013. Từ năm 2012 đến năm 2013, Hua đã lấy trái phép dữ liệu quy trình sản xuất của Carbomer và gửi cho Liu và những người khác của An Huy Newman. An Huy Newman đã sử dụng công nghệ sản phẩm Carbomer của Tinci và bán chúng trong và ngoài nước.
Hai công ty Tinci đã đệ đơn kiện lên Tòa án Sở hữu trí tuệ Quảng Châu vào tháng 10/2017, cho rằng:
- Hua, Liu, An Huy Newman và những người khác cùng xâm phạm bí mật kỹ thuật của Carbomer, gây thiệt hại lớn cho các công ty Tinci;
- Bị cáo phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm;
- Bị cáo phải bồi thường số tiền 70 triệu nhân dân tệ (RMB).
3.2 Xét xử sơ thẩm
Tòa án IP Quảng Châu đã lấy được dữ liệu xuất khẩu liên quan đến các sản phẩm Carbomer của An Huy Newman từ tháng 8/ 2016 đến tháng 1/2019 theo đơn của các công ty Tinci. Tòa án IP Quảng Châu đã yêu cầu An Huy Newman cung cấp dữ liệu lợi nhuận liên quan đến các sản phẩm Carbomer từ năm 2014 đến ngày xét xử và đính kèm hồ sơ tài chính và tài liệu gốc tương ứng. Nhưng An Huy Newman từ chối cung cấp các tài liệu cần thiết.
Vào ngày 19/7/2019, Tòa án Sở hữu trí tuệ Quảng Châu đã đưa ra phán quyết:
- An Huy Newman, Hua, Liu, Hu và Zhu, v.v. ngay lập tức ngừng hành vi xâm phạm bí mật kỹ thuật liên quan đến vụ án và tiêu hủy dữ liệu liên quan;
- An Huy Newman phải trả cho các công ty Tinci 30 triệu nhân dân tệ khi áp dụng mức bồi thường trừng phạt gấp 2,5 lần và chi phí hợp lý 400 ngàn RMB trong vòng 10 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực và Hua, Liu, Hu và Zhu phải chịu trách nhiệm chung trong với mức phạt cho từng người là 5 triệu, 5 triệu, 1 triệu và 1 triệu RMB;
- Tòa án bác bỏ các yêu cầu bồi thường khác của các công ty Tinci.
3.3 Xét xử tại Tòa án nhân dân tối cao
Cả hai bên đều kháng cáo lên Tòa án nhân dân tối cao (SPC), nội dung xét xử như sau:
3.3.1 Các yếu tố được xem xét
- Cố ý vi phạm
Trong trường hợp này, từ hành vi thực tế của người vi phạm, họ đã thực hiện hành vi vi phạm trong tình huống có hiểu biết. Hua là nhà nghiên cứu ở Quảng Châu Tinci, anh ta đã vi phạm nghĩa vụ và yêu cầu bảo mật và tiết lộ bí mật kỹ thuật cho An Huy Newman, Liu, Zhu và những người khác, những người biết việc tiết lộ là bất hợp pháp nhưng vẫn sử dụng bí mật kỹ thuật trong sản phẩm của họ. Vì vậy, người vi phạm hoàn toàn nhận thức được hành vi xâm phạm bí mật kỹ thuật của mình mà vẫn thực hiện, rõ ràng là có chủ ý, cố ý.
- Có tình tiết nghiêm trọng
Trong vụ án này, coi như bị cáo thực hiện hành vi xâm phạm trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình; bí mật kỹ thuật đóng vai trò then chốt trong quá trình tạo ra sản phẩm; hành vi xâm phạm gây thiệt hại lớn cho nguyên đơn; đối tượng vi phạm có quy mô sản xuất lớn, thu được lợi nhuận cao; người vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm trong thời gian dài trong quá trình xét xử và cả sau bản án sơ thẩm; người vi phạm từ chối cung cấp các chứng cứ theo yêu cầu của tòa án thì tòa án quyết định hành vi vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng.
- Căn cứ xác định bồi thường
Trong vụ này có một điểm đáng lưu ý là khi quyết định căn cứ tính mức bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt cần phải xem xét tất cả các yếu tố chính trong quá trình sản xuất. Ở cấp sơ thẩm, khi xác định cơ sở và lợi nhuận của hành vi vi phạm, tòa án SHTT Quảng Châu đã không xem xét đến vai trò của bí mật kỹ thuật liên quan và vai trò của các yếu tố sản xuất khác trong toàn bộ quy trình của Carbomer. SPC nhận thấy bí mật kỹ thuật của vụ án này bao gồm hai phần: phần quy trình và phần công thức, đều đóng góp vào lợi nhuận thương mại. Công thức của bị cáo không bị coi là cấu thành hành vi vi phạm. Vì vậy, căn cứ tính mức bồi thường thiệt hại ban đầu là 50%.
Như đã phân tích ở trên từ các yếu tố chủ quan và khách quan, và các tình tiết đặc biệt nghiêm trọng như cố ý trực tiếp, xâm phạm toàn bộ doanh nghiệp, xâm phạm quy mô lớn, kéo dài, thu lợi nhuận lớn, có nghĩa vụ chứng minh, v.v. . Vì vậy, Tòa án IP của SPC đã ban hành mức phạt thiệt hại trùng phạt gấp 5 lần giới hạn trên
3.3.2 Nội dung bản án
Ngày 24/11/2020, SPC đã ra phán quyết cuối cùng với nội dung như sau :
- Giữ nguyên quyết định thứ nhất và thứ ba của bản án sơ thẩm;
- An Huy Newman trả cho các công ty Tinci 30 triệu RMB và các chi phí hợp lý là 400 ngàn RMB trong vòng 10 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực và Hua, Liu, Hu và Zhu phải chịu trách nhiệm liên đới trong phạm vi 5 triệu, 30 triệu, 1 triệu và 1 triệu RMB.
- Bác bỏ mọi kháng cáo của Hứa, Lưu và An Huy Newman.
4. Nhận xét
Ý nghĩa
Vụ án này là trường hợp đầu tiên đưa ra mức bồi thường trừng phạt trong vụ vi phạm quyền SHTT của SPC Trung Quốc. Tăng năm lần trừng phạt thiệt hại là chỉ dấu rằng Trung Quốc đang tiến tới tăng cường bảo vệ tư pháp đối với bí mật thương mại.
Trong vụ việc vi phạm sẽ cùng xem xét cả yếu tố chủ quan và khách quan. Mức bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt có mối quan hệ tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tình tiết. Việc xác định mức bồi thường sẽ tuân thủ nguyên tắc chừng mực và cân đối. Khi áp dụng hình thức bồi thường mang tính trừng phạt, vai trò của mỗi người vi phạm trong hành vi vi phạm sẽ được xác định hợp lý để xác định trách nhiệm chung.
Các khoản bồi thường mang tính trừng phạt có chức năng trừng phạt, răn đe, ngăn chặn và bồi thường các hành vi vi phạm. Nó đóng một vai trò rõ ràng và thiết thực trong việc chống lại hành vi xâm phạm có chủ ý, bảo vệ hiệu quả sự cạnh tranh dựa trên quyền sở hữu trí tuệ và duy trì trật tự thị trường.
Nguồn :
(i) https://gztinci.en.china.cn/about.html;
(ii) https://www.mondaq.com/australia/court-procedure/1282290/punitive-damages-what-are-they;
(iii) https://www.slwip.com/resources/chinas-supreme-peoples-court-releases-the-top-10-intellectual-property-cases-in-chinese-courts-in-2022/
(++)
[1] Carbomer là một chất có khả năng chống khuẩn cao, ngăn cản sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn hay sự xâm nhập của bụi bẩn gây nổi mụn trên da và có khả năng ngăn tia cực tím gây hại cho da