Logo

Hồ sơ: Vụ xâm phạm bằng sáng chế phương pháp sản xuất mì ăn liền tại Nga

01/11/2021

Tóm tắt

Năm 1996, báo Thương nhân/«Коммерсантъ» của CHLB Nga đã đề cập đến vụ tranh chấp sáng chế liên quan đến doanh nghiệp sử dụng phơng pháp và thiết bị sản xuất mì ăn liền được nhập khẩu từ Việt Nam do Tòa án Trọng tài Khu vực Mátxcơva xét xử .Sự việc xảy ra đã lâu nhưng nôi dung vẫn còn tính thời sự với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Năm 1994, hai công dân Nga đã sáng chế ra "phương pháp sản xuất mì ăn liền" và được cấp bằng sáng chế tại Nga. Bằng sáng chế có hiệu lực vào tháng 6 năm 1994, và theo luật của Nga, kể từ thời điểm đó, chỉ có chủ sở hữu Bằng sáng chế mới có độc quyền sử dụng sáng chế. Trong trường hợp bất kỳ doanh nghiệp nào muốn sử dụng phương pháp sản xuất mì này, thì doanh nghiệp đó có nghĩa vụ ký thỏa thuận cấp phép với các chủ sở hữu Bằng sáng chế, theo đó chủ sở hữu Bằng sáng chế sẽ được chia phần từ lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, cùng thời gian, một phương pháp làm mì ăn liền tương tự đã được tạo ra ở Việt Nam (theo bài báo). Người Việt Nam bắt đầu sản xuất các dây chuyền đặc biệt để sản xuất mì ăn liên, một số lượng đáng kể được đưa sang Nga. Kết quả là, các nhà sáng chế Nga bắt đầu phải đối mặt với thực tế là phương pháp sản xuất được cấp bằng sáng chế của họ đã bị sử dụng bất hợp pháp trên những dây chuyền như vậy. Ví dụ, những người có bằng sáng chế được biết rằng tại thành phố Zheleznodorozhny, Vùng Matxcova,  Công ty  Milana Food LLC sản xuất mì ăn liền theo dây chuyền của Việt Nam.

Các chủ sở hữu của bằng sáng chế đã cố gắng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, nhưng họ đã không thành công. Sau đó họ quyết định kiện ra Tòa. Sau khi thu thập thông tin và các dữ liệu cần thiết, bên khởi kiện tính toán rằng nếu như thỏa thuận cấp phép được ký kết với Công ty Milana Food, chủ văn bằng sáng chế sẽ có thể thu được 1,8 tỷ rúp. Số tiền này, như một khoản lợi nhuận bị mất, đã được quyết định thu hồi từ người vi phạm tại Tòa án Trọng tài Khu vực Mátxcơva.

Đại diện của Milana Food đã tranh luận trong các phiên điều trần rằng họ không vi phạm quyền của bất kỳ ai. Phương pháp làm mì của Bị đơn được sáng chế tại Việt Nam, dây chuyền sản xuất sản phẩm cũng vậy. Ngoài ra, Bị đơn đã trình ra tòa các tài liệu mà theo đó công ty đã bắt đầu chuẩn bị cho việc sản xuất mì sớm hơn so với ngày đăng ký bằng sáng chế của Nguyên đơn. Theo Luật Sáng chế của Nga, trong những trường hợp như vậy, một pháp nhân có quyền tiếp tục sản xuất miễn phí, vì họ có quyền "sử dụng trước".

Tuy nhiên, tòa án nhận thấy chứng cứ về "sử dụng trước" không được xác định. Các thẩm phán chỉ ra rằng tất cả các khâu chuẩn bị cho việc sản xuất mì Milana Food đều được thực hiện mà không nêu rõ phương pháp sản xuất. Công thức sản xuất tại quy định về công nghệ được phê duyệt sau khi Bị đơn nộp đơn đăng ký sáng chế. Đồng thời, kết quả giám định theo trưng cầu của tòa án cho thấy phương pháp sản xuất mì của Nguyên đơn và Bị đơn là trùng khớp. Tòa cũng bỏ qua ý kiến của Bị đơn rằng công thức sản xuất đang sử dụng được sáng chế tại ở Việt Nam. Tòa án đã viện dẫn Công ước Paris về Bảo hộ Sở hữu Công nghiệp; theo đó, "...bằng sáng chế, đơn đăng ký đã được công dân của họ nộp ở các quốc gia khác nhau của Liên minh, độc lập với các bằng sáng chế nhận được cho cùng một sáng chế ở các quốc gia khác,dù là thành viên của Liên minh hay không...”[1]. Vì vậy, ngay cả khi một phương pháp sản xuất mì tương tự được sử dụng ở Việt Nam, nó chỉ có thể được sử dụng ở Nga khi ký kết thỏa thuận với chủ sở hữu bằng sáng chế. Kết quả là, tòa án đã công nhận thực tế vi phạm và cấm Milane FOOD LLC sử dụng sáng chế đã được cấp bằng sáng chế. Ngoài ra, tòa án cũng đồng ý với yêu cầu thu hồi 1,8 tỷ rúp tiền bồi thường thiệt hại từ Công ty này.

Bình luận :

- Về Bị đơn :

Quá đáng tiếc cho Bị đơn khi bị tuyên là xâm phạm quyền trong vụ việc này.Căn cứ vào các quy định về bảo hộ sáng chế Bị đơn có hai khả năng để để bác bó cáo buộc xâm phạm quyền sáng chế, đó là:

(i) Yêu cầu hưởng quyền của người sử dụng trước:

Việc nhập khẩu dây chuyền sản xuất mì ăn liên và chuẩn bị sản xuất từ trước khi Nguyên đơn nộp đơn đăng ký sáng chế cho thấy Bị đơn có đủ điều kiện để hưởng quyền của Người sử dụng trước đối với sáng chế, bởi vì thông thường khi bán dây chuyền sản xuất mì ăn liền thì bên mua cũng được hướng dẫn luôn phương pháp sản xuất (như một dạng chuyển giao công nghệ), không ai mua dây chuyền sản xuất mì ăn liền mà không nắm được phương pháp.Bị đơn cần chứng minh dây chuyền mì ăn liên phù hợp với phương pháp đó, đặc biệt là khi Tòa đã thừa nhận phương pháp sản xuất mì của Bị đơn trùng với sáng chế được bảo hộ cho Nguyên đơn.Quyền sử dụng trước được quy định tại Luật SHTT của  nhiều nước,  Điều 12 - . Quyền sử dụng trước của Luật  Sáng chế của LB Nga năm 1992 (sửa đổi năm 2006) quy định như sau:

“...Bất kỳ thể nhân hoặc pháp nhân nào, trước ngày ưu tiên của một sáng chế, mẫu  hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp, mà đã sử dụng một cách trung thực  trên lãnh thổ Liên bang Nga, một giải pháp trùng hoặc  được tạo ra độc lập với tác giả của giải pháp được bảo hộ  hoặc đã chuẩn bị mọi điều cần thiết cho việc  sử dụng này, quyền tiếp tục sử dụng miễn phí  mà không được  mở rộng phạm vi sử dụng đó.

Quyền sử dụng trước chỉ có thể được chuyển giao cho một thể nhân hoặc pháp nhân khác cùng với dây truyền  sản xuất nơi  mà việc sử dụng cùng một giải pháp đã diễn ra hoặc điều kiện cần thiết  cần thiết để sử dụng  đã được thực hiện...”.

Ở Việt Nam nôi dung này cũng được quy định tại Điều 134, Luật SHTT 2005

(ii) Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng sáng chế của Nguyên đơn .

Việc sản xuất mì ăn liền đã trở thành phổ biến ở Việt Nam trước năm 1994 khá lâu; việc Tòa thừa nhận phương pháp sản xuất của Bị đơn trùng với sáng chế cuả Nguyên đơn cho thấy rất nhiều khả năng là sáng chế này đã không đáp ứng tiêu chuẩn tính mới vì đã bị bộc lộ trước, ít nhất là tại Việt Nam. Trong trương hợp đề nghị hủy bỏ hiệu lực sáng chế, hoàn toàn có thể chứng minh rằng việc các công dân Nga đăng ký sáng chế không phải là tình cờ, một người trong số họ đã có thời gian làm việc tại Việt Nam trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế.

- Về Bản án :

Qua bài báo trên cũng có thể thấy bản án không thật sự chính xác, việc Tòa không cho Bị đơn hưởng quyền của Người sử dụng trước là không phù hợp như lập luận đã nêu trên.Việc Tòa “bỏ qua” ý kiến của Bị đơn về việc phương pháp sản xuất mì ăn liền được tạo ra tại Việt Nam (trùng với sáng chế được bảo hộ tại Nga) đã làm mất cơ hội đánh giá tính mới của sáng chế có liên quan, đồng thời việc viện dẫn nội dung Công ước Paris (Điều 4 bis) để bác biện hộ của Bị đơn là không phù hợp: Nôi dung của Điều 4 bis nhằm đảm bảo cho sự độc lập của các nước trong việc cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đối với sáng chế được đăng ký ở nhiều nước khác nhau (có cùng quyền ưu tiên từ một đơn đăng ký sáng chế ban đầu), không phải là trường hợp sáng chế trùng lặp với một giải pháp được biết tại nước khác như đã nêu trong vụ việc này.

- Về Nguyên đơn.

Nguyên đơn không phải là nhà sản xuất mì ăn liền hoặc nhà nghiên cứu về công nghệ sản xuất mì ăn liền.Việc đăng ký sáng chế của Nguyên đơn nhằm mục đích sử dụng sáng chế được bảo hộ để đòi tiên bồi thường của nhà sản xuất thông qua thủ tục tố tụng, hiện tượng này ngày nay đã trở thàn vấn nạn trong hoạt động bảo hộ sáng chế.

- Về Doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy các bên trong vụ kiện đều là chủ thể tại LB Nga nhưng thực chất vụ án liên quan đến sản phẩm Việt Nam (dây chuyền sản xuất nhập nhập khẩu, phươg pháp sản xuất mì) .Vụ án này sẽ không có quyết định bất lợi của Tòa như đã nêu trên nếu trong các tài liệu mua bán dây chuyền mì ăn liền có cả tài liệu liên quan đến phương pháp sản sản xuất mì trên dây chuyền đó.Nếu có đầy đủ tài liệu về phương pháp sản xuất mì cùng với hồ sơ mua bán dây chuyền  thì Tòa án Nga không thể có nhận định “...chứng cứ về sử dụng trước không được xác định...”.Việc hoàn thiện hồ sơ không phải là điều khó khăn nhưng doanh nghiệp Việt Nam không coi trọng.Đây cũng là một bài học cho doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra thì trường thế giới, đặc biệt có giá trị trong hoàn cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay./.

Nguồn :

Вьетнамская лапша не прижилась на русской земле/Mì Việt không bén rễ trên đất Nga.
https://www.kommersant.ru/doc/245137

 


[1] Điều 4bis Công ước Paris: Patent: Sự độc lập của các patent cấp cho cùng một sáng chế  tại các nước khác nhau

(1) Các patent do công dân của các nước thành viên của Liên minh xin cấp tại các nước thành viên khác nhau của Liên minh sẽ độc lập với những patent cấp cho cùng một sáng chế ở những nước khác bất kể nước đó có hay không là thành viên của Liên minh.

(2) Quy định ở khoản (1) trên đây phải hiểu theo nghĩa không bị hạn chế, cụ thể với nghĩa là patent cấp cho đơn nộp trong thời hạn ưu tiên sẽ độc lập cả về phương diện lý do dẫn đến huỷ bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực, cả về phương diện xác định thời hạn hiệu lực thông thường.

Các bài viết khác