Logo

EU: Hàng hóa/dịch vụ đăng ký sai nhóm không phải là hành vi không trung thực

15/01/2025
Luật nhãn hiệu của mọi quốc gia đều quy định nếu một nhãn hiệu được đăng ký một cách không trung thực thì sẽ bị từ chối hoặc hủy bỏ hiệu lực khi phát hiện ra. Luật SHTT Việt Nam, tại Điều 96.2, quy định nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ hiệu lực trong trường hợp người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu. Tuy nhiên xác định thế nào là “không trung thực” hoặc “với dụng ý xấu” vẫn là vấn đề tranh cãi…và hầu hết cần có sự phán quyết của tòa án.

Tòa án Chung EU (The General Court-GC) đã ra phán quyết rằng việc đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa thuộc một nhóm không chính xác tự nó không chứng minh được hành vi xấu (T166/23) trong một quyết định được công bố vào ngày 4/9/2024.

DecoPac sở hữu nhãn hiệu DECOPAC, đăng ký bảo hộ hàng hóa/dịch vụ ở Nhóm 29, 30 và 35. Nhãn hiệu đã bị hủy bỏ hiệu lực một phần do không được sử dụng cho tất cả hàng hóa/dịch vụ ngoại trừ những hàng hóa/dịch vụ ở Nhóm 30, tức là “vật trang trí ăn được và không ăn được đặt trên bánh ngọt và bánh nướng”.

Người nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của nhãn hiệu DECOPAC (“người nộp đơn”), dựa trên Điều 59(1)(b) của Quy định 2017/1001, lập luận rằng việc nộp đơn cho đồ vật trang trí “không ăn được” vào Nhóm 30 khi nhóm này chỉ dành riêng cho hàng hóa ăn được đã chứng minh sự thiếu thiện chí của DecoPac. Hơn nữa, tại thời điểm nộp đơn, DecoPac không có ý định sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ trong Nhóm 29 và 35.

Hội đồng Giải quyết Khiếu nại (“Hội đồng”) đã từ chối việc tuyên bố hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu.

Tòa án Chung (GC) đã giữ nguyên quyết định của Hội đồng. GC chấp nhận rằng việc đăng ký đồ trang trí không ăn được trong Nhóm 30 là không đúng, nhưng cho rằng việc đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa sai nhóm tự nó không chứng minh được trạng thái hoặc ý định không trung thực theo nghĩa của luật lệ hiện hành về hành vi xấu (“bad faith”), như các án lệ trong vụ Koton (C104/18 P, EU:C:2019:724) và Sky and Others (C371/18, EU:C:2020:45).

GC cho rằng bảng Phân loại hàng hóa Nice chỉ có mục đích hành chính và do đó, việc phân loại hàng hóa không đúng không thể làm thay đổi phạm vi bảo hộ được cấp cho nhãn hiệu. Lỗi phân loại không phải là lỗi mang lại cho DecoPac bất kỳ lợi thế nào so với các đối thủ cạnh tranh của mình. Theo đó, người nộp đơn đã thất bại trong việc chứng minh rằng DecoPac có ý định, theo cách không phù hợp với các hoạt động trung thực, làm suy yếu lợi ích của bên thứ ba hoặc ý định đạt được, thậm chí không nhắm vào một bên thứ ba cụ thể, quyền độc quyền cho các mục đích khác ngoài các mục đích nằm trong chức năng của nhãn hiệu.

Đối với hàng hóa/dịch vụ trong Nhóm 29 và 35, rõ ràng từ các án lệ rằng không thể suy đoán hành vi xấu dựa trên phát hiện đơn thuần rằng, tại thời điểm nộp đơn xin đăng ký, DecoPac không có hoạt động kinh tế tương ứng với hàng hóa/dịch vụ được đề cập trong đơn. Hơn nữa, tuyên bố rằng DecoPac không có ý định sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa/dịch vụ trong Nhóm 29 và 35 là suy đoán và không có căn cứ./.

Nguồn: INTA Bulettin, Published: October 16, 2024; 
https://www.inta.org/perspectives/law-practice/european-union-filing-of-goods-in-incorrect-class-is-not-bad-faith/

Các bài viết khác