Logo

Hoa Kỳ: Tòa án Tối cao bác bỏ nỗ lực đăng ký nhãn hiệu 'Trump Too Small'

16/07/2024
Tòa cho rằng nếu người nộp đơn nhãn hiệu  “TRUMP TOO SMALL” giành chiến thắng,  mọi người khi đó sẽ chạy đua để đăng ký nhãn hiệu kiểu “Trump thế này, Trump thế kia”.

Hôm thứ Năm (13.6.2024)Tòa án tối cao đã nhất trí ra phán quyết có lợi cho chính phủ liên bang, Cơ quan này đã bác bỏ nỗ lực của luật sư Steve Elster nhằm đăng ký nhãn hiệu cho cụm từ “Trump Too Small”[1] (tạm dịch, Trump quá bé nhỏ). Cụm từ này được sử dụng trên áo phông nhằm chỉ trích chương trình nghị sự chính trị của Donald Trump.

Cụm từ này ám chỉ đến cuộc trao đổi đáng nhớ mà Trump đã có trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 với đối thủ là thượng nghị sĩ Marco Rubio bang  Florida.Marco Rubio đã chế nhạo bàn tay nhỏ nhắn của Trump và Trump đáp lại bằng cách gọi Rubio là "Marco bé nhỏ".


Vụ kiện mới nhất này bất thường ở chỗ chính quyền của Tổng thống Joe Biden đứng về phía Trump.
Bộ Tư pháp đang hỗ trợ đối thủ một thời và có thể là tương lai của Tổng thống Joe Biden trong việc thúc giục tòa án từ chối nhãn hiệu cho cụm từ gợi ý “Trump Too Small”.

Chính quyền đang bảo vệ quyết định của các Cơ quan chính phủ từ chối yêu cầu đăng ký nhãn hiệu. Khi Elster tìm cách đăng ký nhãn hiệu với Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) vào năm 2018, ông đã bị từ chối với lý do công chúng sẽ liên tưởng ngay từ "Trump" với tổng thống khi đó. Theo USPTO Luật  quy định rằng đơn  nhãn hiệu sẽ bị từ chối nếu yêu cầu đó liên quan đến tên, chân dung hoặc chữ ký “xác định một cá nhân sống cụ thể” trừ khi người đó có “sự đồng ý bằng văn bản”. Các quan chức chính phủ cho biết cụm từ “Trump Too Small” vẫn có thể được sử dụng, nhưng không được đăng ký bảo hộ  nhãn hiệu vì  ông Trump chưa đồng ý cho  sử dụng nó.

Nhưng Elster nói rằng việc từ chối đăng ký khẩu hiệu chính trị chỉ trích Trump do không có sự đồng ý của Trump là vi phạm điều khoản Tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất. Các luật sư của Elster cho biết luật liên bang “làm cho việc đăng ký nhãn hiệu thể hiện quan điểm về một nhân vật của công chúng hầu như không thể thực hiện được”.Tòa phúc thẩm liên bang Hoa Kỳ khi xét vụ kiện vào năm 2022 cũng cho rằng việc từ chối đăng ký nhãn hiệu đã vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Các thẩm phán Tòa án tối cao phán quyết rằng luật liên bang không vi phạm Tu chính án thứ nhất, Thẩm phán Clarence Thomas viết cho tòa án rằng việc cấm đăng ký nhãn hiệu trên tên người khác là một thông lệ lâu đời nhằm bảo vệ “danh tiếng và thiện chí” của người đó và “một bên không có quyền theo Tu chính án thứ nhất để tận dụng thiện chí mà một thực thể khác đã xây dựng dưới danh nghĩa của mình”. Quyết định này đảo ngược quyết định  Tòa phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ nêu trên .

Nhận xét :

Nhiều chuyên gia pháp luật đã dự kiến về phán quyết nêu trên của Tòa án tối cao từ trước, họ  nhấn mạnh rằng phán quyết có lợi cho người nộp đơn  có thể có tác động ngoài ý muốn trong lĩnh vực pháp luật nhãn hiệu. Chánh án John Roberts thừa nhận những gì có thể xảy ra nếu người nộp đơn nhãn hiệu “TRUMP TOO SMALL” giành chiến thắng, đó là  mọi người khi đó sẽ chạy đua để đăng ký nhãn hiệu kiểu “Trump thế này, Trump thế kia”.

Tuy nhiên Thẩm phán  Thomas cũng  lưu ý rằng phán quyết nêu trên của Tòa án chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp đối với các chi tiết cụ thể của vụ việc này và “không đặt ra một khuôn khổ toàn diện để đánh giá liệu tất cả các hạn chế nhãn hiệu dựa trên nội dung nhưng trung lập về quan điểm có hợp hiến hay không”./.

Nguồn: 
https://www.pbs.org/newshour/politics/you-cant-trademark-trump-too-small-supreme-court-rules
https://www.washingtonpost.com/politics/2024/06/13/supreme-court-trump-too-small/ 
https://www.forbes.com/sites/alisondurkee/2024/06/13/trump-too-small-supreme-court-wont-allow-trademark-of-t-shirts-criticizing-ex-president/

(++)

Các bài viết khác