Logo

Trung Quốc: Sao chép phong cách trang phục có thể cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh

15/08/2023
Vụ việc do Tòa án Internet Quảng Châu xét xử dựa trên Luật chống cạnh tranh không lành mạnh.

1.  Sự việc và các bên

Guanghzou EPO Fashion Co., Ltd. (“EPO”) chịu trách nhiệm về các nhãn hiệu quần áo nổi tiếng MO&Co và Edition MO&Co. Thông tin công khai cho biết tổng doanh thu của EPO năm 2020 đã vượt quá 1,5 tỷ đô la Mỹ.

EPO đã phát hiện ra rằng những người tiêu dùng đã sử dụng các tính năng "tìm kiếm phong cách đúng như vậy" hoặc "tìm kiếm phong cách tương tự " ("search the same style" or "find similar") do các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp đã dẫn đến các dòng quần áo do Hangzhou Laizhe Clothing Co. Ltd. ("Laizhe") bán. Laizhe cung cấp cùng một kiểu quần áo, mặc dù dưới một nhãn hiệu thương mại khác. Bố cục, cách phối màu, kiểu cắt may, hoa văn trang trí và hình thêu của những bộ quần áo này đều rất giống với của EPO. Ngoài ra, các khẩu hiệu quảng cáo và ảnh người mẫu do Laizhe sử dụng cũng bắt chước phong cách và nội dung của các khẩu hiệu do EPO sản xuất (xem hình  bên dưới –EPO bên trái, Laizhe bên phải ). Gần 100 trang phục EPO dường như đã bị Laize sao chép hoặc bắt chước, nhưng giá bán chỉ bằng một phần ba giá của EPO.

 

 

 
















2.   Xét xử tại Tòa án

2.1   Lập luận các bên

EPO đã kiện Laizhe lên Tòa án Internet Quảng Châu, cáo buộc vi phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, bị đơn đã sử dụng hình thêu có bản quyền của nguyên đơn trên sản phẩm may mặc của mình và việc bị đơn bắt chước gần 100 sản phẩm của EPO khiến người tiêu dùng hoang mang và việc chiếm đoạt thị phần chính đáng của nguyên đơn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Laizhe phản bác rằng phong cách trang phục và hoa văn đồ họa của nguyên đơn không phải là nguyên bản và không thể được bảo vệ bởi luật bản quyền, đồng thời quần áo của họ được bán dưới các nhãn hiệu khác nhau và khách hàng mục tiêu của hai nhãn hiệu là khác nhau, do đó không có sự nhầm lẫn về dấu hiệu thương mại và không phải là cạnh tranh không lành mạnh.

2.2   Phán quyết của Tòa án

Trong quyết định của mình, tòa án cho rằng sự nhầm lẫn thương mại bị cấm theo Luật chống cạnh tranh không lành mạnh không chỉ giới hạn ở sự nhầm lẫn do bắt chước các dấu hiệu thương mại (ví dụ: nhãn hiệu, tên doanh nghiệp, tên thương mại, v.v.), mà còn bao gồm sự nhầm lẫn do bắt chước hình ảnh thương mại tổng thể (“trade dress”) và kiểu quần áo, ảnh người mẫu và khẩu hiệu quảng cáo có thể được đưa vào danh mục hình ảnh thương mại tổng thể.

Tòa án cho rằng tính năng "tìm kiếm cùng một phong cách" trên các nền tảng thương mại điện tử có thể trung lập về mặt kỹ thuật, nhưng một số người tiêu dùng sử dụng tính năng này có thể hy vọng tìm thấy cùng một kiểu quần áo với chất lượng tương tự.

Vì bị đơn không chỉ bắt chước phong cách trang phục của nguyên đơn mà còn bắt chước các bức ảnh người mẫu và khẩu hiệu quảng cáo của họ, những hành vi này xét về tổng thể có khả năng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm rằng có mối liên hệ cụ thể giữa quần áo của bị đơn và nguyên đơn, do đó gây ra nhầm lẫn về nhận thức và làm tổn hại đến lợi ích thị trường của nguyên đơn. Tòa cũng cho rằng hành động của bị đơn bám sát nguyên đơn trong việc tung ra những bộ quần áo cùng kiểu dáng cũng là hành vi chiếm đoạt lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Như vậy, tòa án cho rằng hành vi của bị cáo đã cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trong phán quyết sơ thẩm vào tháng 12/2022, tòa án đã chấp nhận  yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn bồi thường thiệt hại và chi phí là 905.000 Nhân dân tệ (khoảng 135.000 USD), đồng thời phải đưa ra lời xin lỗi công khai.

2.3   Nhận xét

Bảo vệ thiết kế và phong cách trang phục từ lâu đã là một thách thức pháp lý.Kiểu dáng và thiết kế quần áo có thể được bảo vệ theo luật bản quyền, nhưng để được công nhận thì cần phải có bằng chứng cho thấy thiết kế và phong cách trang phục đó về thẩm mỹ là độc đáo và sáng tạo ngoài chức năng giản tiện. Tuy nhiên, chức năng mặc thường ngày thường được đánh giá cao hơn cảm nhận độc đáo thẩm mỹ. Điều này gây khó khăn cho việc bảo vệ bản quyền các phong cách trang phục  và chống sao chép phong cách trang phục. Ngoài ra, việc bảo vệ bản quyền còn hạn chế và việc thực thi hiệu quả đối với những kẻ vi phạm bản quyền kiểu dáng quần áo thường bị cản trở bởi gánh nặng chứng minh sự tồn tại của các quyền đối với mỗi kiểu quần áo.

Trong trường hợp này, tòa án đã công nhận phong cách trang phục khác biệt và có ảnh hưởng của nguyên đơn, các bức ảnh người mẫu và khẩu hiệu của nguyên đơn thuộc phạm vi của hình ảnh thương mại tổng thể và nhận thấy rằng việc bắt chước bán buôn của bị đơn đã cấu thành "hành vi đủ để khiến mọi người hiểu lầm rằng ....có mối liên hệ cụ thể với người khác" bị nghiêm cấm theo Luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Kết luận  này rất đáng khích lệ đối với các công ty thời trang vì nó có thể mở ra cơ hội áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền hàng loạt về kiểu dáng và phong cách trang phục.

3.   Về Tòa án Internet Trung Quốc .

3.1  Thành lập

Vào tháng 8/2017, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPC) đã thành lập tòa án Internet đầu tiên tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Hàng Châu là trụ sở chính của Alibaba, công ty TMĐT lớn nhất Trung Quốc và cũng là thành phố thịnh vượng nhất trong ngành TMĐT của Trung Quốc, hàng năm có một số lượng rất lớn các tranh chấp TMĐT và các tòa án ở Hàng Châu đã giải quyết các tranh chấp này, vì vậy SPC đã thành lập tòa án Internet đầu tiên ở Hàng Châu.Tính đến ngày 17/8/2018, tòa án này  đã tiếp nhận 12.074 vụ việc liên quan đến Internet và 10.391 vụ việc đã được kết luận. Thời lượng trung bình của các vụ xử trực tuyến này là 28 phút và thời gian xử lý trung bình từ khi nộp đơn đến khi xử và đưa ra kết luận là 38 ngày.

Vào tháng 8/2018, tòa án đã đưa ra phán quyết về trường hợp cạnh tranh không lành mạnh đầu tiên của Trung Quốc trong các sản phẩm dữ liệu lớn (big data products). Trong vụ việc này, tòa án đã ủng hộ yêu cầu của nguyên đơn Taobao và xác định rằng hành vi của bị đơn, mua dữ liệu của Taobao, bán lại cho người khác, đã thu được lợi nhuận và do đó cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Do Tòa án Internet Hàng Châu đã đạt được nhiều tiến bộ, vào tháng 9/2018, SPC đã lần lượt thành lập các Tòa án Internet, ở Bắc Kinh và ở Quảng Châu vì đây là các trung tâm công nghiệp Internet củaTrung Quốc, nơi các công ty Internet lớn như Baidu, JD, Tencent, Huawei và Dajiang...đặt trụ sở.

3.2   Thẩm quyền xét xử

Theo Quy định của SPC, thẩm quyền xét xử sơ thẩm dân sự và hành chính của của Tòa án Internet gồm:

 (1) Tranh chấp hợp đồng về mua sắm trực tuyến, dịch vụ và cho vay tài chính, v.v.;

 (2) Tranh chấp bản quyền trực tuyến;

 (3) Tranh chấp tên miền internet;

 (4) Tranh chấp về việc sử dụng Internet xâm phạm quyền nhân thân, tài sản của người khác;

(5) Tranh chấp về trách nhiệm sản phẩm do mua sắm trực tuyến;

(6) Các vụ kiện liên quan đến lợi ích công cộng do cơ quan công tố đưa ra;

(7) Các vụ kiện hành chính phát sinh từ hoạt động quản lý Internet của các cơ quan hành chính.

Tòa án Internet là tòa án nhân dân sơ cấp, vì vậy tòa án cấp hai là tòa án nhân dân trung cấp địa phương.

SPC yêu cầu việc xét xử trực tuyến phải tuân thủ nguyên tắc xét xử trực tiếp và nguyên tắc lời nói trực tiếp, vì vậy việc xét xử được tiến hành với sự trợ giúp của hệ thống video trực tuyến, thay vì chỉ dựa vào giao tiếp bằng hình ảnh hoặc lời nói. Trường hợp đương sự không tham gia phiên tòa trực tuyến đúng thời hạn sẽ được coi là “từ chối hầu tòa”, trừ trường hợp xảy ra sự cố mạng, sự cố thiết bị, mất điện hoặc các sự kiện bất khả kháng khác và trường hợp đương sự bỏ phiên tòa đang diễn ra xét xử mà không xin phép thì bị coi là “tự ý rút lui trong phiên toà”.

Nguồn : 
(i) China: copying clothing style may constitute unfair competition; 

https://www.marks-clerk.com/insights/articles/china-copying-clothing-style-may-constitute-unfair-competition/
ii) https://www.chinajusticeobserver.com/a/china-establishes-three-internet-courts-to-try-internet-related-cases-online;; 
(iii)https://www.chinajusticeobserver.com/a/how-to-litigate-before-the-internet-courts-in-china

 

Các bài viết khác