Logo

Luật SHTT sửa đổi 2022: Quy định về giải quyết khiếu nại SHCN

28/03/2023
Bài viết đề cập tới quy định về khiếu nại sở hữu công nghiệp (SHCN), cụ thể là Điều 119a.

Thực tế cho thấy một thủ tục quan trọng, thường nảy sinh trong hoạt động xác lập và thực thi quyền SHCN cho tới Luật SHTT sửa đổi 2022 mới được quy định. Trước đó, khiếu nại SHCN được thực hiện dựa trên Luật về khiếu nại và được cụ thể hóa tại các văn bản dưới Luật là Nghị định 103/2006/NĐ-CP[1] và Thông tư 01/2007/TT-BKHCN[2].

1. Quy định tại Luật SHTT sửa đổi 2022

Luật SHTT sửa đổi 2022 ban hành Điều 1.44 bổ sung Điều 119a Về Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về SHCN như sau:

1. Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

3. Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan. Đơn khiếu nại được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến.

4. Trong trường hợp khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác cần thẩm định lại, người khiếu nại phải nộp phí thẩm định lại.

5. Thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này hoặc người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại, thời gian thẩm định lại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Thời hạn thẩm định lại được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này.

6. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại không quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2.Một số nhận xét

2.1 Về nội dung

Ở mức độ luật, Điều 119a đề cập và khẳng định những nội dung sau:

- Chủ thể có quyền khiếu nại, đơn khiếu nại;

- Trường hợp khiếu nại thông qua đại diện;

- Thời hạn giải quyết khiếu nại (theo quy định của pháp luật khiếu nại, nhưng có tính đến việc thẩm định lại, sửa đổi…);

- Áp dụng pháp luật khiếu nại.

2.1 Một số nhận xét 

Nội hàm của Điều119a khá rộng. Để thực thi hiệu quả nhất thiết phải có một hướng dẫn thực hiện chi tiết của Chính phủ (bằng Nghị định) hoặc của Bộ Khoa học và Công nghệ (bằng Thông tư). Đáng tiếc, không có điều khoản nào của Luật SHTT sủa đổi 2022 đề cập tới trách nhiệm này.

Điều 119a có một số điểm không rõ và có thể gây tranh cãi, cụ thể là:

(i) Điều 119a vẫn không không định rõ khiếu nại SHCN được thực hiện trên cơ sở/lý do nào. Bởi vậy, phải chăng sẽ phải hiểu theo và vận dụng Điều 2.1 Luật Khiếu nại số 03/VBHN – VPQH ngày 06.8.2021 (Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 ngày 25/11/2013), đó là “… khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

Vì đối xử tương tự như khiếu nại trong các lĩnh vực khác rất dễ hiểu nhầm, đánh giá sai về hoạt động và chức năng của cơ quan xác lập quyền SHCN, cụ thể là Cục SHTT.  Những năm qua, trung bình hàng năm Cục SHTT đã nhận được một khối lượng đơn khiếu nại rất lớn, ví dụ, năm 2021 số lượng đơn khiếu nại phải giải quyết là 1134[3].

(ii) Quy định buộc các đối tượng nước ngoài không có sự hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam phải nộp đơn khiếu nại thông qua đại diện, tuy nhiên không đề cập đến trường hợp các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài và không có sự hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam?.

(iii)  Về thẩm định lại: Sự bất hợp lý ở đây là không quy định rõ ràng lý do của việc phải thẩm định lại (tức là người khiếu nại phải nộp phí và bị kéo dài thời gian)? Vì sao khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký thì nhất định phải nộp phí thẩm định lại giống như các trường hợp cần phải thẩm định lại khác, ví dụ:  nếu hồ sơ liên quan đến quyền đăng ký đã nộp đầy đủ từ lúc nộp đơn đăng ký nhưng có sai sót trong quá trình thẩm định hình thức dẫn đến thể hiện sai tên chủ VBBH (lỗi đanh máy?) thì cũng phải nộp lệ phí thẩm định lại .

Đồng thời thời hạn thẩm định  lại “liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác”  trong đơn khiếu nại được áp dụng theo quy định tại Điều 119.3 (được nêu tại Khoản 5) cũng không phù hợp, bởi quy định tại Điều 119.3 dành cho thời hạn  thẩm định lại toàn bộ đơn đăng ký SHCN, như sau:

“ 3. Thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký SHCN bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu”.

(iv) Không có khái niệm về “tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp...” (được nêu tại Khoản 1) nên sẽ khó xác định chính xác quyền khiếu nại , đồng thời quy định việc người khiếu nại phải nêu rõ trong đơn khiếu nại  “...số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại..” là không khả thi đối với người có liên quan vì thông thường đối tượng này không nhận được các văn bản nêu trên, ví dụ tác giả sáng chế nếu không phải là người nộp đơn đăng ký thì thường không nhận được các văn bản thẩm định của Cục SHTT và các văn bản này không phải lúc nào cũng được công bố.

(v) Về thời hạn áp dụng Điều 119a:

Trong quy định chuyển tiếp của Luật Sửa đổi SHTT 2022 không đề câp đến Điều 119a, có nghĩa là quy định này áp dụng cho các đơn khiếu nại nộp sau ngày 01/01/2023, nhưng liệu có áp dụng cho các đơn đăng ký SHCN nộp trước ngày 01/01/2023 không ?.

(vi) Áp dụng pháp luật khiếu nại.

Khoản 6 của Điều 119a quy định Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại không quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Như vậy rất nhiều nội dung liên quan đến khiếu nại SHCN : như thủ tục, trình tự , mẫu văn bản ... đều phải theo quy định tương ứng của Luật Khiếu nại.

(vii) Bên liên quan

Sự tuân thủ trình tự theo luật khiếu nại có thể sẽ có những phức tạp nếu quá trình giải quyết khiếu nại có sự tham gia của bên có liên quan, cụ thể :

Theo Khoản 1 của Điều 119a thì “Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp...” có quyền khiếu nại, như vậy quyền khiếu nại thuộc về nhiều chủ thể có mối quan hệ khác nhau  (liên quan)  với quyết định bị khiếu nại và tất cả các chủ thể đều có thể thực hiện khiếu nại về một quyết định có liên quan cùng một thời điểm, có nghĩa là  việc giải quyết khiếu nại phải cân nhắc ý kiến của nhiều bên. Nội dung này đã được thể hiện  tại Điểm 22.7 Thông tư Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, như sau:

a) Đối với những đơn khiếu nại đã thụ lý, người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, nghĩa vụ liên quan trực tiếp (sau đây gọi là “bên liên quan”) và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến;

b) Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu tại điểm 22.7.a trên đây, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại;

c) Người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung ý kiến của bên liên quan và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người khiếu nại có ý kiến phản hồi ý kiến của bên liên quan;

d) Nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại tiếp tục lấy ý kiến của các bên theo quy trình và thời hạn nêu trên.

Nếu kết thúc thời hạn ấn định mà một bên không có ý kiến thì khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở ý kiến của bên kia.

Theo Điều 2.7 của Luật Khiếu nại thì “ Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải là người khiếu nại, người bị khiếu nại nhưng việc giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ. Như vậy, chủ thể có liên quan theo Luật khiếu nại không thực hiện việc khiếu nại như người khiếu nại và tại quyết định giải quyết khiếu nại  lần 1 cũng như lần 2 (Điều 31, 40) cũng không đề cập đến bên liên quan.

Do vậy trong khi đối với bên liên quan quyết định giải quyết khiếu nại của Cục SHTT là một quyết định hành chính thì quyết định đó lại là quyết định giải quyết khiếu nại lần một với người khiếu nại, và có thể xảy ra tình huống là nếu các bên đều không đồng tình với quyết định thì sẽ xảy ra tình trạng khiếu nại đan xen, chồng chéo, ví dụ:

Nếu có người đề nghi hủy bỏ hiệu lực VBBH và Cục ra quyết định không chấp nhận đề nghị hủy bỏ hiệu lực và người đó có thể khiếu nại quyết định đó – khiếu nại lần 1;

Cục SHTT ra quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, theo đó chấp nhận một phần đề nghị của người khiếu nại, tức là hủy bỏ một phần VBBH có liên quan, người khiếu nại vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ - khiếu nại lần hai của người đề nghị hủy bỏ hiệu lực.

Chủ VBBH không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về việc hủy bỏ một phần hiệu lực VBBH và khiếu nại về  quyết định  đó, khiếu nại lần 1 của chủ VBBH.

Như vậy, cùng một thời điểm một quyết định cùng bị khiếu nại bởi hai chủ thể tại hai cấp giải quyết khác nhau.

(viii) Mối liên hệ với các quy định giải quyết khiếu nại SHCN đã có từ trước

Trước khi có Luật SHTT sửa đổi 2022 thì các quy định về khiếu nại được thể hiện tại Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ – CP và điểm 22 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (các văn nêu trên đã được sửa đổi nhiều lần kể từ thời điểm ban hành), căn cứ theo Luật khiếu nại thì nhiều nôi dung trong đó có  những nội dung dưới đây không còn phù hợp, vì:

-  Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án - Khoản 2 Điều 14 Nghị định 103/2006/NĐ-CP. Nội dung này không phù hợp vì  bên liên quan không được ghi nhận có quyền khiếu nại 

- b) Các quyết định, thông báo có thể bị khiếu nại …bao gồm các quyết định, thông báo sau đây:

(v) … Quyết định cấp văn bằng bảo hộ (điểm 18.2.a), trừ trường hợp văn bằng bảo hộ tương ứng có thể bị hủy bỏ hiệu lực tại Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm 21 của Thông tư này;

(vi) …Quyết định chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu đăng ký quốc tế , trừ trường hợp đăng ký quốc tế tương ứng có thể bị hủy bỏ hiệu lực tại Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ và điểm 21 của Thông tư này;

Điểm 22 của thông tư 01/2006/TT-BKHCN được sửa đổi bổ sung tại điểm 21 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN. Nôi dung này không phù hợp vì Luật khiếu nại không quy định hạn chế khiếu nại khi có thể “thay thế” bằng một thủ tục khác./.

 


[1] Nghị định số 103/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp

[2] Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/2/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP

[3] Báo cáo thường niên Cục SHTT 2022, https://ipvietnam.gov.vn/documents/20195/1374148/BCTN+SHTT+2021+trang+%C4%91%C3%B4i.pdf/1f4a5e23-818c-474f-9175-2b1c464a22c7

 

Các bài viết khác