Logo

BỒ ĐÀO NHA: Tòa án bác bỏ Văn phòng SHTT về khả năng phân biệt của RETAILPHARMA.

23/08/2023
Trong vụ này quyết định của Tòa gây tranh cãi...

Tòa án Sở hữu trí tuệ Bồ Đào Nha (IPC) đã cấp đăng ký nhãn hiệu quốc gia cho đơn đăng ký dấu hiệu chữ “RETAILPHARMA” cho các dịch vụ thuộc Nhóm 44, hủy bỏ quyết định từ chối của Văn phòng Nhãn hiệu Bồ Đào Nha (PTO) cho rằng dấu hiệu này thiếu khả năng phân biệt. IPC đã đưa ra phán quyết của mình (vụ số 413/22.7YHLSB) vào ngày 9/3/2023 và phán quyết này được công bố trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ Bồ Đào Nha vào ngày 2/6/2023.

Farmácia Central de Carnaxide, Lda., đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Bồ Đào Nha số 681954 “RETAILPHARMA (nhãn hiệu chữ) cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như dịch vụ chăm sóc vệ sinh và sắc đẹp cho con người và động vật, thuộc Nhóm 44, vào ngày 3/3/2022. Người nộp đơn đã sở hữu tên miền Bồ Đào Nha www.retailpharma.pt kể từ cùng ngày.

Vào ngày 17/6/2022, PTO đã tạm thời từ chối đơn đăng ký đó với lý do không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, nhấn mạnh rằng RETAILPHARMA  thiếu khả năng phân biệt đối với các dịch vụ xin đăng ký. Thẩm định viên nhãn hiệu chia sẻ quan điểm rằng cụm từ RETAILPHARMA chỉ là một “diễn đạt thông tin” , vì “RETAIL” (“bán lẻ”)  là chỉ dẫn về loại hình dịch vụ và “PHARMA” (“dược phẩm”) dùng để chỉ lĩnh vực kinh doanh dược phẩm.

Người nộp đơn đã trả lời PTO  nhưng vào ngày 3/8/2022, PTO đã xác nhận giữ nguyên quyết định tạm thời và đưa ra quyết định cuối cùng từ chối đăng ký. PTO nhắc lại rằng, bất chấp lập luận của người nộp đơn, RETAILPHARMA thiếu khả năng phân biệt, vì người tiêu dùng sẽ coi đó là chỉ dẫn đơn thuần cho các dịch vụ được liệt kê trong Nhóm 44, thay vì chỉ dẫn về nguồn gốc thương mại của sản phẩm. Hơn nữa, người nộp đơn đã không cho thấy rằng dấu hiệu đã đạt được khả năng phân biệt thông qua việc sử dụng, vì www.retailpharma.pt chuyển hướng người tiêu dùng đến https://farmaciavirtual.pt/.

Người nộp đơn đã kháng cáo lên IPC, IPC đã hủy bỏ sự từ chối của PTO, kết luận rằng RETAILPHARMA có khả năng phân biệt vì (i) các dịch vụ trong Nhóm 44 không phải là dịch vụ bán lẻ cụ thể và (ii) RETAILPHARMA là kết quả của sự kết hợp giữa hai cụm từ “RETAIL” (bán lẻ) và “PHARMA” (dược phẩm), theo quan điểm của IPC, cho phép người tiêu dùng, liên kết các dịch vụ mang nhãn hiệu  với nguồn gốc thương mại cụ thể.

Kết quả là RETAILPHARMA được đăng ký là nhãn hiệu vì quyết định của IPC là quyết định cuối cùng./.

Nguồn: INTA Bulettin, August 2, 2023, https://www.inta.org/perspectives/law-practice/portugal-court-breaks-with-ip-office-over-distinctiveness-of-retailpharma/

 

Các bài viết khác